Tin Biển Đông

 
 
 

Chiến hạm Gepard thứ tư của Việt Nam đã vào Ấn Độ Dương

  • Cập nhật : 02/01/2018

Ngày đầu năm mới 2018, tàu vận tải Rolldock Star chở chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư của Việt Nam đã qua mũi Hảo Vọng phía cực nam châu Phi, vào Ấn Độ Dương.

chien ham gepard 3.9 thu tu cua viet nam tren khoang tau rolldock star ngay 30.12.2017 khi tren vung bien gan cape town, nam phi. he thong ten lua diet ham uran o giua tau, moi ben moi gan 2 ong phong (day du la 8 ong phong) thepictures.club

Chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư của Việt Nam trên khoang tàu Rolldock Star ngày 30.12.2017 khi trên vùng biển gần Cape Town, Nam Phi. Hệ thống tên lửa diệt hạm Uran ở giữa tàu, mỗi bên mới gắn 2 ống phóng (đầy đủ là 8 ống phóng) THEPICTURES.CLUB

Trước đó, ngày 29.12.2017, tàu Rolldock Star đã từ nam Đại Tây Dương vòng qua mũi cực nam châu Phi, trên vùng biển ngoài khơi Cape Town (Nam Phi) để vào Ấn Độ Dương trên hành trình đến Việt Nam. Tàu Rolldock Star khởi hành từ cảng Novorossiysk (Nga) ngày 4.12.2017, từ Biển Đen di chuyển ra Địa Trung Hải, Đại Tây Dương rồi vòng xuống phía nam châu Phi để vào Ấn Độ Dương. Dự kiến tàu sẽ ghé Singapore vào ngày 17.1.2018 trước khi về đến Cam Ranh (Việt Nam).

Chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư này trước đó có số hiệu tạm 487 khi trong thời gian thử nghiệm tại Novorossiysk. Chiến hạm này cùng chiếc Gepard 3.9 thứ ba (được cho là mang tên Trần Hưng Đạo) đã về Việt Nam hồi tháng 10 là hai tàu chiến có trang bị vũ khí chống ngầm, nét khác biệt so với 2 chiến hạm Gepard 3.9 trước đó (là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ).

Theo hãng tin Sputnik (Nga) ngày 31.12.2017, Việt Nam đã nhận từ Nga 4 chiến hạm Gepard 3.9 và không có ý định đặt hàng thêm lớp tàu chiến này, mà rất có thể sẽ quan tâm đến lớp tàu hộ tống mới nhất thuộc Dự án 20380 và 20385 với khả năng tác chiến chống tàu ngầm và phòng không vượt trội (hệ thống tên lửa phòng không với tầm bắn khác nhau). Theo chuyên gia tác chiến hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Vladimir Bogdashin, hệ thống phòng không mà tàu chiến Gepard được trang bị chỉ là phương tiện để tự vệ (hệ thống Palma gồm pháo bắn nhanh tầm gần cùng tên lửa). Tàu chiến phải có hệ thống phòng không tầm trung (150-180 km) của riêng mình. Ông Vladimir Bogdashin cho rằng Việt Nam quan tâm tới dự án tàu hộ tống  20385, dược trang bị hệ thống tên lửa tấn công và phòng không mạnh với tầm bắn từ 30 đến 150 km. Loại tàu này có thể bảo vệ một nhóm tàu chiến khỏi cuộc tấn công từ trên không mà không cần chi phí thêm.

Chiến hạm Gepard thứ tư của Việt Nam đã vào Ấn Độ Dương - ảnh 1

Mô hình tàu hộ tống lớp 20385NHÀ MÁY SEVERNAYA

Chiến hạm Gepard thứ tư của Việt Nam đã vào Ấn Độ Dương - ảnh 2

Tàu Gremyashchy hạ thủy ngày 30.6.2017 tại xưởng đóng tàu Severnaya ở St.Petersburg, NgaNHÀ MÁY SEVERNAYA

Lớp tàu hộ tống 20385 của Nga có kích cỡ dài 104 m, ngang rộng nhất 13 m, lượng choán nước 2.500 tấn, tốc độ tối đa 50 km/giờ, tầm hoạt động 7.400 km. Tàu có 99 sĩ quan và thủy thủ, có thể hành trình liên tục trên biển 15 ngày.Tàu vũ trang 1 pháo hạm A-190-01 (100 mm), 2 pháo bắn nhanh tầm gần AK-630M (30 mm), hệ thống tên lửa hành trình Kalibr (8 ống phóng thẳng đứng); hệ thống tên lửa phòng không Redut (16 ống phóng thẳng đứng), hệ thống ngư lôi chống ngầm Paket (2 dàn phóng với 4 ống phóng/dàn, ngư lôi loại 330 mm), súng máy 14,5 mm... Tàu còn có 1 hangar trực thăng phía sau, mang được trực thăng loại Ka-27.

Hải quân Nga đang đặt đóng 4 tàu, trong đó chiếc đầu tiên mang tên Gremyashchy đã được xưởng đóng tàu Severnaya ở St.Petersburg hạ thủy ngày 30.6.2017, dự kiến bàn giao vào cuối năm 2018.
 

Anh Sơn
Theo Thanhnien.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục