Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh vào sáng 16-8 (giờ địa phương) đã cập cảng Portsmouth, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.
Kỷ nguyên tác chiến mới của tàu sân bay
- Cập nhật : 12/08/2017
Quân đội Mỹ đang theo đuổi chương trình nâng cấp toàn diện tàu sân bay, mở ra kỷ nguyên tác chiến mới như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Vừa qua, hải quân Mỹ đã thử nghiệm thành công việc cất và hạ cánh chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornet từ tàu sân bay USS Gerald Ford. Như vậy, hệ thống phóng đẩy máy bay dùng công nghệ điện từ (EMALS) của USS Gerald Ford chính thức hoạt động thực tế. Đây là một trong những cải tiến quan trọng mà Mỹ phát triển trên lớp tàu sân bay Ford, vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cải tiến năng lực tác chiến của tàu sân bay tương lai. Chiến lược này còn bao hàm cả việc nâng cấp lớp tàu Nimitz đang đóng vai trò chủ lực trong lực lượng tàu sân bay Mỹ.
Cải tiến toàn diện
Theo tài liệu từ hải quân Mỹ, EMALS có đường trượt dài khoảng 91 m có thể tạo sức đẩy để tăng tốc vật nặng 45 tấn đạt tốc độ 240 km/giờ. Nhờ đó, quy trình điều động chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay chỉ còn mất 45 giây. Không chỉ nâng cấp hệ thống phóng, tàu sân bay lớp Ford còn được trang bị hệ thống hãm máy bay tân tiến (AAG) tăng tính chính xác cho quá trình máy bay đáp xuống tàu. Với những cải tiến mạnh mẽ, khả năng điều động chiến đấu cơ của tàu sân bay lớp Ford được tăng cường đáng kể, có thể triển khai 270 đợt xuất kích chiến đấu cơ mỗi ngày. Bên cạnh đó, USS Gerald Ford còn sở hữu hệ thống vũ khí phòng thủ mạnh mẽ hơn trước các mối nguy từ tàu ngầm, tên lửa cũng như chiến đấu cơ.
Cùng với các đổi mới về khả năng điều động và triển khai xuất kích chiến đấu cơ, tàu lớp Ford nói riêng và chương trình phát triển tàu sân bay Mỹ nói chung còn có kế hoạch nâng cấp sâu rộng về lực lượng máy bay kèm theo tàu sân bay. Cụ thể, Lầu Năm Góc sẽ dần thay thế chiến đấu cơ F/A-18 bằng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 là F-35. Dự kiến, đến giữa thập niên 2020, hải quân Mỹ sẽ bắt đầu triển khai F-35C tác chiến trên tàu sân bay. Hỗ trợ theo đó là nâng cấp lực lượng trực thăng chiến đấu săn ngầm Sikorsky SH-60 Seahawk với phiên bản MH-60R được trang bị hệ thống cảm biến mới để truy lùng các tàu ngầm tối tân. Nhờ đó, tàu sân bay Mỹ sẽ có khả năng phòng vệ tốt hơn trước tàu ngầm đối phương.
Thời của UAV
Tuy nhiên, việc trang bị chiến đấu cơ F-35C hay nâng cấp khả năng săn ngầm không phải là bước tiến nổi bật nhất của Mỹ trong tương lai. Lầu Năm Góc đang theo đuổi một kế hoạch hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại nhân lực bằng cách đẩy mạnh trang bị chiến đấu cơ không người lái cho tàu sân bay.
Trong đó, X-47B là mẫu máy bay không người lái (UAV) vũ trang có công nghệ vượt trội đã thử nghiệm cất cánh và hạ cánh thành công trên tàu sân bay từ vài năm qua. Nếu như MQ-9 Reaper - dòng UAV chiến đấu hiện đại nhất mà Mỹ đang triển khai tác chiến - có tầm bay chỉ khoảng 1.800 km với tốc độ tối đa chưa đến 500 km/giờ, thì X-47B có tầm bay gần 4.000 km và tốc độ tối đa đạt mức cận âm, xấp xỉ 1.000 km/giờ. Không những vậy, X-47B còn có thể mang theo lượng tên lửa hoặc bom nặng đến gần 2 tấn, tức gấp đôi năng lực của MQ-9 Reaper. Như vậy, việc trang bị X-47B giúp cho tàu sân bay Mỹ triển khai các kế hoạch tấn công mặt đất với sức mạnh đáng kể nhưng gần như không có rủi ro về nhân mạng của binh sĩ nước này. Trong nhiều cuộc chiến, áp lực lớn mà Lầu Năm Góc thường phải đối mặt là sự phản đối từ dân chúng do thiệt hại về nhân mạng. Không những vậy, với X-47B thì Mỹ còn tiết giảm lực lượng nhân sự cho hoạt động tác chiến. Vì thế, Lầu Năm Góc đang tự hào dòng UAV này mở ra một kỷ nguyên mới về tác chiến tàu sân bay.
Hiện tại, Mỹ đang phải ứng phó với chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận mà Trung Quốc đang theo đuổi. Do đó, thách thức đặt ra là làm sao phải giữ tàu sân bay xa bờ để phòng ngừa tên lửa chống tàu chiến tầm xa, và đổi lại phải nâng tầm hoạt động của máy bay chiến đấu đi kèm tàu sân bay. Để đảm bảo an toàn cho tàu sân bay thì cần triển khai cách bờ gần 2.000 km trong khi bán kính chiến đấu thực tế của F-35C chỉ khoảng hơn 1.000 km. Mặt khác, máy bay tiếp liệu trên không luôn cần lực lượng hộ tống nên nếu dùng máy bay tiếp liệu trên không để mở rộng tầm hoạt động của chiến đấu cơ sẽ vừa tốn kém, vừa đặt rủi ro nhân mạng cao. Trong bối cảnh như thế, một chương trình UAV khác dành cho tàu sân bay cũng đang được Mỹ triển khai.
Theo thông tin từ hải quân Mỹ, đầu năm nay, nước này đã chọn nhà cung cấp dòng UAV mang tên MQ-25. Đây là dòng UAV đa nhiệm trong hoạt động hậu cần hỗ trợ tác chiến. MQ-25 không chỉ được trang bị khả năng do thám, tích hợp hệ thống điện tử liên lạc, điều khiển hỗ trợ tác chiến, mà quan trọng hơn là nó còn có các phiên bản chuyên dụng tiếp liệu trên không. Lầu Năm Góc đang hướng đến kỳ vọng trong tương lai gần, có thể triển khai MQ-25 trên tàu sân bay để đáp ứng các sứ mệnh trên. Khi đó, tàu sân bay Mỹ với sự kết hợp của MQ-25 và X-47B sẽ đủ sức hình thành mạng lưới UAV tác chiến trên diện rộng được điều khiển từ xa mà không còn hiện diện bóng dáng binh sĩ trên chiến trường.
Ngô Minh Trí
Theo Thanhnien.vn