Tin Biển Đông

 
 
 

Ba đối sách của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông

  • Cập nhật : 12/10/2016

Senkaku/Điếu Ngư vừa là vấn đề giữa Nhật Bản và Trung Quốc, vừa là sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cùng với các đồng minh.

 

Mây đen che phủ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh The Diplomat
Mây đen che phủ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh The Diplomat


Căng thẳng Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang khiến cho doanh nghiệp Nhật Bản bị đình đốn, ngành du lịch giảm sút mạnh về doanh thu và tàu công vụ Trung Quốc “hết lui, lại đến” vùng biển xunh quanh quần đảo đang tranh chấp.

Do phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ, xét theo khía cạnh nào đó, hành động  của Nhật Bản bị ràng buộc vào hành động của Mỹ. Tuy nhiên, là cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, Nhật Bản vẫn có sự độc lập nhất định trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Theo ông Robert Dujarric - Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại, Đại học Temple (Nhật Bản), hiện thời Tokyo có ba lựa chọn:

Không làm gì cả

Bất kể tính hợp pháp của các đòi hỏi chủ quyền mâu thuẫn nhau về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trách nhiệm về sự leo thang chủ yếu nằm ở phía Trung Quốc.

Việc Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo nhỏ vốn thuộc quyền sở hữu của một công dân nước này không làm thay đổi hiện trạng. Hơn nữa, do (cựu) Thống đốc Ishihara theo chủ nghĩa dân tộc khơi mào chuyện mua đảo, chính phủ Nhật Bản buộc phải hành động để dằn mặt ông này.  Ngoài ra, các hành động của phía Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Nhật Bản ở nước này có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, không làm gì cả cũng là một lựa chọn đối với Nhật Bản. Hành động của Trung Quốc cho đến nay không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng. Nhật Bản có lợi ích trong việc không làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn và chứng tỏ với thế giới bên ngoài rằng Bắc Kinh có lỗi. Một phản ứng của Nhật Bản có thể gây phản tác dụng, thay vì chờ đợi hàng tháng hàng năm để xem tình hình tiến triển như thế nào.

Ngoài ra, chính phủ Noda có thể sẽ bị  thay thế bằng một chính quyền mới do cựu Thủ tướng Shinzo Abe lãnh đạo, người đã từng đến cầu nguyện ở đền Yasukuni hồi đầu tháng này. Theo đuổi chính sách chủ động đối với Trung Quốc đòi hỏi phải có một ban lãnh đạo ổn định, điều mà Nhật Bản đôi khi thiếu vắng.

Tìm kiếm thỏa hiệp

Từ bỏ kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là một sự lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể chấp nhận một số yêu cầu Trung Quốc. Điều này có thể bao gồm việc xem xét các hình thức phát triển chung khác nhau và rà soát khu vực đánh bắt cá…

Ưu điểm của sách lược này là nó sẽ kiểm tra giả thuyết rằng Trung Quốc thực ra không tìm cách thay đổi hiện trạng, nhưng phải phản ứng trước hành động  "quốc hữu hóa" ba hòn đảo của Nhật Bản từng làm cho Bắc Kinh mất thể diện. Nếu giả thuyết này là đúng, một số nhượng bộ có thể giải quyết vấn đề. Do các bên đều muốn xoa dịu tình hình, sách lược này xem ra khả thi, nếu xét đến những điều lợi-hại.

Nếu những nhượng bộ của Nhật Bản không thể mua được hòa bình, người ta sẽ thấy rõ ý đồ sâu xa của phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, do tình hình chính trị trong nước, chính phủ Nhật Bản khó có thể theo đuổi sách lược này, chủ yếu là do không có một vị thủ tướng nhận được sự ủng hộ và tin cậy của đông đảo cử tri.

Tiếp tục tấn công

Trong hai năm 2010 và 2012, Bắc Kinh đã nhiều lần vượt qua “vạch đỏ”. Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh kinh tế chống Nhật Bản (trong năm 2010 là hạn chế xuất khẩu đất hiếm và chậm trễ trong việc thông quan, trong năm 2012 là các cuộc tấn công vào các tài sản của Nhật Bản ở Trung Quốc, hủy bỏ các chuyến du lịch, giảm bớt nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản…). Vì vậy, có lý do để nói rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá cho những hành động nói trên.

Một cuộc tấn công chiến lược sẽ cần hai mũi giáp công. Về ngoại giao, Nhật Bản sẽ chấp nhận giữ nguyên hiện trạng trong tranh chấp lãnh thổ với Nga và Hàn Quốc để tập trung đối phó với Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, hải quan Nhật Bản sẽ làm chậm tốc độ thông quan của hàng hóa Trung Quốc, tập trung vào các mặt hàng mà Nhật Bản có thể nhập khẩu từ các nước khác.

Trong một số trường hợp, Nhật Bản là nguồn cung duy nhất về các thành tố công nghệ cao cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Nhật Bản có thể kìm hãm một cách có chọn lọc một số mặt hàng xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp do các quan chức Trung Quốc (hoặc gia đình của họ) sở hữu.

Một chiến lược đầy tham vọng như vậy có thể phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ phải trả giá cho những hành động hung hăng.  Đặc biệt, nó có thể ngăn ngừa những tính toán sai lầm của phía Trung Quốc.

Tất cả ba lựa chọn này đều có ưu và nhược điểm. Lựa chọn đầu tiên khác với hai lựa chọn sau đó là nó không đòi hỏi Nhật Bản phải có một ban lãnh đạo tài năng, trong khi hai lựa chọn lại đòi hỏi “những diễn viên hạng nhất” trong nội các Nhật Bản. Lựa chọn cuối cùng và lựa chon thứ hai cũng đòi hỏi một sự hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ.

 

Minh Bích (theo The Diplomat, Đất Việt)
Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục