Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Hải đội cứu tàu ngầm của Trung Quốc nhằm mục đích gì?
Úc muốn Mỹ ở lại châu Á để kiềm chế Trung Quốc
- Cập nhật : 24/11/2017
Sách trắng ngoại giao công bố ngày 23-11 của Úc còn cho biết nước này "đặc biệt quan ngại về tốc độ và quy mô chưa từng có của những hoạt động do Trung Quốc tiến hành" trên Biển Đông.
"Chúng tôi tin rằng sự can dự và hỗ trợ một cách mạnh mẽ, liên tục cho một trật tự khu vực dựa trên luật lệ của Mỹ là nằm trong lợi ích của chính nước này, rộng hơn nữa là sự ổn định và thịnh vượng của toàn thế giới", một đoạn trong sách trắng nêu rõ.
Tài liệu dày 115 trang nhấn mạnh rằng nếu không có sự hiện diện và ủng hộ của Mỹ, tính hiệu quả và những khía cạnh tích cực của trật tự khu vực dựa trên luật lệ sẽ bị "suy giảm".
Lo nhiều hơn lạc quan
Giới quan sát nhận định sách trắng về ngoại giao của chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cho thấy những lo ngại trước chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump.
"Nước Úc tin rằng những thách thức tầm quốc tế sẽ chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả khi và chỉ khi có sự can dự của quốc gia giàu nhất, mạnh nhất và sáng tạo nhất thế giới", một cách khéo léo vừa ám chỉ, vừa kêu gọi vai trò "sen đầm" của nước Mỹ.
Úc là một trong những đồng minh kiên định nhất của Mỹ, Hãng tin Reuters bình luận. Các binh sĩ của hai quốc gia đã cùng vào sinh ra tử trong nhiều cuộc xung đột. Nhưng thực tế đang ngày càng thay đổi.
Sách trắng của Úc cảnh báo sự tăng trưởng kinh tế và quyền lực mà nước Mỹ có được sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị thách thức bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy. Canberra dự đoán đến năm 2030 nền kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt quy mô 42.000 tỉ USD, gần gấp đôi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Và như bất kỳ cường quốc mới nổi nào khác, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Canberra đã đề xuất ý tưởng Bắc Kinh và Washington cùng tham gia vào một hiệp định thương mại tự do xuyên khu vực - một cách để vừa làm giảm căng thẳng, những va chạm và xung đột lợi ích giữa hai nước, vừa tạo động lực cho sự phát triển của khu vực.
Nhưng, nói như một nhà quan sát, khi người ta đề xuất cái gì đó tức là thực tế nó chưa có hoặc hoàn toàn ngược lại. Khi chính quyền của Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giương cao ngọn cờ thương mại công bằng, song phương, sẽ rất khó để biến đề xuất đó thành hiện thực.
Quyền lực đang dịch chuyển ngày càng nhanh trong khu vực và sẽ ngày càng khó để nước Úc đạt được sự ổn định lẫn an ninh đúng như chúng ta tìm kiếm
Trích một đoạn trong sách trắng ngoại giao Úc 2017
Đi dây
Nước Úc rõ ràng đang bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi những lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh là rõ ràng, Canberra cũng không thể quay lưng trong mối quan hệ an ninh với Washington. Nói như một nhà quan sát, nước Úc của ông Turnbull đang chơi trò đi dây.
Những gì mà nước Úc đang đối mặt đã được một học giả quan hệ quốc tế cảnh báo cách đây vài năm. Trong khi các nước có thể tranh thủ các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc, họ vẫn duy trì các lợi ích an ninh với Mỹ. Nhưng khi yếu tố Trung Quốc đang ngày càng dày đặc trong nền kinh tế, các quốc gia sẽ bắt buộc phải lựa chọn.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của nước Úc, đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi không phải là đối tác an ninh lớn nhất", Thủ tướng Turnbull thừa nhận khi công bố sách trắng vào ngày 23-11.
Úc vẫn chọn duy trì mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ bất chấp đang hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Tổng cộng, cụm từ "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đã được nhắc tới 120 lần trong sách trắng, thay cho cách dùng "châu Á - Thái Bình Dương" cũ. Tổng thống Trump, trong bài phát biểu tại Hội nghị doanh nghiệp APEC 2017 tổ chức ở Đà Nẵng, đã nhiều lần liên tục nhắc tới "Ấn Độ - Thái Bình Dương", ám chỉ viễn cảnh kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc tại khu vực.
Trong khi Chính phủ Úc rõ ràng nhận thấy họ đang hưởng lợi ích từ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, họ cũng đồng thời ước gì Trung Quốc biến đi.
Jane Golley, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc ở Đại học Quốc gia Úc, nói với Hãng tin Reuters
Theo bà Jane Golley - chuyên gia về Trung Quốc, Sách trắng ngoại giao 2017 của Úc cho thấy nỗi sợ của nước này trước sức mạnh của Trung Quốc hơn là đường hướng chỉ đạo, một viễn cảnh khá tăm tối.
"Những chiến lược địa - kinh tế của Trung Quốc được nhắc tới rất ít. Sách trắng nhấn mạnh vào những căng thẳng mà những chiến lược đó có thể tạo ra, hơn là các lợi ích. Chúng ta sẽ sớm biết Trung Quốc phản ứng như thế nào nhưng hẳn là họ sẽ không thích điều đó", bà Golley bình luận.
Nước Úc đã không phải chờ lâu. Chiều 23-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói sách trắng của Úc là một sự đánh giá tích cực về tiến trình phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh rất lấy làm tiếc về những nhận xét "thiếu trách nhiệm" liên quan tới tình hình Biển Đông.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc năm nay đang cho thấy cách tiếp cận thận trọng và chậm chạp của Canberra. Một vài dự án đầu tư lớn của Trung Quốc đã bị Úc từ chối với lý do "lợi ích quốc gia" có thể bị tổn hại.
Nước Úc cũng tỏ ra không mặn mà với sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
DUY LINH
Theo Tuoitre.vn