Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 27-05-2017

  • Cập nhật : 27/05/2017

Bộ ba quyền lực phía sau tham vọng tên lửa Triều Tiên

Sau những đợt phóng tên lửa thành công, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thường vui cười, trao những cái ôm và hút thuốc ăn mừng với ba nhân vật này.

Thường xuất hiện chung với ông Kim trong các bức ảnh và đoạn ghi hình trên TV, ba người này rất được các cơ quan an ninh và tình báo phương Tây quan tâm vì họ là những nhân vật chủ chốt trong chương trình tên lửa đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên. Đó là ông Ri Pyong Chol, cựu tướng không quân; Kim Jong Sik, nhà khoa học tên lửa kỳ cựu và Jang Chang Ha, người đứng đầu trung tâm phát triển và thu mua vũ khí.

Ảnh chụp và các cảnh quay từ TV cho thấy đây là ba quan chức thân cận nhất bên Kim Jong Un. Ở ba người này không có sự khúm núm thường thấy ở các quan chức cấp cao khác, vốn luôn cúi chào và che miệng khi nói chuyện với ông Kim. Hai trong số họ từng đi chung Goshawk-1, chuyên cơ riêng của ông Kim. Họ là ba nhân tố không thể thiếu trong chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên - nước này đã hai lần thử hạt nhân và phóng tên lửa hàng chúc lên kể từ năm 2016, bất chấp quy định của Liên Hiệp Quốc.

“Ông Kim Jong-un thường giữ các chuyên gia kỹ thuật này bên mình để trực tiếp liên hệ với họ và thúc giục họ. Điều này thể hiện sự cấp bách muốn đẩy nhanh phát triển tên lửa của ông ta” - An Chan-il, cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên đã bỏ sang Hàn Quốc, nhận xét. Cũng theo chuyên gia này, Kim Jong Sik và ông Chang không có xuất thân từ các dòng họ danh giá, khác với các nhân vật cấp cao trong bộ máy chính quyền Triều Tiên. Ba người này đều do ông Kim Jong-un đích thân lựa chọn. “Ông Kim Jong-un đang tạo nên một thế hệ cố vấn mới, ngoài các cố vấn chủ chốt của cha ông ta” - một quan chức Triều Tiên nói. Quan chức này đã đề nghị Reuters giữ bí mật danh tính.

Bộ ba quyền lực phía sau tham vọng tên lửa Triều Tiên - ảnh 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng Ri Pyong Chol (thứ hai bên trái), Kim Jong Sik (giữa) và Jang Chang Ha (thứ hai bên phải) trong một vụ phóng thử tên lửa. Ảnh: REUTERS

Theo các chuyên gia, nhân vật sừng sỏ nhất trong bộ ba trên là Ri Pyong Chol. Từng theo học một trường hàng đầu Triều Tiên, ông Ri hiện là phó giám đốc Bộ Công nghiệp Vũ khí của đảng Lao Động, chuyên giám sát chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Theo Michael Madden, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, ông Ri đã theo sát ông Kim Jong-un trước khi nhà lãnh đạo trẻ được người ta coi trọng. Sinh năm 1948, ông Ri từng học ở Nga và được đề đạt khi ông Kim Jong-un bắt đầu thăng tiến vào cuối những năm 2000. Theo truyền thông Triều Tiên, ông Ri đã một lần tới Trung Quốc và hai lần tới Nga. Ông từng gặp Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc hồi 2008 trong tư cách tư lệnh không quân và từng hộ tống Kim Nhật Thành tới một nhà máy chiến đấu cơ của Nga năm 2011.

Trong bộ ba, Kim Jong Sik là nhà khoa học tên lửa. Ông từng là một kỹ thuật viên hàng không bình thường và hiện là một vị tướng có quân hàm trong Bộ Công nghiệp Vũ khí. Theo ông Madden, vai trò của Kim Jong Sik trong đợt phóng tên lửa thành công năm 2012 đã khiến ông này được công nhận.

Năm 2016, Kim Jong Sik từng hộ tống lãnh đạo Kim Jon-un tới thăm phòng điều khiển Cơ quan Phát triển Hàng không Quốc gia trước đợt phóng tên lửa tầm xa thành công hồi tháng 2. Truyền hình Triều Tiên từng đưa tin ông cùng đi với Kim Jong Un tới bãi thử tên lửa. Khi tới nơi, ông tháp tùng nhà lãnh đạo trẻ đi thảm đỏ và nhận hoa từ các quan chức cấp cao khác. Hiện chưa rõ tuổi tác và các thông tin chi tiết khác về ông này.

Trong bộ ba quyền lực, người ít được biết đến nhất là Jang Chang Ha, Chủ tịch Học viện Khoa học Quốc phòng, trước là Học viện Khoa học tự nhiên số 2. Cơ quan này phụ trách nghiên cứu và phát triển các hệ thống tên lửa tối tân của Triều Tiên. Học viện này bị Bộ Ngân khố Mỹ liệt vào danh sách đen năm 2010 do chuyên thu thập các công nghệ, thiết bị và thông tin từ nước ngoài để áp dụng vào chương trình vũ khí. Ông Jang cũng bị liệt vào danh sách đen năm 2016. Theo truyền thông Hàn Quốc, học viện có khoảng 15.000 nhân viên, trong đó có 3.000 kỹ sư tên lửa.

Theo ông Madden, bộ ba này đã thay thế cho bộ ba chủ chốt trong vấn đề vũ khí, quân sự của Triều Tiên những năm 2000 - chuyên gia hậu cần Jon Pyong Ho, nhà khoa học So Sang Guk và nhà điều phối quân sự O Kuk Ryol.

“Họ là những người đưa chương trình tên lửa của Triều Tiên vào thế kỷ 21” - ông Madden nói.(PLO)
----------------------

Ông Trump ra chính sách 4 điểm về Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã phê duyệt kế hoạch chính sách 4 điểm về giải quyết vấn đề Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh sử dụng “mọi sức ép có thể” trong khi tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Theo hãng tin Yonhap ngày 26-5, một nhóm quan chức Hàn Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Joseph Yun, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên. Ông Yun đã chia sẻ vắn tắt về chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đối với Bình Nhưỡng.

Theo đó, Tổng thống Trump đã ký thông qua báo cáo chính sách toàn diện do Bộ Ngoại giao đệ trình cách đây 2 tuần. Bản kế hoạch 4 điểm chính này gồm: không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, gây mọi sức ép, áp đặt mọi lệnh trừng phạt có thể với Triều Tiên, không thay đổi chế độ ở Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Ông Trump ra chính sách 4 điểm về Triều Tiên - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua chính sách 4 điểm về Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Yonhap bình luận, bản kế hoạch này cho thấy chính quyền ông Trump có thể đã loại trừ giải pháp quân sự trong vấn đề Triều Tiên và nhìn chung, chính sách này phù hợp với chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Vài tuần trước đó, các quan chức Mỹ đã có tuyên bố cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố cái gọi là kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược với Bình Nhưỡng của Mỹ đã kết thúc, rằng “mọi biện pháp” đang được tính đến.

Sau đó, Tổng thống Trump đã cảnh báo, một cuộc “xung đột quân sự lớn, rất lớn” với Triều Tiên hoàn toàn có thể xảy ra, song ông vẫn ủng hộ biện pháp ngoại giao nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi.

Hàn Quốc dự kiến tìm hiểu thêm nhiều chi tiết trong chính sách Triều Tiên của ông Trump khi Tổng thống Moon Jae-in cuối tháng 6 có cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng tại Washington.(PLO)
---------------------------

Trung Quốc thắt chặt an ninh biên giới với Triều Tiên

Một quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á hôm 26-5 tiết lộ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp thắt chặt an ninh biên giới với Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn tại thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết động thái trên nằm trong nội dung lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt lên Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước ngày. Theo bà Thornton, các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng họ đã tăng cường kiểm tra biên giới và kiểm tra hải quan với Triều Tiên.

Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ thực hiện lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm nay.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiện đang là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong khu vực. Đã xuất hiện các thông tin đồn đoán rằng Triều Tiên đang tăng cường hợp tác với Nga phòng khi Trung Quốc hết kiên nhẫn với quốc gia này. Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Triều Tiên.

Ở một diễn biến khác, Hạ nghị sĩ Mỹ Joe Wilson và Adam Schiff hôm 25-5 đệ trình dự luật hạn chế du khách Mỹ đến Triều Tiên. Hai vị này đều là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Ông Wilson giải thích rằng du khách đến Triều Tiên đã vô tình cung cấp ngoại tệ cho Bình Nhưỡng và số tiền này sẽ được dùng cho các chương trình phát triển hạt nhân đe dọa Mỹ và đồng minh, theo Yahoo News.

Điều tồi tệ hơn, ông Wilson tiếp tục, là Bình Nhưỡng bắt các công dân nước ngoài vô tội và dùng họ làm công cụ thương lượng ngoại giao. "Chúng ta không nên để điều này tiếp tục xảy ra" – ông Wilson kết luận.

Trong thời gian gần đây, mỗi năm có hàng trăm công dân Mỹ du lịch Triều Tiên. Hiện tại, Mỹ vẫn chưa ban hành lệnh cấm du lịch đến Triều Tiên bất chấp căng thẳng 2 nước leo thang.(NLĐ)
------------------------------

Hàn Quốc chấp thuận kênh liên lạc dân sự với Triều Tiên

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 26.5 cho phép một tổ chức phi chính phủ liên hệ với CHDCND Triều Tiên để bàn vấn đề nối lại hỗ trợ nhân đạo, một dấu hiệu của chính sách xem trọng đối thoại liên Triều của lãnh đạo mới.

Cụ thể, chính quyền Seoul đã bật đèn xanh cho đề xuất của Phong trào chia sẻ Triều Tiên (KSM) là liên lạc với phía miền Bắc để thảo luận cách tiến hành các dự án hợp tác và hỗ trợ, Yonhap dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho biết.

KSM muốn bàn về nhiều chương trình hỗ trợ với phía Triều Tiên, trong đó có một dự án cùng xử lý bệnh sốt rét. Lãnh đạo KSM Kang Young-sik nói nếu các cuộc thảo luận diễn ra thuận lợi, KSM sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho phép chuyển hàng cứu trợ đến Triều Tiên và tiến hành chuyến thăm miền Bắc sớm nhất vào ngày 10.6.

Đây là lần đầu tiên đề nghị như trên được thông qua kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10.5. Hồi đầu tuần, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố có kế hoạch nối lại chương trình trao đổi ở mức không vi phạm nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Tổng thống Moon tuyên bố sẽ ứng phó cứng rắn với những hành động “khiêu khích” của Bình Nhưỡng như thử hạt nhân và phóng tên lửa, nhưng cho rằng tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ giữa hai bên sẽ không mang lại ổn định cho bán đảo Triều Tiên.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục