Nhật Bản đề xuất “xem xét lại” quy chế quân đội Mỹ; Lầu Năm Góc: Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam vào năm tới; Thủ tướng Nga Medvedev: Hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ đã chấm hết; Chuyên gia Nga nói NASA giấu thông tin về người ngoài hành tinh
Chương trình nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ
- Cập nhật : 12/10/2016
Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí cho chương trình nâng cấp khu vũ khí hạt nhân của Mỹ - bao gồm cả những kho vũ khí đang tồn tại ở nước Đức - tăng cao khủng khiếp. Ví dụ, chỉ riêng giá thay mới quả bom hạt nhân B61 đã lên đến 6 tỉ USD.
B61 là dấu vết cuối cùng của Chiến tranh lạnh còn tồn tại ở nước Đức. Các chuyên gia quân sự ước tính có chừng 10 đến 20 quả bom hạt nhân còn nằm yên trong căn cứ không quân Đức ở Buchel, ngôi làng yên tĩnh nằm trên vùng núi Eifel miền Tây nước Đức. Giả như chiến tranh nổ ra, máy bay chiến đấu Tornado của không quân Đức có thể lập tức vũ trang loại vũ khí chết người này để thực hiện sứ mạng dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Mặc dù kịch bản như thế rất khó xảy ra, song quân đội Mỹ vẫn cứ nôn nao muốn nâng cấp B61 (khoảng từ 160 đến 200 quả ở châu Âu) tương tự như với các loại vũ khí hạt nhân khác. Chương trình kéo dài tuổi thọ (LEP) dành cho B61 được đánh giá là khó khăn nhất và đắt tiền nhất so với các loại vũ khí hạt nhân khác hiện có của Mỹ.
Năm 2010, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) đề xuất khoảng 2 tỉ USD cho LEP trong vòng 4 năm. Sau đó, con số tăng gấp đôi, tức 4 tỉ USD. Bây giờ, một vài chuyên gia độc lập cho biết con số đã vọt đến gần 6 tỉ USD. Người đầu tiên đề cập đến khoản chi phí chóng mặt này là chuyên gia Hans Kristensen ở Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS). Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) ở Washington, tuyên bố: "Chi phí ước tính 6 tỉ USD của LEP dành cho bom hạt nhân B61 là hoàn toàn phù hợp với tính toán của chúng tôi".
Vào cuối tháng 4 vừa qua, một vài thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu cắt tiền tài trợ cho chương trình thay mới B61, ít nhất cho đến khi Cơ quan Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia (NNSA) - đơn vị chịu trách nhiệm nâng cấp vũ khí hạt nhân của Mỹ - trình ra báo cáo chi tiết về thời gian và kế hoạch cho việc nâng cấp.
Chi phí nâng cấp vũ khí hạt nhân không chỉ là vấn đề duy nhất làm đau đầu các chuyên gia, mà còn có vấn đề đối với chương trình hiện đại hóa B61. NNSA muốn thay mới những thành phần cũ của quả bom, lắp đặt các hệ thống an toàn và ngòi nổ, sửa đổi thiết kế. Đó là một nỗ lực hoàn thiện chưa từng có trước đây, theo nhận định của Hội Liên hiệp các khoa học liên ngành (UCS) - một tổ chức phê phán vũ khí hạt nhân. UCS cũng cảnh báo một số bộ phận mới cho B61, bao gồm ngòi nổ, vẫn chưa sẵn sàng cho chương trình nâng cấp.
Căn cứ không quân Buchel nhìn từ trên không. |
Hai chuyên gia UCS Nickolas Roth và Stephen Young viết trên trang web của tổ chức: "Hệ thống an toàn và ngòi nổ mới chưa được thử thách, các công nghệ còn chưa đạt mức tinh xảo". Nói tóm lại, dự án nâng cấp - nếu được thực hiện thành công bất chấp chi phí cao và những trở ngại về kỹ thuật - không chỉ giới hạn ở việc kéo dài tuổi thọ mà có vẻ như là tạo ra một quả bom khác hoàn toàn mới! Nếu như những quả bom B61 cải tiến xuất hiện tại các căn cứ quân sự ở châu Âu vào năm 2019 như kế hoạch đề ra, chúng "sẽ trở thành loại vũ khí chiến lược", theo chuyên gia Kristensen của FAS.
