Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 21-04-2017

  • Cập nhật : 21/04/2017

Không cần vũ khí hạt nhân, Triều Tiên cũng có thể "san phẳng" Hàn Quốc

Theo tạp chí National Interest, mặc dù các chuyên gia nước ngoài thường tập trung vào số lượng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, song hiểm họa thực sự nằm ở lực lượng pháo binh hùng hậu và các lực lượng đặc nhiệm thiện chiến có thể đe dọa Hàn Quốc.

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, lực lượng bộ binh của Triều Tiên sẽ gây rất nhiều tổn hại đối với quân đội Hàn Quốc và quân đội Mỹ có mặt tại đất nước này.

trieu tien co mot luc luong xe tang hung hau.

Triều Tiên có một lực lượng xe tăng hùng hậu.

“Với 70% lực lượng bộ binh được bố trí phía nam tuyến đường nối giữa thủ đô Bình Nhưỡng và thành phố Wonsan, Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào bất kỳ lúc nào”, Sách Trắng năm 2014 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. “Cụ thể, các loại pháo tự hành 170mm và hệ thống tên lửa phóng loạt 240mm có thể bất ngờ tập kích vào khu vực đô thị của thủ đô Seoul. Thêm vào đó, Triều Tiên đang thử nghiệm một loại hệ thống tên lửa phóng loạt 300mm có thể bắn tới miền Trung Hàn Quốc”.

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn có một lực lượng pháo binh gồm các tên lửa 122mm được bố trí tại các khu vực gần biển phía Tây đất nước và gần biên giới phía Nam. Trong các chiến dịch quân sự, các pháo này sẽ nằm trong các hào sâu để tăng khả năng sống sót. Tổng cộng, Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên có 8.600 pháo nòng các loại và 5.500 hệ thống tên lửa phóng loạt.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang nâng cấp lực lượng xe thiết giáp của mình, mặc dù đây không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. “Việc nâng cấp các xe tăng vẫn đang diễn ra liên tục, khi các xe tăng T-54 và T-55 đã được thay thế bằng các xe tăng Chonma-ho và Songun-ho”, Sách Trắng viết. Triều Tiên đang có hơn 4.300 xe tăng và 2.500 xe bọc thép khác có thể sẵn sàng được điều động.

Bình Nhưỡng còn có một lực lượng đặc nhiệm đông đảo và được đào tạo bài bản, và đây được coi là một trong những hiểm họa lớn nhất mà Mỹ và Hàn Quốc phải đối mặt. Theo nguồn tin từ quân đội Mỹ, lực lượng này được huấn luyện rất kỹ và trang bị đầy đủ vũ khí.

“Triều Tiên có khoảng 200.000 lính đặc nhiệm. Họ được chia thành nhiều đơn vị chiến lược khác nhau. Mục đích của các đơn vị này là nhằm ngầm đột nhập và các khu vực quan trọng để tấn công các cơ sở và đơn vi quân đội có vai trò quan trọng, đồng thời ám sát những quan chức cấp cao, quấy rỗi hậu phương cùng nhiều nhiệm vụ khác. Họ sẽ đột nhập qua các đường ngầm bên dưới khu vực phi quân sự, tàu ngầm hoặc nhảy dù từ trên cao”, Sách Trắng cho biết.

Mặc dù công nghệ quân sự của Triều Tiên tương đối lạc hậu, song nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên có thể gây tổn hại rất lớn đối với Hàn Quốc và quân đội Mỹ.(Infonet)
------------------------------------

Hàn Quốc lệnh cho quân đội phản ứng lập tức nếu Triều Tiên khiêu khích

 

Quyền Tổng thống Hàn Quốc hôm nay ra lệnh cho quân đội sẵn sàng phản ứng "lập tức" với bất cứ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. 

 

tong thong tam quyen han quoc hwang kyo-ahn. anh: kyodo

Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Ảnh: Kyodo

 

"Tôi kêu gọi lực lượng quân đội theo dõi chặt chẽ khả năng Triều Tiên khiêu khích và củng cố tư thế sẵn sàng để có phản ứng lập tức", Yonhap dẫn lời quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn nói trong cuộc họp thường kỳ với nội các.

Tuyên bố của ông Hwang được đưa ra trong bối cảnh các mối lo ngại đang gia tăng trước việc Bình Nhưỡng có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Triều Tiên vào ngày 25/4 tới đây.

Trong chuyến thăm Seoul hồi đầu tuần, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên không nên chống lại "quyết tâm" của Mỹ, lưu ý tới các hành động quân sự mà Washington từng thực hiện ở Syria và Afghanistan.

