Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 08-09-2017:

  • Cập nhật : 08/09/2017

Thủ tướng Hàn Quốc dự đoán ngày Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

Theo Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon, Triều Tiên có khả năng sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào ngày 9/9.Triều Tiên có khả năng sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào ngày 9/9 tới nhân dịp kỉ niệm Quốc khánh nước này.

Thủ tướng Hàn Quốc phát biểu trong phiên họp các Bộ trưởng Quốc phòng tại Seoul ngày 7/9: “Tình hình đang hết sức nghiêm trọng. Không còn nhiều thời gian trước khi Triều Tiên hoàn thành chương chuẩn bị vũ trang hạt nhân”.

 thu nghiem ten lua musudan thanh cong cua trieu tien trong thang 6/2016. (anh: kcna/reuters)

 Thử nghiệm tên lửa Musudan thành công của Triều Tiên trong tháng 6/2016. (Ảnh: KCNA/Reuters)

“Cần nhanh chóng có một biện pháp đặc biệt để ngăn cản sự liều lĩnh của họ”, ông Lee Nak-yon nói.

Sau thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, ngày 7/9, Mỹ đưa những phần còn lại của một hệ thống phòng thủ tên lửa đến căn cứ ở Hàn Quốc.

Hành động này đã vấp phải sự phản đối của hàng trăm người tại khu vực do những lo ngại về vấn đề môi trường và sức khỏe, cũng như lo ngại căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Nga và Trung Quốc cũng phản đối động thái này. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng đẩy mạnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD “chỉ có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến sự cân bằng an ninh chiến lược trong khu vực” và làm hại đến lợi ích của các quốc gia khác như Trung Quốc và khiến sự phản kháng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao.

Tuy nhiên người phát ngôn bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đây là hành động cần thiết để đáp trả những đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên.

Sau cuộc gặp tại Diễn đàn Kinh tế phương đông ngày 7/9 do Tổng thống Nga Putin chủ trì, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra tuyên bố “đã đến lúc cần tăng cường trừng phạt và gây áp lực lên Triều Tiên đến mức tối đa thay vì cố gắng tìm kiếm cơ hội đàm phán", người phát ngôn cho Tổng thống Moon, ông Yoon Young-chan cho biết.

Lãnh đạo hai nước Hàn – Nhật cho rằng sự tham gia của Nga và Trung Quốc là quan trọng nhất nếu muốn đạt được mục đích trên.(VTC)
----------------------------

Mỹ muốn đóng băng tài sản của ông Kim Jong-un

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, Mỹ đề xuất với Liên Hợp Quốc một loạt các biện pháp trừng phạt mới trong đó có phương án đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, Mỹ đề xuất với Liên Hợp Quốc một loạt các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cấm vận dầu, dệt may và đóng băng tài sản lãnh đạo cấp cao của Bình Nhưỡng.

Dự thảo Nghị quyết sẽ được đưa ra trước Hội đồng bảo an, nhằm đáp lại các thử nghiệm phóng tên lửa và bom hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên. Trước đó, theo tuyên bố của Bình Nhưỡng ngày 3/9, nước này thử thành công một loại bom nhiệt hạch có khả năng gắn lên tên lửa đạn đạo.

my-muon-dong-bang-tai-san-cua-kim-jong-un-1

 Người dân Triều Tiên ăn mừng thành công của thử nghiệm hạt nhân. (Ảnh: KCNA/BBC)

Theo BBC, Trung Quốc và Nga đều muốn phản đối áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung này.

Tháng 8/2017, Liên Hợp Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt cấm xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ chốt của Triều Tiên như sắt, chì và hải sản, nhằm gây áp lực cho lãnh đạo Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng không hiệu quả.

Dự thảo mới do Mỹ đưa ra kêu gọi cấm cung cấp một số sản phẩm dầu cho Triều Tiên và cấm Triều Tiên xuất khẩu dệt may. Lao động Triều Tiên cũng sẽ bị cấm làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại dối với lãnh đạo Kim và các lãnh đạo cấp cao khác của Triều Tiên. Sau các lệnh cấm vào tháng 8/2017, thu nhập từ nước ngoài và xuất khẩu dệt may là hai nguồn thu quan trọng nhất còn lại đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên đề xuất của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ Nga và Trung Quốc, hai nước cung cấp dầu cho Triều Tiên và đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng lượng dầu khoảng 40.000 tấn mà Nga xuất khẩu sang Triều Tiên là không đáng kể. “Không đáng phải để cảm xúc lấn át và dồn ép Triều Tiên,” ông Putin nói.(VTC)
------------------------

Chuyên gia Mỹ nói ông Kim Jong-un có khả năng biết trước thế giới sẽ làm gì

Phó Giáo sư Howard Stoffer thuộc Chương trình an ninh quốc gia tại Đại học New Haven cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có khả năng dự đoán được những gì mà phần còn lại của thế giới sẽ làm theo sau các động thái của Triều Tiên.

"Tôi cho rằng ông Kim đã dự đoán được những gì mà phần còn lại thế giới sẽ làm. Ông ấy là một người lý trí và biết có thể làm gì trong khả năng hay có thể đẩy mọi việc đi tới đâu", ông Howard nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. 

Về cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sau hàng loạt các động thái gần đây của Bình Nhưỡng, nhà phân tích chính trị này cho rằng chưa phải đã hết các lựa chọn ngoại giao để giải quyết vấn đề.

1_90953

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.  

"Tôi nghĩ rằng các cuộc đối thoại về hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng là không thực tế. Thay vào đó, nên nghĩ tới việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng hơn và Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố không để Triều Tiên đi theo con đường này.

Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ không có gì ngoài lương thực và thuốc. Họ cũng sẽ không có nguyên liệu và sản phẩm khác phục vụ cho chương trình hạt nhân của mình", chuyên gia tới từ Mỹ nhận định.

Khi được hỏi vì sao Liên Hợp Quốc không đưa ra những đề xuất để Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ và Nga ngồi lại để bàn về tình hiện tại, ông Stoffer cho rằng lý do xuất phát từ chính những quốc gia này. 

"Đơn cử như Mỹ, Tổng thống Trump thường hành động một cách vội vàng với ý tưởng không mấy hiệu quả là cắt đứt thương mại với các nước giao thương với Triều Tiên", ông này nói. 

Tuy nhiên, trái quan điểm với chuyên gia tới từ Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng thời điểm này là vô ích và không có hiệu quả. 

"Người Triều Tiên thà ăn cỏ chứ không ngừng chương trình hạt nhân chừng nào họ cảm thấy không an toàn”, ông Putin nói trong cuộc họp báo sau hội nghị cấp cao nhóm BRICS tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chiều 5/9.

Ông Putin cũng cho rằng các nước láng giềng thay vì kích động quân sự nên nghĩ đến giải pháp ngoại giao khi giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. 

"Đó là một con đường không dẫn tới đâu cả. Nó có thể gây ra thảm họa toàn cầu, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội", ông chủ điện Kremlin nói đến viễn cảnh sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với quốc gia Đông Bắc Á. (VTC)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục