Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 04-09-2017:
- Cập nhật : 04/09/2017
Tổng thống Trump: Trung Quốc không ngăn được Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Trung Quốc "không giúp được bao nhiêu" sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Sau vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên gây chấn động vào ngày 3.9, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter xác nhận thông tin này, đồng thời tuyên bố rằng những phát ngôn và hành động của Bình Nhưỡng tiếp tục gây nguy hiểm đối với Mỹ.
“Triều Tiên là một nước đã trở thành mối đe dọa lớn và sự xấu hổ cho Trung Quốc trong khi nước này đang cố giúp nhưng không được bao nhiêu”, Tổng thống Trump viết.
Trước đó, Washington từng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh gia tăng áp lực nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và hạt nhân.
Phản ứng trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.9 nhấn mạnh nước này kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ hành động này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tôn trọng nghị quyết của HĐBA Liên Hiệp Quốc. Tuyên bố nêu rõ Trung Quốc hối thúc Triều Tiên dừng các hành động "sai trái" của mình.
Cùng ngày, Reuters đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp sự kiện thử hạt nhân của Triều Tiên khi phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tại thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).
Ông Tập chỉ nói “bóng đen đang bao trùm lên thế giới sau hơn nửa thế kỷ hòa bình”, đồng thời khẳng định chỉ có đàm phán, tham vấn và thương lượng mới có thể “dập tắt lửa chiến tranh”.
Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật, Nga, Anh… đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Liên Hiệp Quốc có biện pháp “trừng phạt mạnh nhất” và “hoàn toàn cô lập” Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Nga lên án hành động của Bình Nhưỡng "gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực" và cảnh báo hành động tiếp diễn sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố đây là hành động “tuyệt đối không chấp nhận được” và nhận định chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên giờ đây đã trở thành mối đe dọa “nghiêm trọng và khẩn cấp” đối với nước này.(Thanhnien)
----------------------------
Mỹ - Hàn nhất trí các biện pháp quân sự đáp trả vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ngày 3/9, các sĩ quan hàng đầu của quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành các biện pháp quân sự đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân diễn ra cùng ngày của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại một sự kiện ở Seoul ngày 20/8. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo Văn phòng của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford, Tướng Jeong đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có "những biện pháp đáp trả quân sự hiệu quả" đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, nhằm mục đích chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của liên minh Hàn - Mỹ.
Về phần mình, ông Dunford đã lên tiếng ủng hộ lời đề nghị này và cam kết hợp tác. Hai quan chức cũng nhất trí thảo luận tất cả các biện pháp quân sự đối với Triều Tiên theo tinh thần của liên minh. Hai bên nhất trí sẽ có những biện pháp quân sự phối hợp đối với Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc cảnh báo đang chuẩn bị các biện pháp đối phó mạnh mẽ với tình hình và tuyên bố các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ có đủ khả năng để trả đũa hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được. Trong tuyên bố cùng ngày, ông Abe cho rằng các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều tiên đang tạo ra mối đe dọa "khẩn cấp và nghiêm trọng" đối với Nhật Bản.
Ông Abe nói: "Với tuyên bố thử thành công cái gọi là bom nhiệt hạch (bom H), rõ ràng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ bước sang một giai đoạn mới mà còn là mối đe dọa cấp bách và nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh quốc gia Nhật Bản. Không những thế, nó còn ảnh hưởng lớn đến hòa bình và ổn định trong khu vực và quốc tế". Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, ông Abe kịch liệt lên án và phản đối hành động vừa qua của Triều Tiên.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đã có cuộc điện đàm thảo luận về các biện pháp đáp trả sau khi Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử thành công bom bom H sáng 3/9.
Trong cuộc điện đàm, ngoài việc chia sẻ những lo ngại xung quanh việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản cũng thảo luận về các biện pháp đáp trả, trong đó tính tới việc theo đuổi một nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc hơn thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hãng Yonhap cùng ngày dẫn lời một quan chức cấp cao của Phủ tổng thống Hàn Quốc cho rằng mặc dù Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 nhưng hiện còn quá sớm để đánh giá xem Triều Tiên đã vượt quá “giới hạn đỏ” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra hay chưa.
Quan chức yêu cầu giấu tên này nhấn mạnh hiện còn quá sớm để xác định vụ thử trên có thành công hay không cho dù phía Triều Tiên đã tuyên bố đây là vụ thử hoàn toàn thành công. Ông nêu rõ: “Đó mới chỉ là những gì họ tuyên bố và tuyên bố này vẫn chưa được xác nhận”.(TTXVN)
---------------------------
Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản bằng răn đe hạt nhân
Trong cuộc điện đàm ngày 3/9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đã khẳng định với Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotarou Taniuchi rằng Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, trong đó có răn đe hạt nhân sau hành động thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng.
Theo hiệp ước liên minh của Nhật Bản với Mỹ, Washington cam kết bảo vệ Tokyo và đặt Nhật Bản dưới "chiếc ô hạt nhân" của mình, có nghĩa Washington có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Nhật Bản.
Các giám sát viên Hàn Quốc theo dõi biểu đồ sóng địa chấn sau vụ động đất được cho là thử hạt nhân của Triều Tiên tại Trung tâm khí tượng học Hàn Quốc ở Seou ngày 3/9.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên là "cực kỳ đáng tiếc" và "hoàn toàn thiếu tôn trọng" các yêu cầu liên tiếp của cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố cho rằng Triều Tiên đang tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng" cho hòa bình và an ninh khu vực. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cần phải lên án mạnh mẽ hành động thiếu tôn trọng mới nhất của Bình Nhưỡng đối với yêu cầu từ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, song điều cấp bách hiện nay là duy trì sự bình tĩnh và kiềm chế, không có thêm bất cứ hành động nào dẫn tới leo thang căng thẳng.
Cũng liên quan vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đáp trả một cách "thực sự kiên quyết" trước việc Triều Tiên thử hạt nhân. Trong một tuyên bố, ông Macron khẳng định: "Cộng đồng quốc tế phải thực sự kiên quyết trong việc đối phó với hành vi khiêu khích mới nhất này", đồng thời kêu gọi HĐBA LHQ "nhanh chóng hành động" trước vụ việc.
Trước đó cùng ngày, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H. Theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (TTXVN)