Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 04-09-2017:
- Cập nhật : 04/09/2017
Triều Tiên dọa hoàn thành “bom nhiệt hạch hiện đại”, Mỹ - Nhật Bản “hoảng hốt”
Triều Tiên tuyên bố rằng họ đã phát triển một loại bom nhiệt hạch hiện đại “có sức công phá khổng lồ”, trong khi đó nguyên thủ hai nước Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận qua điện thoại về “căng thẳng ngày càng leo thang” ở bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin Reuters, thông tin trên được hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang lớn dần sau khi Bình Nhưỡng tiến hành hai cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được cho là có tầm xa vào khoảng 10.000km, khiến nhiều vùng lãnh thổ nước Mỹ bị đe dọa.
Dưới thời lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên đang theo đuổi phát triển một loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ để lắp đặt lên một tên lửa đạn đạo mà không ảnh hưởng đến tầm bắn của tên lửa.
Hãng KCNA khẳng định Triều Tiên đã “gần đây thành công” trong việc chế tạo một loại bom nhiệt hạch hiện đại có thể lắp đặt lên một tên lửa tầm xa.
“Bom nhiệt hạch, loại vũ khí có sức nổ trong khoảng từ hàng chục đến hàng trăm kiloton, là một loại vũ khí có sức công phá rất lớn có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra xung điện từ trường nhằm làm tê liệt đối phương”, KCNA cho biết. “Tất cả các bộ phận của bom nhiệt hạch được chế tạo trong nước và chúng ta có thể chế tạo vũ khí hạt nhân với bất kỳ số lượng mong muốn nào”.
Bom nhiệt hạch thường có sức công phá lên đến hàng ngàn kiloton, lớn hơn nhiều so với sức nổ của các cuộc thử nghiệm mà Triều Tiên đã từng tiến hành vào tháng 9 năm ngoái khi chúng chỉ vào khoảng từ 10 đến 15 kiloton, tương đương quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã nóng lên sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ phóng tên lửa tới vùng biển gần đảo Guam, vùng lãnh thổ tách biệt của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Bình Nhưỡng sẽ phải hứng chịu “ngọn lửa cuồng nộ” nếu họ đe dọa nước Mỹ.
Triều Tiên sau đó còn tiếp tục đẩy căng thẳng khu vực leo thang khi phóng một quả tên lửa tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản, một hành động đã khiến cộng đồng quốc tế lên án.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc trao đổi qua điện thoại. Ông Abe cho biết trong bối cảnh căng thẳng ngày càng “trầm trọng” như hiện nay, hai nước cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau cũng như với Hàn Quốc. Ông Trump nói với ông Abe rằng Mỹ ủng hộ Nhật Bản 100%.
“Nguyên thủ hai nước đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lúc hiểm họa Triều Tiên ngày càng lớn”, một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết. “Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng ông mong muốn các bên sẽ tiếp tục phối hợp hành động với nhau”.
Mỹ cùng nhiều lần thúc giục Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, nỗ lực gây sức ép hơn nữa đối với người hàng xóm của mình.
Các chuyên gia và quan chức cho biết Triều Tiên có thể tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân tiếp theo vào bất kỳ lúc nào, và rằng nước này luôn sẵn sàng chuẩn bị tại địa điểm thử nghiệm để cho nổ một đầu đạn hạt nhân mới.
Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư và thứ năm, lần lượt vào tháng 1 và tháng 9. Họ khẳng định rằng cuộc thử nghiệm thứ tư là của một loại bom nhiệt hạch, song điều này vẫn chưa được chứng minh.
Các trận động đất do các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đang ngày càng có cường độ lớn hơn. Cuộc thử nghiệm vào tháng 9/2016 được cho là có sức công phá lớn nhất trong các cuộc thử nghiệm từ trước tới nay, song nó vẫn chưa đủ để có thể xác định được đây là do bom nhiệt hạch gây ra.(Infonet)
-------------------
Trung Quốc rung chuyển vì vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc cho biết nhiều khu vực ở phía đông bắc nước này đã cảm nhận rõ ràng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra hôm nay (3/9).
Kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc cho biết, rung lắc đã được ghi nhận ở tận thành phố Trường Xuân ở cách địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 400km về phía tây bắc.
Tại thành phố nhỏ Yanji, nằm cách biên giới Trung – Triều khoảng 20km, một số người nói rằng rung lắc mạnh đến nỗi họ đã phải vội vã chạy ra khỏi nhà.
