Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 23-09-2017
- Cập nhật : 23/09/2017
Ông Kim Jong-un khẳng định Tổng thống Mỹ sẽ phải trả giá đắt vì đe dọa hủy diệt Triều Tiên
Sau khi gọi Tổng thống Donald Trump là người rối loạn tâm thần, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết những đe dọa của Tổng thống Mỹ chỉ càng khẳng định con đường của Triều Tiên là đúng đắn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên trong ngày 21/9 và lãnh đạo Triều Tiên cho biết sẽ xem xét các biện pháp đáp trả Mỹ.
Căng thẳng ngày càng lên cao khi Bình Nhưỡng bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế và lãnh đạo Triều Tiên cũng đưa ra các phát ngôn hung hăng hơn so với Tổng thống Mỹ
Những phát ngôn hiếu chiến được đưa ra trong bối cánh Tổng thư kí Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên tránh sa đà vào một cuộc chiến tranh, bên cạnh đó Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc đều kêu gọi hòa bình.
Ông Donald Trump gọi Chủ tịch Kim Jong-un là “Ông hỏa tiễn” với các hoạt động thử nghiệm nguy hiểm, đáp lại, ông Kim Jong-un mô tả Tổng thống Mỹ như người rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẽ cân nhắc đến mức độ đáp trả cao nhất trong lịch sử trước lời đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn của Tổng thống Mỹ đưa ra ngày 19/9.
"Với tư cách đại diện cho Triều Tiên và đại diện cho danh dự của quốc gia và của chính tôi, tôi sẽ khiến người đang giữ vị trí tối cao ở Mỹ phải trả giá đắt vì phát ngôn đe dọa hủy diêt hoàn toàn Triều Tiên", ông Kim tuyên bố.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã thực hiện thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 trong ngày 3/9 và một loạt các thử nghiệm tên lửa trong năm 2017 bao gồm 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã thực hiện hàng chục thử nghiệm tên lửa khi theo đuổi chương trình phát triển loại vũ khí có thể đem đầu đạn hạt nhân đến Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết cần có các biện pháp trừng phạt để mang Triều Tiên đến bàn đàm phán, nhưng Seoul không hướng đến sự sụp đổ của Triều Tiên. Ông Moon cảnh báo các vấn đề hạt nhân cần được giải quyết một cách bền vững để không ảnh hưởng đến hòa bình.(VTC)
---------------------
Trump đáp trả đe dọa thử bom H ở Thái Bình Dương của Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi lãnh đạo Triều Tiên là 'gã khùng' sau khi nước này đe dọa tiếp tục thử bom H (bom nhiệt hạch) ngoài khơi Thái Bình Dương.
Sau khi thử bom nhiệt hạch ngày 3-9, mới đây Triều Tiên lại tiếp tục leo thang căng thẳng khi tiết lộ sắp thử bom nhiệt hạch ở ngoài khơi Thái Bình Dương.
Đáp lại, vào chiều 22-9, tổng thống Donald Trump viết trên twitter: "Kim Jong Un của Triều Tiên, rành rành là một gã khùng không màng đến đói khổ hay giết chóc chính dân mình, sẽ bị thử thách như chưa từng".
Trước đó, trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc trong ngày 19-9, tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sẽ 'tiêu diệt hoàn toàn' Triều Tiên nếu như nước này tiếp tục các hành động khiêu khích.
Không nước nào thử bom hạt nhân trên mặt đất trong 37 năm
Số liệu từ Tổ chức Hiệp định cấm thử hạt nhân toàn diện cho biết trong lịch sử có hơn 500 lần thử bom hạt nhân trên mặt đất. Nhưng lần cuối cùng đã cách đây 37 năm. Khi đó, vào tháng 10-1980, Trung Quốc thử bom hạt nhân tại vùng sa mạc phía tây nước này.
Phóng xạ trong lần thử bom nhiệt hạch của Mỹ năm 1954 tại Quần đảo Marshall lan xa đến tận châu Âu. Hố bom do lần thử này để lại vẫn còn được nhìn thấy từ hình chụp vệ tinh của Google.
Theo WSJ, năm 2012, báo cáo viên đặc biệt Calin Georgescu của Liên Hiệp Quốc cho biết Quần đảo Marshall hứng chịu 'ô nhiễm môi trường gần như không thể cứu vãn'.
Nếu như Triều Tiên thử bom nhiệt hạch ngoài khơi Thái Bình Dương thì hậu quả để lại, theo các nhà khoa học, sẽ rất lớn bởi độ lan tỏa phóng xạ trong không khí và nước biển đi rất xa.
So với thử hạt nhân trong lòng đất, thử hạt nhân trên mặt đất nguy hiểm hơn rất nhiều, cả về sức công phá lẫn lan tỏa phóng xạ.
Theo thỏa thuận quốc tế tên Hiệp định cấm thử hạt nhân cục bộ ký năm 1963, việc thử vũ khí hạt nhân trong không khí, trong nước và ngoài không gian bị cấm.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết trong 40 năm cuối của thế kỷ trước, ngoài những lần thử bom hạt nhân, các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô... còn nhiều lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Pháp, Anh vẫn duy trì thử vũ khí hạt nhân đến giữa thập kỷ 90.
Tuy nhiên, từ đó đến nay 'phong trào' này đã giảm xuống. Lần cuối cùng Mỹ thử hạt nhân là năm 1992.
Sang thế kỷ 21, Triều Tiên là nước duy nhất thử hạt nhân. Từ năm 2006 đến nay, nước này 6 lần thử bom hạt nhân: 5 lần bom nguyên tử và 1 lần bom nhiệt hạch - tất cả đều dưới lòng đất.
Giờ đây, Triều Tiên đang đe dọa lần thứ 7 thử bom hạt nhân, ở ngoài khơi Thái Bình Dương.(Tuoitre)
--------------------------
Sợ tên lửa Triều Tiên, 3 hãng hàng không phải đổi đường bay
Ba hãng hàng không châu Âu đã thay đổi đường bay đến Nhật Bản nhằm đề phòng nguy cơ từ việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa.
Hãng hàng không Lufthansa (Đức), Swiss International Air Lines (Thụy Sĩ) và Scandinavian Airlines (đa quốc gia) đã điều chỉnh một số đường bay nhằm tránh bay qua vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, theo đài NHK ngày 22.9.
Các chuyến bay của 3 hãng từ châu Âu đến Nhật sẽ bay dọc theo vùng phía bắc đảo Hokkaido và Tohoku rồi vòng xuống những vùng khác tại nước này. Hành trình mới không làm kéo dài quãng đường cũng như thời gian bay.
Hãng Lufthansa nói việc thay đổi chỉ là biện pháp đề phòng. Một số hãng bay của Nhật như ANA hay Japan Airlines cho biết không có kế hoạch thay đổi đường bay.
Giới chuyên gia hàng không nhận định khả năng tên lửa bắn trúng máy bay trên không phận Nhật là cực thấp dù Triều Tiên gần đây phóng 2 tên lửa bay qua Hokkaido và rơi xuống Thái Bình Dương. Lý do là tên lửa bay ở độ cao hàng trăm km trong khi máy bay có trần bay khoảng trên 10 km.
--------------------------