Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc kéo Indonesia vào vũng lầy Biển Đông
- Cập nhật : 01/12/2017
Tình hình Biển Đông dường như lại nóng lên sau khi Trung Quốc chỉ trích Indonesia về quyết định đổi tên khu vực đảo Natuna giàu khí đốt tự nhiên của nước này. Điều gì ẩn sau một cái tên như vậy? Có vẻ như nó mang khá nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khu vực Bắc Kinh ngày càng có xu hướng coi là sân sau.
Sáu tuần sau khi Indonesia tuyên bố ý định đổi tên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trải dài 200 dặm ở phía Bắc quần đảo Natuna của họ thành “Biển Bắc Natuna”, Trung Quốc đã yêu cầu Jakarata bỏ tên gọi mới này, cho rằng điều đó không có lợi cho mối quan hệ “hết sức tốt đẹp” giữa hai nước. Trong một bức thư bày tỏ sự phản đối gửi đến Đại sứ quán Indonesia tại Bắc Kinh hôm 25/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận rằng hai nước đang có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông và việc Indonesia đổi tên khu vực này sẽ không thay đổi được sự thật đó. Trung Quốc cho biết việc thay đổi cái được cho là một “tên gọi được quốc tế công nhận” sẽ khiến “tranh chấp trở nên phức tạp và căng thẳng hơn”, đồng thời ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trên thực tế, vào năm 1986, Indonesia đã đổi tên khu vực cực Nam của Biển Đông thành Biển Natuna, một quyết định được công nhận bởi Tổ chức Thủy Văn học Quốc tế (IHO), một tổ chức liên chính phủ với sự giám sát của Liên hợp quốc (LHQ), và sự việc này cũng không gây ra bất cứ phản ứng ồn ào nào. Bộ Biển Indonesia đã đưa Biển Bắc Natuna vào bản đồ mới được công bố hồi tháng trước. Mặc dù Tổng thống Joko Widodo được cho là hài lòng với động thái này, song Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi dường như còn dè dặt.
Tuyên bố chủ quyền chính trị và ngoại giao này phù hợp với chính sách hàng hải mà ông Widodo công bố ngay từ những ngày đầu bước vào nhiệm sở, đó là sự kết nối mạnh mẽ giữa 17.504 hòn đảo tại quốc gia này, và tái khẳng định thẩm quyền của nhà nước Indonesia đối với các vùng biển vạn đảo của mình. Siswo Purnama, chuyên gia phân tích chính sách hàng đầu của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta mới chỉ thực hiện những bước đi đầu tiên trong một tiến trình dài hơi với khởi đầu là một bài diễn văn ở trong nước và kết thúc bằng một sự chứng nhận khả quan từ IHO. “Indonesia sẽ không hấp tấp vội vàng”, ông nói.
Hiện chưa rõ chính xác phạm vi các vùng biển mà Trung Quốc nói là đang trong tranh chấp, song giới chức Indonesia từ lâu vẫn mơ hồ về tấm bản đồ "Đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền, trong đó bao phủ hầu hết khu vực Biển Đông và lấn cả sang EEZ của Indonesia. Ngoại trừ việc đặt nghi vấn về tính hợp pháp theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) đối với "Đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương đề ra, giới ngoại giao Indonesia vẫn luôn thất bại trong việc yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa những giới hạn địa lý trong tấm bản đồ mang hình lưỡi bò mà họ tuyên bố. Đại sứ Hasyim Djalal, một nhân vật có thẩm quyền về luật biển, cho biết Indonesia chưa bao giờ nhận được sự phản hồi nào sau khi gửi một công hàm chính thức tới Bắc Kinh vào năm 1994, trong đó yêu cầu Trung Quốc phối hợp làm sáng tỏ tấm bản đồ "Đường 9 đoạn" của họ.
