Tin Biển Đông

 
 
 

Hải quân Việt Nam: Hiển hách những chiến công

  • Cập nhật : 12/10/2016
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, tap hải biết giữ gìn lấy nó”.

 Để duy trì môi trường an ninh biển hòa bình và ổn định, cùng hợp tác và phát triển, các nước ASEAN đang từng bước củng cố lực lượng hải quân của mình.

Đất Việt xin giới thiệu với bạn đọc đôi nét về lực lượng hải quân một số nước ASEAN, trước tiên là lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại.

Đúng một năm sau chiến thắng “chấn động địa cầu”, ngày 7/5/1955, Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam (NDVN), có quyết định ra đời. Hơn nửa thế kỷ chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành với những chiến công hiển hách.

Thế hệ mười chín, đôi mươi vừa rời ghế nhà trường phổ thông năm 1964 không thể nào quên kỳ tích biên đội ba tàu phóng lôi 333, 336 và 339 thuộc phân đội 3, Đoàn 135 ngày ấy…

Hải quân Nhân dân Việt Nam luyện tập. Ảnh tư liệu

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu

Ngày 2/8/1964, khi tàu khu trục Maddox của Mỹ cách Hòn Mê 9 hải lý, Phân đội ba được lệnh nhổ neo xuất kích, tăng tốc vượt trước tìm địch. Tàu Maddox phát hiện có ba tàu tốc độ cao đang tiếp cận. Lúc này Maddox đã ở phía đông Hòn Nẹ, liền tăng tốc độ và chạy ra xa. Phân đội ba bám sát, còn cách 6 hải lý, tàu Maddox đã dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình ta.

Chỉ huy trưởng Phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc độ để chặn địch, tạo điều kiện thuận lợi để hai tàu 336 và 339 tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu địch, thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi tiêu diệt tàu địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này, trên trời, 5 máy bay địch tập kích và bắn trúng khoang máy chính, tàu phải thả trôi vừa tập trung dập lửa, sửa chữa, vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5 mm và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu và tiến hành phóng ngư lôi rồi giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến.

Chiến thắng trận đầu ra quân, Hải quân không những đuổi được kẻ thù, bảo vệ hải phận mà còn nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, dù chênh lệch về trang bị và kinh nghiệm. Tiếp đó, ngày 15/8/1964, bộ đội hải quân hiệp đồng cùng bộ đội phòng không, dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình chống lại cuộc hành quân “Mũi tên xuyên” của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên (trung úy Anvaret).

Suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại (1965-1968, 1972-1973), Hải quân đã chiến đấu 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn bị thương 102 lần chiếc khác và bắn bị thương 45 lần tàu chiến Mỹ.

Hải quân quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ thủy lôi, mở tuyến thông luồng, trực tiếp vô hiệu hóa 2.400 quả thủy lôi.

Không những thế, theo quyết định của Bộ Chính trị ngày 26/10/1961, Hải quân đã mở đường Hồ Chí Minh trên biển để đưa người, vũ khí vào miền Nam với nòng cốt là đoàn 759 (sau đổi thành Đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân).

Từ 1961 - 1973, Hải quân đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, phương tiện, thuốc chữa bệnh và 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ ngụy, viết nên trang sử huyền thoại trên Biển Đông.

 

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào Nam.
Ảnh tư liệu từ Hội Truyền thống đường mòn HCM trên biển.

Độc đáo đặc công Hải quân

Một nét đắc sắc của Hải quân là đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo, táo bạo và đạt hiệu suất cao của đặc công hải quân. Trong hoàn cảnh trang bị rất chênh lệch, hải quân ta đã nghiên cứu tìm ra cách đánh phù hợp cho Đoàn 126 Đặc công Hải quân, vượt qua tuyến bao vây phong tỏa dày đặc ngày đêm của địch, dựa vào dân, hiệp đồng với các lực lượng trinh sát kỹ thuật, luồn sâu vào các cảng, căn cứ, sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo… của địch, dùng các đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, sử dụng vũ khí có uy lực cao, đánh đau, đánh hiểm.

Chiến công của đặc công hải quân đã làm giàu kho tàng tri thức quân sự với kinh nghiệm tác chiến phi đối xứng dành cho những lực lượng yếu và thiếu về trang bị đối đầu với kẻ địch được trang bị tới tận răng. Người Mỹ phải ngạc nhiên: làm thế mà Việt cộng lại có thể mang cả khối thuốc nổ lớn hàng trăm cân đi xuyên rừng, xuyên núi, lọt vào tận nơi neo đậu ngoài biển xa để đánh chìm các tàu chiến của họ?

Bằng phương pháp ngụy trang và rèn luyện chỉ có ở đặc công nước như nằm phơi sương nhiều ngày để mất “mùi người”, làm “tịt mũi” khuyển, ngỗng, các chiến sĩ đặc công dễ dàng lọt qua hàng rào thép gai và chế độ tuần tra dày đặc. Độc đáo hơn, nhờ “ngòi nổ” chế từ đồng hồ đeo tay bình thường, các chiến sĩ đặc công của ta có thể ung dung đi ra khỏi căn cứ của địch và ngắm nhìn chiến công từ xa.

Trong 7 năm chiến đấu liên tục trên chiến trường Cửa Việt – Đông Hà (Quảng Trị), Đoàn 126 đã đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng nặng 336 tàu, xuồng chiến đấu, vận tải, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Chiến công này không thể tách rời sự đùm bọc của nhân dân, nhất là vùng đất lửa Vĩnh Linh.

Giải phóng quần đảo Trường Sa, bảo vệ chủ quyền

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, Hải quân đã hiệp đồng tác chiến hướng biển. Đặc biệt, đã phối hợp chặt chẽ với Quân khu 5 thần tốc, tạo báo, bí mật giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Mở đầu là trận đánh ở đảo Song Tử Tây (14/4/1975). Bằng trận tập kích đổ bộ đường biển của Đội đặc công 1 (Đoàn 126) và ba tàu của Đoàn 125 phối hợp đặc công Quân khu 5, sau 30 phút, ta đã làm chủ trận địa, tạo điều kiện phát triển tiến công giải phóng các đảo khác. Tiếp đó, Hải quân đã dũng cảm chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Bác Hồ từng dặn dò Hải quân Nhân dân VIệt Nam: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, tap hải biết giữ gìn lấy nó”. Ảnh tư liệu

 


Suốt từ năm 1975 đến nay, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả hy sinh xương máu, Hải quân đã cùng với quân dân cả nước bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên truyền thông vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng – Mưu trí sáng tạo – Làm chủ vùng biển – Quyết chiến quyết thắng”.

Văn Tuấn // Theo ĐVO
Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục