Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 19-08-2017:
- Cập nhật : 19/08/2017
Tướng lĩnh Mỹ-Trung bàn luận căng thẳng Triều Tiên
Ngày 17-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph F. Dunford, đã có cuộc thảo luận với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (TQ) Phạm Trường Long, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày (bắt đầu từ ngày 15-8) của ông tại TQ. Theo Straits Times, tướng Dunford là quan chức quân sự cấp cao nhất của Mỹ tới thăm TQ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.
Tướng Mỹ cứng rắn
Trong cuộc họp với ông Dunford ngày 17-8, ông Phạm Trường Long nói rằng cách hiệu quả duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên hiện nay là thông qua đối thoại. “TQ tin rằng đối thoại và tham vấn là cách thức hiệu quả duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên và rằng giải pháp quân sự không thể là một lựa chọn” - ông nói. Tướng Phạm Trường Long cũng cho rằng tất cả bên liên quan đều cần kiềm chế và tránh bất kỳ hành động hay lời lẽ nào có thể gây gia tăng căng thẳng, theo Reuters.
Ngày 15-8, khi vừa tới Bắc Kinh, ông Dunford đã kêu gọi TQ gây áp lực lên Triều Tiên và cảnh báo nếu các biện pháp ngoại giao và kinh tế không cho thấy hiệu quả, Mỹ sẽ dùng tới hành động quân sự. Tướng Dunford nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, đồng thời tập trận chung Mỹ-Hàn “hiện không nằm trên bàn đàm phán tại bất kỳ cấp trao đổi nào”.
Trả lời với báo chí tại Bắc Kinh ngày 17-8, ông Dunford nói rằng một giải pháp quân sự đối với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên sẽ “khủng khiếp” nhưng việc cho phép Bình Nhưỡng phát triển năng lực tấn công hạt nhân Mỹ là điều “không thể tưởng tượng nổi”. Tướng Dunford cũng khẳng định Mỹ thực hiện bất cứ hành động quân sự nào với Triều Tiên cũng sẽ tham vấn Hàn Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford (trái) và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Phạm Trường Long trong cuộc họp ngày 17-8. Ảnh: EPA
Mở cơ chế đối thoại chiến lược
Trước đó, ông Dunford và người đồng cấp phía TQ Phòng Phong Huy hôm 15-8 cũng đã ký kết một thỏa thuận về việc mở cơ chế đối thoại tham mưu liên quân chung giữa quân đội hai nước.
Theo Đại tá Triệu Tiểu Trác, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân sự PLA, quân đội Mỹ-Trung trước đây có nhiều cơ chế đối thoại nhưng hầu hết cơ chế này tập trung vào chính sách, xây dựng quân đội hoặc trao đổi về một vấn đề cụ thể hoặc một quân chủng nào đó. “Việc trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan tham mưu liên quân, xương sống của các hoạt động quân sự, là vô cùng quan trọng. Đây là bước đi rất tích cực trong việc xây dựng lòng tin chung và hợp tác giữa quân đội hai nước” - ông Triệu đánh giá.
Vì cơ quan tham mưu liên quân giữ vai trò thiết yếu trong các hoạt động chiến đấu, giới chuyên gia đánh giá cơ chế mới sẽ giúp tăng cường đối thoại hiệu quả, giảm các tính toán sai lầm và tăng cường năng lực quản lý rủi ro giữa quân đội Trung-Mỹ trong tình hình ngày càng phức tạp ở châu Á, đặc biệt là mối đe dọa từ Triều Tiên hiện nay. Cuộc gặp đầu tiên để thiết lập cơ chế cụ thể sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.(PLO)
-------------------------------
Triều Tiên ‘chê’ 100 ngày đầu của Tổng thống Hàn Quốc
Ngày 18-8, Triều Tiên tuyên bố Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thất bại ê chề trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ hai nước sau 100 ngày nhậm chức, Yonhap đưa tin.
Ngày 17-8, ông Moon đã tổ chức buổi họp kỷ niệm 100 ngày nhậm chức. Ông vẫn duy trì biện pháp trừng phạt và đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc cho biết Seoul sẽ mạnh mẽ đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên nhưng cũng mong muốn có cuộc gặp và đàm phán dưới điều kiện thích hợp.
Trong khi đó, tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đã mạnh mẽ chỉ trích 100 ngày đầu cầm quyền của tân tổng thống Hàn Quốc. Tờ báo này mô tả những ngày cầm quyền của ông Moon là "tồi tệ và đáng thất vọng", đồng thời tuyên bố ông Moon có thái độ thù địch đối với Bình Nhưỡng.
"Đặc biệt, ông ấy đã thất bại trong việc hàn gắn quan hệ hai nước. Ông ấy nói về những cuộc đối thoại và thi hành hiệp định giữa hai nước nhưng thực tế lại hành động trái ngược” – tờ báo viết.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: YONHAP
Bình Nhưỡng cũng lên án những chính sách của ông Moon, phản đối biện pháp trừng phạt và đối thoại. Triều Tiên cũng từ chối những đề nghị của Hàn Quốc về trao đổi công dân hai nước, đàm phán quân sự và đoàn tụ gia đình ly tán.
Căng thăng ngày càng leo thang sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạn xuyên lục địa trong tháng 7. Tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ phóng 4 tên lửa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ sau khi tổng thống Trump cảnh báo nước này phải hứng chịu “hỏa lực và thịnh nộ” nếu tiếp tục khiêu khích. Tờ Rodong Sinmun cũng kêu gọi ông Moon ngưng lệ thuộc vào Mỹ.
Triều Tiên chỉ trích việc ông Moon ra lệnh lắp thêm bốn bệ phóng tên lửa cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Hệ thống này của Mỹ được triển khai ở Hàn Quốc nhằm kiềm chế mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
"Nếu Hàn Quốc muốn mối quan hệ hai nước tốt đẹp hơn thì nên tách khỏi các thế lực bên ngoài và có biện pháp thực tế và chân thành hơn” - tờ Rodong Sinmun viết.(PLO)
--------------------
Hàn Quốc cam kết tôn trọng nguyên tắc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên
Lãnh đạo quân đội Hàn Quốc khẳng định nước này luôn tôn trọng nguyên tắc lâu nay là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời bác bỏ những lời kêu gọi tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu ngày 18/8 tại một cuộc điều trần trước Quốc hội, Tướng Không quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, người được Tổng thống Moon Jae-in chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 15/8 vừa qua, khẳng định quân đội Hàn Quốc có thể đảm bảo được ưu thế trên không trong vòng 3 ngày trong trường hợp nổ ra tình huống bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên.
Tư lệnh không quân Jeong Kyeong-doo. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngoài ra, ông Jeong Kyeong-doo cũng ngụ ý rằng các lực lượng liên quân Hàn - Mỹ có thể làm tê liệt hệ thống phòng không của Triều Tiên trong một khoảng thời gian ngắn bằng các loại vũ khí chiến đấu trên không thông thường có tính năng vượt trội như các loại máy bay chiến đấu tân tiến và tên lửa dẫn đường chính xác. Tuy nhiên, Tướng Jeong Kyeong-doo cũng đồng thời nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tôn trọng nguyên tắc lâu nay là phi hạt nhân hóa.
Trả lời câu hỏi về việc liệu ông có coi việc tiếp quản quyền tác chiến thời chiến từ phía Mỹ là một điều kiện tiên quyết đối với khả năng tự vệ độc lập của Hàn Quốc hay không, Tướng Jeong Kyeong-doo nêu rõ việc này chỉ liên quan đến người chỉ huy các lực lượng liên quân trong thời chiến chứ không tá động đến khả năng quân sự của hai nước đồng minh.
Trong khi đó, cùng ngày, nhật báo Rongdong Sinmun của Triều Tiên đã chỉ trích tuyên bố của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng "thách thức lớn nhất hiện nay" của Seoul là "vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên".
Trước tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vẫn có dấu hiệu leo thang căng thẳng, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford khẳng định quan hệ liên minh song phương Mỹ - Nhật Bản vẫn vững chắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tướng Dunford nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong việc đối phó với Triều Tiên.
Trong cuộc gặp trước đó với người đồng cấp Nhật Bản, Tướng Dunford đã tái khẳng định cam kết của nước này bảo vệ đồng minh Nhật Bản trước các vụ tấn công tên lửa có thể xảy ra từ Triều Tiên.(TTXVN)