Indonesia không phải một bên tuyên bố chủ quyền tại Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, và ít nhất là trong quá khứ họ cũng không thừa nhận bất cứ vấn đề nào về đường biên giới trên biển với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2016 khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc chiếm lại một tàu đánh cá do Indonesia bắt giữ tại nơi mà Bắc Kinh gọi là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Giới chức Indonesia cho biết không chỉ có tàu đánh cá của Trung Quốc được một đội tàu ngư nghiệp hộ tống tại khu vực sâu trong EEZ của Indonesia, mà còn có 2 tàu hải cảnh được trang bị vũ khí hạng nặng đã thâm nhập vào phần lãnh thổ 12 hải lý của nước này để bảo đảm cho các tàu trên quay trở về.
Các ngư trường truyền thống không được UNCLOS công nhận, song các quyền đánh cá truyền thống đã và đang là chủ đề của loạt đàm phán song phương giữa Indonesia và hai nước láng giềng Úc và Malaysia. Đại sứ Djalal đặt câu hỏi rằng “Các ngư trường truyền thống là gì?”, đồng thời đề cập cách thức các tàu đánh cá của Nhật Bản đánh bắt cá ngừ xung quanh quần đảo Banda của Indonesia trong nhiều thập kỷ qua trước khi Indonesia được chính thức công nhận là một quốc gia vạn đảo vào năm 1982.
Với việc Chính quyền Widodo áp dụng một đường lối cứng rắn đối với các tàu đánh cá nước ngoài trái phép từ năm 2014, rõ ràng là chính sách hàng hải của ông Widodo ở một mức độ nào đó đã xung đột mạnh với nỗ lực mở rộng yêu sách trên biển của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc vào các năm 1994 và 2015 đã công nhận quần đảo chiến lược Natuna trải dài 300 km từ cực Tây Bắc của đảo Borneo của Indonesia là thuộc về Indonesia. Tuy nhiên, yêu sách "Đường 9 đoạn", lần đầu tiên được công bố trong các bản đồ của Trung Quốc vào các năm 1947, và nhắc lại vào năm 1992, cùng những yêu sách gần đây của Trung Quốc đối với các ngư trường được cho là từ thời tổ tiên để lại, cho thấy họ không thừa nhận EEZ của Indonesia, vốn tuân theo UNCLOS mà hai nước đã ký kết. Giới chức Indonesia tin rằng "Đường 9 đoạn" trải dài ít nhất 300 hải lý ở phía Nam Đảo Hải Nam, phải giới hạn ở một nơi nào đó trước một khu vực mà thềm lục địa của Indonesia giao thoa với thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.
Việc bảo vệ các ngư trường truyền thống trước một quốc gia tiêu thụ 32 triệu tấn cá mỗi năm không phải là mối lo ngại duy nhất của Indonesia. Biển Bắc Natuna còn sở hữu trữ lượng khoảng 50 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên, dù hầu hết trong số này đều nằm ở mỏ khí đốt Đông Natuna. Cùng với khu vực Đông Natuna, 3 mỏ khí đốt ở Tây Natuna chưa bao giờ là chủ đề của một tranh chấp lãnh thổ giữa Indonesia với Trung Quốc. Nhìn chung, ít có khả năng Indonesia hay Trung Quốc sẽ khởi kiện lên Tòa trọng tài quốc tế để phán xử các tuyên bố chủ quyền của mình như Philippines từng kiện và giành chiến thắng trước Trung Quốc trong phán quyết tháng 7/2016. Indonesia cũng được cho là không tin tưởng vào tòa án ở La Haye này sau sự thất bại bẽ bàng của họ trước Malaysia xung quanh quần đảo Sipadan và Ligitan ngoài khơi bờ biển phía Đông đảo Borneo vào năm 2002, một phán quyết mà họ đã chấp nhận song cũng làm dấy lên những chỉ trích gay gắt ở trong nước đối với chính phủ khi đó.
Theo mạng “Atimes”
Anh Thư (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông