Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 21-05-2017
- Cập nhật : 21/05/2017
Triều Tiên dường như bắn tên lửa đạn đạo
Quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 21/5 đã bắn một vật thể dường như là tên lửa đạn đạo.
Theo nguồn tin, vật thể trên được phóng vào chiều cùng ngày từ một địa điểm gần Pukchang, thuộc tỉnh Nam Pyeongan, song không cho biết thêm chi tiết.
Gần đây nhất, hôm 14/5, Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng tuyên bố là đã "thành công". Theo Triều Tiên, đây là một loại tên lửa mới - đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Hwasong bay được 787 km và đạt độ cao 2.111,5 km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nga.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận tên lửa này rơi xuống khu vực cách lãnh thổ Nga 500 km và không gây nguy hiểm. Vụ phóng tên lửa mới nhất này diễn ra trong bối cảnh tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa nhậm chức.
Trước đó, hôm 12/2, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong, còn gọi là KN-15. Sau đó, ngày 5 và 16/4, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo, được cho là tầm trung gần bờ biển phía Đông nước này, song cả hai vụ phóng trên đều thất bại. Bình Nhưỡng đã thực hiện thêm một vụ phóng vào ngày 29/4 và tên lửa đã rơi trong phần lãnh thổ Triều Tiên.(TTXVN)
-----------------------------------------
Tổng thống Hàn Quốc họp khẩn sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên
Ngay sau khi Triều Tiên phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo vào chiều 21/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình.
Trước đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo chưa xác định về hướng Đông vào lúc 16h59' (giờ địa phương) từ một địa điểm gần Pukchang, tỉnh Nam Pyeongan.
Tên lửa đã bay được khoảng 500 km và được cho đã rơi xuống vùng biển ở ngoài khơi bờ biển miền Đông Hàn Quốc. Hội đồng trên cho biết Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành phân tích chi tiết vụ phóng, trong đó có loại tên lửa và đường bay chính xác của tên lửa này.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tên lửa đạn đạo có thể đã rơi bên ngoài khu đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và không gây phương hại tới tàu thuyền và máy bay ở khu vực này.
Đây là vụ phóng lần thứ hai của Triều Tiên trong vòng 1 tuần qua, trong đó vụ phóng vào ngày 14/5 vừa qua được cho là đã thành công.(Baotintuc)
-------------------------
Bất ngờ với mục đích thực sự tàu sân bay hạt nhân Mỹ thứ 2 tới Bán đảo Triều Tiên
"Chảo lửa" Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Mỹ lại tiếp tục điều thêm một tàu sân bay thứ hai tới khu vực này. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của quyết định điều động này dường như lại không phải là nhằm vào Bình Nhưỡng.
Nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan làm chủ lực được điều động hướng tới Bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay tấn công lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đã được điều động tới Bán đảo Triều Tiên ngay sau khi Bình Nhưỡng thử quả tên lửa đạn đạo mới nhất, được cho là có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trong buổi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, chuyên gia an ninh Nga Lev Korolkov đã đưa ra những nhận định về mục đích thực sự đằng sau sự hiện diện của siêu tàu sân bay này tại Bán đảo Triều Tiên.
Ông giải thích: “Đầu tiên, đây là một hành động phô diễn sức mạnh, cũng như nỗ lực gây sức ép với Nga và Trung Quốc – các cường quốc trong khu vực. Nhiệm vụ thứ hai là hỗ trợ các đồng minh của Washington, là Nhật Bản và Hàn Quốc. Và cuối cùng, nó mới nhắm tới Triều Tiên”.
Theo ông Korolkov, mọi người đều biết rất rõ mặc cho các tuyên bố từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ không bao giờ là nước đầu tiên triển khai tấn công. “Thậm chí như vậy, Mỹ muốn gây sức ép lên Bình Nhưỡng nhằm hạn chế việc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, đặc biệt trong khi Triều Tiên lại đang đạt một số bước tiến trong lĩnh vực này. Tuy nhiên sẽ không nảy sinh xung đột vì cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho nó”, ông Korolkov kết luận.
Trước đó, kênh truyền hình CNN đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan được cho là dự kiến thay thế tàu sân bay USS Carl Vinson - tàu đã tới Bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng trước, nhằm phô diễn sức mạnh, trong bối cảnh cả thế giới lo sợ Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc thử hạt nhân lần thứ 6.
Theo thông báo của các quan chức Hải quân Mỹ, hai tàu sân bay này sẽ thực hiện các buổi diễn tập chung vào cuối tháng 5. Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời vùng biển Nhật Bản vào hôm 16/5 sau khi hoàn tất quá trình bảo trì tại Yokosuka.
Lần phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong hôm 14/5, kết quả một tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất rơi xuống Biển Nhật Bản. Ngay hôm sau, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định vụ thử tên lửa phóng thành công và tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trong khi đó, truyền thông đưa tin các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Triều Tiên đang nâng cấp Bãi phóng Vệ tinh Sohae nằm ở tỉnh North Pyongan – nơi đã triển khai phóng thử 4 quả tên lửa đạn đạo trong tháng 3/2017.
Theo trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 North, các hình ảnh ghi nhận cho thấy Triều Tiên đang xây những con đường và trạm quan sát mới quanh bãi phóng, cũng như đào một hố bên cạnh sàn phóng mà hiện chưa biết chức năng là gì.
Kể từ đầu năm 2016, Triều Tiên đã thực hiện một loạt các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân, kéo theo sự chỉ trích lên án của dư luận thế giới, khiến cho căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã siết chặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này trong nỗ lực buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt các vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân.(Baotintuc)
-------------------------------
Triều Tiên cảnh báo Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp
Hãng thông tấn Yonhap ngày 20/5 dẫn nguồn hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Bình Nhưỡng phê phán việc Mỹ và Nhật Bản gần đây thảo luận về các biện pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên, đồng thời đe dọa rằng Nhật Bản cũng là mục tiêu tấn công.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: KCNA)
Một bài bình luận được đăng tải trên KCNA cùng ngày đề cập đến việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 16/5 đã đề cập đến việc tăng cường gây áp lực đối với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Tokyo sẽ phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp trước các vũ khí chiến lược và uy lực của Triều Tiên.
KCNA nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản tiếp tục theo đuôi Mỹ chống lại Triều Tiên thì sẽ phải nhận hậu quả thảm khốc trước đòn tấn công của Bình Nhưỡng.(Vietnam+)
-----------------------