Trên Weibo, một nhà bình luận tên Jiemiao Cangxin cho biết tòa nhà của ông rung mạnh đến mức ông chỉ kịp mặc quần đùi rồi vội vã bỏ chạy xuống dưới đất.
“Khi xuống đến tầng 1, tôi phát hiện ra không chỉ mình tôi chỉ kịp mặc quần đùi và bỏ chạy”, Jiemiao Cangxin kể lại.
Còn một người sử dụng Weibo tên ông Buziranshaonv kể rằng ở thành phố Yanji của ông, rung lắc kéo dài trong khoảng 10 giây.
Triều Tiên nói rằng đó là một vụ thử bom hydro “thành công”, đánh dấu việc nước này đã thành công trong việc thu nhỏ bom hydro đến mức có thể đặt vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mới được phát triển.
Theo các đơn vị theo dõi của Mỹ, vụ thử đã gây ra “động đất” giả có cường độ lên đến 6,3 độ Richter và mạnh hơn nhiều so với các vụ thử trước đó.
Thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng đã dấy lên những lo ngại ở Trung Quốc. Một số người lưu ý đến thời điểm diễn ra vụ thử - chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh của khối BRIC ở Trung Quốc.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án việc Triều Tiên tiếp tục phớt lờ sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế để tiếp tục thực hiện thêm 1 vụ thử hạt nhân.(PLO)
-------------------------
Chuyên gia nhận định gì về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên?
Sáng 3/9 theo giờ Việt Nam, các cơ quan khảo sát địa chấn của nhiều quốc gia ghi nhận có ít nhất 1 cơn địa chấn xảy ra ở Triều Tiên và các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Jeffrey Lewis, giám đốc phụ trách Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, Viện nghiên cứu Middlebury, đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 3/9 ý kiến cho rằng quy mô của cơn địa chấn cho thấy vụ nổ có cường độ ước tính từ vài trăm kiloton đến khoảng 1 megaton.
Cơ quan giám sát động đất của Trung Quốc cho biết họ phát hiện được một cơn địa chấn thứ hai với cường độ khoảng 4,6 độ Richter với độ sâu 0 m, được gọi là sự “sụp đổ”, theo thông tin của Reuters. Cũng theo cơ quan này, cơn địa chấn thứ hai xảy ra ở cùng vị trí với cơn địa chấn thứ nhất sau khoảng 8 phút.
Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng học của Hàn Quốc cho biết không phát hiện được cơn địa chấn thứ hai này. Một quan chức của quân đội Hàn Quốc nói với NBC News rằng cơn địa chấn thứ nhất là giả, trong khi đó hãng Yonhap cho biết quân đội Triều Tiên có mặt tại khu vực gần bãi thử hạt nhân của nước này.
Đại diện Nhà Xanh của Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ sáu của mình. Hãng Yonhap cũng cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời Hàn Quốc nâng cao mức cảnh báo và toàn bộ binh lính Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao.
Những cơn địa chấn từng xảy ra tại Triều Tiên được kết luận là do các vụ thử hạt nhân gây ra. Hình dạng của các đợt sóng gây ra do một vụ nổ và một vụ động đất khác hẳn nhau, do đó các nhà địa chất có thể nhận ra rằng những cơn địa chấn kể trên do con người gây ra.
Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được một loại vũ khí nhiệt hạch tiên tiến hơn với “độ hủy diệt khủng khiếp” có thể đặt lên trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) càng khiến nhiều người tin về khả năng Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Ảnh vệ tinh khu vực bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 27/8/2017. (Ảnh: Airbus Defence & Space)
Tiến sĩ Koh Yu-hwan, giáo sư lĩnh vực nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Dongguk, Seoul, trong một cuộc phỏng với với NBC News ngày 3/9 nhận định, vụ thử này có thể liên quan đến một quả bom do Triều Tiên đã công bố về bom khinh khí trước khi cơn địa chấn này xảy ra.
Ông Koh Yu-hwan nhận định, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên đã gần như hoàn tất việc trở thành một cường quốc hạt nhân đúng nghĩa.
“Chúng ta đã đi qua một giai đoạn trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đối thoại. Giờ thì thật khó để không công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, và chắc chắn sẽ rất khó để tiếp tục tiến trình bằng việc yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân ở giai đoạn cuối này”, ông Koh Yu-hwan cho biết.(VTC)