Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 13-09-2017: Mỹ sợ gì nếu chiến tranh Triều Tiên bùng nổ?
- Cập nhật : 13/09/2017
Nếu phải chi một mức tương tự cho công cuộc tái thiết ở Hàn Quốc, thì Mỹ sẽ phải gánh thêm khoản nợ quốc gia tương đương 30% GDP.
Mỹ lo gánh nợ
Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, báo chí Mỹ tiếp tục đề cập tới hậu của của một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Triều Tiên.
Theo tờ National Interest, một cuộc chiến như vậy có thể cướp đi sinh mạng của 50.000 người Mỹ và có thể khiến hơn 2 triệu người Hàn Quốc thiệt mạng. Thiệt hại về kinh tế cũng sẽ vô cùng lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD đối với Washington đồng thời hủy hoại những nền kinh tế lớn nhất của khu vực châu Á.
Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 khiến 33.651 người Mỹ thiệt mạng và Washington khi ấy chịu thiệt hại kinh tế ước tính 20 tỷ USD. Trong khi đó, đối với Seoul, cuộc chiến này đã khiến 1,2 triệu người Hàn Quốc thiệt mạng và khiến giá trị của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sụt giảm hơn 80%.
Tuy nhiên, Capital Economics có trụ sở ở London, mức độ thiệt hại của cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ 2 sẽ lớn hơn rất nhiều. Chi phí cho công cuộc tái thiết đất nước sau cuộc chiến cũng "hết sức tốn kém". Theo đánh giá của tổ chức này, sau cuộc chiến gần đây nhất ở Iraq và Afghanistan, chính phủ Mỹ chi khoảng 170 tỷ USD cho công cuộc tái thiết.
Quy mô nền kinh tế Hàn Quốc lớn gấp 30 lần so với GDP của Iraq và Afghanistan. Nếu Mỹ phải chi một mức tương tự cho công cuộc tái thiết ở Hàn Quốc như đã làm ở Iraq và Afghanistan, thì Washington sẽ phải gánh thêm một khoản nợ quốc gia tương đương 30% GDP.
Hậu quả là một cuộc chiến kéo dài ở bán đảo Triều Tiên có thể sẽ làm gia tăng đáng kể mức nợ liên bang ở Mỹ, vốn đang ở mức cao ngất ngưởng, chiếm 75% GDP. Việc tăng nợ liên bang Mỹ sẽ gây áp lực đối với Washington trong việc cắt giảm chi tiêu hoặc nâng thuế hoặc kết hợp cả 2 biện pháp này. Điều này sẽ tác động tới các chương trình kinh tế của Tổng thống Donald Trump, mang tên "Trumponomics" trong nỗ lực giảm thuế doanh nghiệp và tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng có thể bị đẩy vào tình thế phải nâng lãi suất nhanh hơn để đối phó với sức ép lạm phát, theo đó, làm gia tăng chi phí nợ chính phủ và hủy hoại quá trình hồi phục kinh tế Mỹ.
Tờ báo Mỹ đánh giá sức mạnh của Triều Tiên bao gồm 700.000 binh sĩ và hàng chục nghìn khẩu đội pháo, khoảng 20 quả bom hạt nhân và các loại vũ khí hóa học. Với việc Seoul chỉ nằm cách biên giới Triều Tiên khoảng 35 dặm (56,3 km), thủ đô của Hàn Quốc có thể hứng chịu thiệt hại đáng kể, nhất là khi vùng thủ đô này chiếm khoảng một nửa dân số và giá trị nền kinh tế của Hàn Quốc.
Những thiệt hại khổng lồ
Bên cạnh những thiệt hại nhân mạng và kinh tế khổng lồ đối với bản thân Hàn Quốc và nước Mỹ, cuộc chiến tranh Triều Tiên còn được dự báo gây ra hàng loạt thiệt hại khổng lồ trong nhiều lĩnh vực đối với nhiều nước khác nhau.
Là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, Hàn Quốc lớn hơn bất kỳ nước nào từng trải qua xung đột vũ trang trên chính đất nước mình trong vòng 7 năm qua.
Sự sụt giảm 50% GDP của Hàn Quốc có thể làm suy giảm 1 điểm phần trăm trong GDP toàn cầu, đồng thời tạo ra sự gián đoạn trầm trọng đối với các luồng trao đổi thương mại.
Hàn Quốc gắn kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và khu vực, vốn sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng nếu xảy ra bất kỳ cuộc xung đột lớn nào.
Captial Economics nhận định Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do quốc gia Đông Nam Á này nhập khẩu khoảng 20% các loại hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc. Tiếp theo là Trung Quốc với lượng nhập khẩu hơn 10% hàng hóa từ Hàn Quốc và nhiều nước láng giềng châu Á khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngành công nghiệp chịu tác động tồi tệ nhất sẽ là ngành điện tử do Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất sản phẩm điện tử lớn thứ 4 trên thế giới, bao gồm màn hình tinh thể lỏng chiếm 40% thị phần toàn cầu. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 17% thị phần toàn cầu.
Hàn Quốc còn là một nước sản xuất ô tô lớn trên thế giới, chiếm khoảng 5% sản lượng toàn cầu, đồng thời là "công xưởng" đóng tàu lớn thứ 3 trên thế giới. Các xưởng đóng tàu của Hàn Quốc sẽ có thể là mục tiêu của các vụ tấn công từ Triều Tiên, đe dọa nguồn cung tàu thuyền cho công nghiệp khai thác khí hóa lỏng và các ngành công nghiệp khác của thế giới.
Đối với các công ty lớn của Mỹ như Apple, chiến tranh có thể phá vỡ các chuỗi cung ứng thiết bị điện tử từ Hàn Quốc, nhất là khi nhiều công ty Hàn Quốc nằm trong tầm ngắm của đạn pháo Triều Tiên.
Theo thống kê của Bloomberg, khoảng 12% nhà cung cấp của Apple là từ Hàn Quốc, trong khi nhiều công ty khác sẽ đối mặt với những khó khăn trong quá trình sản xuất nếu nguồn cung ứng hàng hóa trung gian của Hàn Quốc bị gián đoạn đột ngột.
Capital Economics nhận định rằng điều này có thể đẩy chi phí sản xuất thiết bị điện tử lên cao, theo đó, làm gia tăng mức lạm phát ở Mỹ đồng thời làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ.
Theo nhận định của hãng tư vấn Wood Mackenzie, các thị trường năng lượng có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhất là thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh khoảng 65% công suất lọc dầu được đặt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Hoạt động vận tải biển toàn cầu cũng có thể bị gián đoạn do 9 trong số 10 cảng biển container lớn nhất thế giới, bao gồm cảng Busan của Hàn Quốc, nằm ở khu vực châu Á. Riêng Trung Quốc chiếm 13% lượng xuất khẩu toàn cầu và là nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ.
Các thị trường tài chính chủ chốt trên thế giới phần lớn không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2017 với sự nhích lên không đáng kể giá giao dịch của các loại tài sản trú ẩn an toàn như vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng yen Nhật, trong khi đó, giá trị cổ phiếu Hàn Quốc đã tăng thêm 16% trong năm nay.
Thế nhưng, một cuộc chiến tổng lực trên bán đảo Triều Tiên sẽ có thể khiến cổ phiếu và giao dịch tiền tệ của thị trường mới nổi sụt giảm trong khi đẩy giá trị của tài sản trú ẩn an toàn lên cao.
Tình trạng đổ vỡ nền kinh tế toàn cầu có thể kéo dài, phụ thuộc vào quá trình tái thiết các nhà máy chủ chốt kéo dài trong bao lâu. Một ví dụ được nêu ra là chỉ tính riêng chi phí thay thế công suất chế tạo màn hình của hãng Samsung và LG của Hàn Quốc có thể lên tới 50 tỷ USD.
Trước đây, Hàn Quốc ước tính rằng chi phí tái thiết Triều Tiên và ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt sau khi thống nhất hai miền sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương GDP hàng năm của Hàn Quốc và cao gấp 2 đến 3 lần so với chi phí thống nhất nước Đức.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, cũng sẽ phải hứng chịu tác động của xung đột. Đối với Trung Quốc, sự gián đoạn các tuyến vận tải đường biển có thể đe dọa hoạt động xuất khẩu của nước này đồng thời cũng có thể chịu thua lỗ trong thương mại với Hàn Quốc.
Đối với Nhật Bản, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ giá trị đồng yen mạnh lên, vốn sẽ làm suy giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu trong nước và thị trường trái phiếu, cũng như đe dọa các chuỗi cung ứng ở châu Á. Điều đáng chú ý là cả ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều là những nhà xuất khẩu lớn nhất đối với Hàn Quốc.
The National Interest cảnh báo việc trút "hỏa lực và cơn thịnh nộ" như Tổng thống Mỹ Trump từng đe dọa sẽ phải trả một cái giá rất đắt về cả tính mạng con người và tài chính.
Khi Washington vẫn đang phải trả giá cho "cuộc chiến chống khủng bố" ở Afghanistan và Iraq, một cuộc xung đột lớn nữa chắc chắn sẽ đè bẹp "đôi vai" của cường quốc lớn nhất thế giới này.
Đông Triều
Theo Baodatviet.vn