Kristensen cho rằng, sau khi nâng cấp, B61 có thể thay đổi từ vũ khí chiến thuật sang vũ khí chiến lược. Những quả bom hạt nhân chiến thuật như B61 được thiết kế để triển khai chống lại binh lính đối phương trên chiến trường. Do đó mà chúng không mạnh bằng vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được sử dụng để vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia hay thậm chí san bằng cả một thành phố.
Bom B61 mới (B61 - Mod 12, hay B61-12) có khả năng mang 4 đầu đạn khác nhau, với sức mạnh đến 45 kiloton TNT. Để so sánh, quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II có sức mạnh 15 kiloton. Gotz Neuneck, chuyên gia Viện Nghiên cứu hòa bình và Chính sách an ninh (IPRSP), cũng nhận định khả năng thực hiện sứ mạng của B61 được cải tiến triệt để. Ngoài việc nâng cấp, B61 cũng được vũ trang cho máy bay tàng hình F-35 mới đang được phát triển phối hợp (JSF), có thể mang được 2 quả B61 một cách gọn ghẽ. Gotz Neuneck ở IPRSP tin rằng B61-12 rất có thể sẽ là trở ngại lớn cho những cuộc thương lượng về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đồng thời đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực rút toàn bộ số vũ khí hạt nhân ra khỏi châu Âu.
Bom B61 có thể được phóng từ máy bay chiến đấu nhưng trong vài năm tới chúng sẽ "về vườn". |
Ngoài mối lo ngại về B61-12 được trang bị những đầu đạn lớn hơn, người ta còn cho rằng những đầu đạn nhỏ hơn - với sức mạnh chỉ 1,5 kiloton hay 0,3 kiloton - cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm chết người (cho dù bụi phóng xạ ít hơn). Từ lâu, chính quyền Mỹ đã tìm cách phát triển những quả bom hạt nhân thu nhỏ như thế. Bởi vì, vũ khí hạt nhân chiến lược quá mạnh cho nên việc triển khai chúng dường như đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay nữa. Nói rõ hơn là vũ khí hạt nhân chiến lược không còn đặt ra mối đe dọa. Mà ngược lại, đối với nhiều chính khách và lãnh đạo quân sự, những quả bom hạt nhân thu nhỏ đáng sợ hơn bởi vì chúng hoàn toàn có thể được sử dụng bất cứ lúc nào trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, việc triển khai hàng loạt những quả bom hạt nhân thu nhỏ đã nhiều lần gặp trở ngại từ phía Quốc hội Mỹ do tuyệt đại đa số nghị sĩ nước này cho rằng chúng quá nguy hiểm nếu được triển khai. Cũng vì thế mà vào năm 2005, chính quyền Tổng thống George W. Bush buộc phải từ bỏ kế hoạch phát triển loại vũ khí hạt nhân mini này.
Cuối cùng, xem ra chính chi phí quá cao sẽ giết chết chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân của Mỹ. Ít nhất đó cũng là hy vọng của Richard Burt, cựu Đại sứ Mỹ ở Đức và thành viên hàng đầu của sáng kiến giải trừ vũ khí hạt nhân Global Zero. Đương nhiên, sự kết thúc chương trình nâng cấp B61 - dù về mặt kỹ thuật hay chi phí - cũng sẽ nhận được sự hoan nghênh của phần đông các chuyên gia. Richard Burt là nhà đàm phán của Washington với Liên Xô cũ trong Hiệp ước START.
Để thay thế vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược, Mỹ sẽ chọn triển khai các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất Mỹ hay vũ khí hạt nhân trang bị cho tàu ngầm. Trong báo cáo được công bố mới đây, Kristensen yêu cầu Mỹ rút hết toàn bộ số vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi châu Âu.
Trang Thuần (tổng hợp)
Theo An Ninh Thế Giới