Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Hôm nay Triều Tiên thử hạt nhân và duyệt binh quy mô lớn?
Triều Tiên cho rằng, con đường duy nhất để ngăn chặn Mỹ tấn công, bảo vệ chế độ là sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhiều nguồn tin từ Mỹ cho rằng, Triều Tiên đã bước vào giai đoạn cuối cùng cho việc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu.
Ngày 15/4 là ngày Mặt trời của Triều Tiên. Cả nước sẽ tổ chức các hoạt động chúc mừng tròn 105 ngày sinh của nhà lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành. Nếu Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân thành công trong ngày này thì sẽ tăng mạnh khả năng hạt nhân.
Mặc dù các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho thử nghiệm hạt nhân, nhưng hành động này có được thực hiện hay không còn phải chờ quyết định cuối cùng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul.
Ngoài ra, mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên cũng gây quan ngại. Ngày 13/4, tại một hội nghị của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng, Thượng viện Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng Triều Tiên có thể có khả năng lắp khí độc Sarin vào đầu đạn tên lửa và bắn trúng mục tiêu.
Các nguồn tin từ báo chí quốc tế còn cho hay, một động thái đáng chú ý của Triều Tiên là, nhà lãnh đạo Kim Jong-ul đã hạ lệnh rút 25% dân ở Bình Nhưỡng, tức khoảng 600.000 người. Bởi vì, khả năng ở bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra chiến tranh, hệ thống hầm trú ẩn ở Bình Nhưỡng không đủ cho toàn bộ người dân ở đây.
Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) ngày 11/4 cho rằng việc Triều Tiên di chuyển lượng lớn người dân ở Bình Nhưỡng đến các khu vực khác là để thực hiện chính sách “kỳ thị”, căn cứ vào xuất thân và mức sống. Mục đích của chính sách này là để trục xuất những phần tử chống đối, dao động ra khỏi Bình Nhưỡng, từ đó loại bỏ những nhân tố nguy hiểm và gây rối loạn.
Hành động này là để bảo vệ an ninh quốc gia, tiến hành kiểm tra việc nhập hộ khẩu đối với tất cả người dân Bình Nhưỡng. Đối tượng trục xuất bao gồm: những người chạy khỏi miền bắc, những người mất tích, tù nhân, buôn lậu ma túy, những người tuyên truyền sản phẩm video của Hàn Quốc cùng gia đình của họ. Hành động này áp dụng thái độ không khoan nhượng đối với tội phạm kinh tế.
Theo quan chức tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ tiến hành duyệt binh quy mô lớn trong ngày hôm nay (15/4/2017) hoặc ngày thành lập quân đội (25/4/2017). Một nguồn tin khác từ quân đội Hàn Quốc cho biết, công tác chuẩn bị duyệt binh của Triều Tiên đã hoàn thành. Quân đội Hàn Quốc tiến hành theo dõi chặt chẽ đối với vấn đề này.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng lễ duyệt binh lần này của Triều Tiên sẽ có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Đặc biệt, Triều Tiên có thể phô diễn những vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới.
Mỹ điều vũ khí “mạnh hơn tàu sân bay” đến Triều Tiên
Ngoài việc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ngày 8/4 quyết định điều tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson đổi hướng, quay lại vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên, Mỹ cũng đã triển khai máy bay trinh sát hạt nhân ở căn cứ quân Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản.
Đồng thời Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo sẵn sàng hành động quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, nhất là khi Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng tiến hành “báo thù kiểu Triều Tiên”.
Theo tờ Lenta (Nga) ngày 12/4, có nguồn tin tiết lộ, trong hạm đội Hải quân Mỹ được điều đến vùng biển bán đảo Triều Tiên có ít nhất một chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio phiên bản cải tiến mang theo 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Tàu ngầm này đã gia nhập cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson.
Cũng trong ngày 12/4, trả lời phỏng vấn hãng tin FOX Business News, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Chúng tôi điều hạm đội rất mạnh, trong đó có tàu ngầm mạnh, uy lực còn lớn hơn tàu sân bay”.
Hiện nay Hải quân Mỹ sở hữu 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình, chúng được cải tạo từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, lần lượt là USS Ohio SSGN-726, USS Michigan SSGN-727, USS Florida SSGN-728 và USS Georgia SSGN-729. Trước khi cải tiến, những tàu ngầm này trang bị tên lửa đạn đạo Trident.
Những động thái quân sự mới nhất của Mỹ đang làm gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Dư luận quốc tế đã sôi nổi bàn đến khả năng Mỹ tiến hành tấn công “đánh đòn phủ đầu” đối với Triều Tiên.
Nhật Bản muốn thông báo trước nếu Mỹ dùng vũ lực
Trung Quốc chỉ muốn khôi phục đàm phán
Các bên liên quan cũng đã tích cực đưa ra phản ứng với khả năng Mỹ tấn công quân sự đối với Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Mỹ tiến hành tham vấn trước với Nhật Bản trong trường hợp Mỹ quyết định áp dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên. Mỹ đã chấp nhận đề nghị này.
Trước đó, khi Mỹ điều cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson quay trở lại vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên, Mỹ đã không thông báo trước cho Hàn Quốc, chỉ công khai trên báo chí.
Ngày 12/4, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc, đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị, bao gồm rút kiều bào ở bán đảo Triều Tiên.
Ngày 14/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hiện nay tình hình nguy hiểm ở bán đảo Triều Tiên thực sự đáng để “cảnh giác cao độ”. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ những lời nói và hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng.
Trung Quốc cho rằng lịch sử đã chứng minh vũ lực không thể giải quyết được vấn đề, đối thoại mới là lối thoát duy nhất. Một khi xảy ra chiến tranh, kết cục sẽ chỉ là nhiều bên thua, không ai có thể trở thành người chiến thắng.
Trung Quốc kêu gọi các bên không được tiếp tục kích động, đe dọa lẫn nhau, không được đẩy vấn đề đến mức không thể cứu vãn và không thể xử lý. Bất kể là ai, nếu muốn gây chiến ở bán đảo Triều Tiên thì sẽ phải chịu “trách nhiệm lịch sử” và trả giá tương ứng cho nó.
Ông Vương Nghị còn kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán và thực hiện các phương án cụ thể do Trung Quốc đưa ra. Điều này đòi hỏi các bên phải có thái độ cởi mở, chấp nhận kiến nghị có lợi. Trung Quốc luôn ủng hộ đàm phán, cho dù chính thức hay không chính thức, một kênh hay hai kênh, song phương hay ba bên, bốn bên.
Hiện nay, đứng trước sức ép cực mạnh của Mỹ và cả của Trung Quốc, lãnh tụ Kim Jong un đã có những bước đi thực dụng để tránh một cuộc xung đột thảm họa. Ông cho lập lại Ủy ban Đối ngoại, mở ra khả năng đối thoại. Việc tổ chức khánh thành khu phố mới mang tên Bình Minh (Ryomyong) và lời tuyên bố của Thủ tướng Pak Pong Ju: Đây là "một sự kiện rất có ý nghĩa, vĩ đại, mạnh hơn nhiều so với việc nổ hàng trăm quả bom hạt nhân trên đầu thù" cũng là một động thái cho thấy, Triều Tiên có thể tạm dừng thử vũ khí hạt nhân nhưng lại không bị mất mặt.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn