Mỹ ém nhiều quân bài, tướng diều hâu Trung Quốc lo; Thủ tướng Thái Lan phủ nhận mở đường cho bà Yingluck trốn ra nước ngoài; Không quân Mỹ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới; Xe tăng Trung Quốc bị súng máy bắn thủng
Cách quân đội Mỹ phát hiện mọi vụ nổ hạt nhân trên toàn cầu
- Cập nhật : 16/04/2017
Trang tin của Căn cứ Không quân Patrick mới đây đã tiết lộ về đội ngũ chuyên gia thuộc Không quân Mỹ với nhiệm vụ phát hiện các vụ nổ ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới.
Đội ngũ giám sát kỹ thuật (TESS) thuộc Không quân Mỹ, đơn vị chuyên dò tìm phát hiện các vụ nổ hạt nhân trên thế giới KHÔNG QUÂN MỸ
Tại tòa nhà 4 tầng ở Space Coast (bang Florida, Mỹ), các chuyên gia này thay nhau trực 24/24 giờ để phát hiện các vụ nổ ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới và xác định đó có phải là vụ nổ hạt nhân hay không.
Không biết trước khi nào có thể xảy ra vụ nổ hạt nhân, các nhân viên Đội ngũ giám sát kỹ thuật (TESS) thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật không quân Mỹ (AFTAC) phải luôn trong tình trạng sẵn sàng phát hiện, tiếp nhận và xử lý thông tin. Họ cũng phải phân tích, đánh giá và tổng hợp lại để báo cáo lên Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất.
Trung tá Ehren Carl, Chỉ huy trưởng TESS hiện giám sát chung hoạt động hàng ngày của đội ngũ khoảng 60 nhân viên tại đây. “TESS giám sát mọi nơi từ đất liền, trên biển, trên không và dưới nước. Họ là những người gác cổng, xem xét mọi dữ liệu do AFTAC thu thập một cách gần như trực tiếp”, ông nói.
Ghi nhận đến từng vụ sét đánh
AFTAC vận hành mạng lưới cảm biến dò tìm thử nghiệm hạt nhân trên toàn cầu USAEDS được đặt rải rác khắp nơi trên thế giới và trên vệ tinh nhằm phát hiện các vụ nổ.
“Các chuyên gia của chúng tôi sẽ phân tích dữ liệu truyền đến để xác định vụ nổ. Chúng tôi sử dụng các thiết bị chính xác để xác định vụ nổ là do sét đánh, động đất, núi lửa phun trào hay do con người gây ra”, ông Carl cho biết.
Trong trường hợp các chuyên gia xác định đó là vụ nổ hạt nhân, họ sẽ tiếp tục phân tích chuyên sâu và các tiến sĩ về địa chấn sẽ vào cuộc. “Thông tin các nhân viên xử lý trong những trường hợp như thế thường sẽ được chuyển đến tổng thống. Điều này cho thấy nhiệm vụ của họ quan trọng đến mức nào”, ông Carl nói.
TESS là một bộ phận khá mới của AFTAC và bắt đầu hoạt động vào tháng 10.2015 sau khi cơ quan này được tái cấu trúc. Ông Carl cho hay dù vậy lực lượng này vẫn luôn kiên trì và sáng tạo trong mọi tình huống. Tướng không quân David Goldfein gần đây đã gọi lực lượng này là “trái tim của Không quân” và “những cỗ máy sáng tạo và trung thành”.
Phát hiện 2 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong 1 năm
Trong năm 2016, TESS đã phản ứng nhanh nhạy trước 2 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Sau đó, AFTAC đã chuyển ngay thông tin đến Nhà Trắng và Hội đồng An ninh quốc gia.
Ông Carl kể lại rằng hai vụ trên xảy ra vào tháng 1 và tháng 9 khi các cảm biến phát hiện chấn động trong lòng đất ở khu vực gần nơi Triều Tiên thử hạt nhân. “Thông tin ban đầu dựa trên hoạt động địa chấn. Chúng tôi lập tức phân tích, tổng hợp và gửi lên cấp cao”, ông nói.
Năm 2016 được xem làm một năm quan trọng đối với TESS vì rất lâu mới có 2 vụ thử hạt nhân trong 1 năm. Carl cho biết đội ngũ của ông đã sẵn sàng trong các tình huống đó và sẽ lại sẵn sàng nếu có tình huống tương tự xảy ra.
Đại tá Steven Gorski, Chỉ huy trưởng AFTAC, cũng công nhận tổ chức này có vai trò không thể thay thế được trong việc phát hiện và báo cáo các chi tiết kỹ thuật từ các vụ nổ hạt nhân ở nước ngoài.
Khánh An
Theo Thanh Niên