Hôm 7/4, Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria với lý do trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun, miền bắc Syria, khiến 80 dân thường thiệt mạng ngày 4/4. Tuy nhiên, Syria bác bỏ cáo buộc. Chưa đầy một tuần sau, Mỹ thả siêu bom trị giá 16 triệu USD xuống một căn cứ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan.

Động thái quân sự này được cho là nhằm gửi thông điệp ngầm đến Triều Tiên. Song giới chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên là rất thấp bởi thực tế, các bên đều muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình.(Vnexpress)
-------------------------------------

Hội đồng Bảo an LHQ ra thông cáo lên án Triều Tiên thử tên lửa

“Các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại tột độ về hành vi gây bất ổn cao và chống lại Hội đồng Bảo an một cách trắng trợn của Triều Tiên bằng cách thực hiện đợt phóng tên lửa mới đây”, Hội đồng Bảo an tuyên bố trong thông cáo, theo Yonhap.

Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo hôm 16.4, một ngày sau khi tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). Tuy nhiên, đợt phóng đó đã thất bại vì tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.

Thông cáo trên do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, người đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, ban hành. Đây là lần thứ 5 từ đầu năm tới nay Hội đồng Bảo an ra thông cáo báo chí về Triều Tiên, theo Yonhap.

Kể từ khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006, Hội đồng Bảo an đã ra 6 nghị quyết, tất cả đều cấm Bình Nhưỡng tiến hành mọi hoạt động về tên lửa đạn đạo vì lo ngại công nghệ liên quan có thể được sử dụng để chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Trong thông cáo mới, Hội đồng Bảo an còn cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp, kể cả lệnh trừng phạt, nếu Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết nói trên.

Thông cáo do Mỹ soạn thảo được đưa ra một ngày sau khi đại diện của Nga ở Hội đồng Bảo an không đồng ý cụm từ “thông qua đối thoại” bị cắt khỏi văn bản. Phía Mỹ giải thích với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng cụm từ này sẽ thu hẹp quá mức những phương thức mà theo đó cộng đồng quốc tế có thể tiến tới một giải pháp toàn diện và hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, theo một số nhà ngoại giao cho Reuters hay. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Nga, cụm từ “thông qua đối thoại” cuối cùng cũng được đưa vào thông cáo.

Dự kiến vào ngày 28.4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ chủ trì một cuộc họp tại Hội đồng Bảo an để bàn luận cách đối phó chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, theo Reuters.(TN)
---------------------------------------

LHQ muốn tăng thêm trừng phạt Triều Tiên

Hội đồng Bảo an LHQ lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt mới vì các "hành động gây bất ổn cao" của nước này.

binh nhuong "khoe hang" nhieu ten lua trong le duyet binh nhan ky niem 105 nam ngay sinh co lanh dao kim nhat thanh - anh: afp

Bình Nhưỡng "khoe hàng" nhiều tên lửa trong lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành - Ảnh: AFP

Trong tuyên bố chung ngày 20-4, theo hãng tin AFP, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí yêu cầu Triều Tiên "không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân" và nhận định "các hoạt động thử tên lửa bất hợp pháp" của Bình Nhưỡng "đang khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực và trên thế giới".

HĐBA cũng đe dọa sẽ "tiến hành thêm các biện pháp quan trọng bao gồm lệnh trừng phạt" để giải quyết cuộc khủng hoảng từ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Khác với các tuyên bố trước đây vốn chỉ đưa ra cảnh báo về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, nay HĐBA nhất trí đưa ra các biện pháp trừng phạt cụ thể để thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên.

"Nếu chúng ta phải bắt đầu xem xét các biện pháp trừng phạt hoặc các hành động khác, chúng ta cần phải bắt tay vào việc ngay" - Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley lên tiếng trong một cuộc gặp giới truyền thông.

Bản tuyên bố chung do Mỹ soạn thảo đã đạt sự đồng thuận sau khi Nga khẳng định rằng tuyên bố này chỉ nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp hòa bình "thông qua đối thoại" phải được đặt trong tuyên bố.

Matxcơva đã chặn bản dự thảo nghị quyết trừng phạt trước đó của Hội đồng, được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành một vụ phóng thử thất bại ngày 16-4. Có một điểm đáng chú ý là Trung Quốc đã ủng hộ bản dự thảo nghị quyết này.

Bà Haley cho biết cuối cùng 15 thành viên của Hội đồng cũng đạt được sự đồng thuận. "Không ai trong hội đồng muốn thấy Triều Tiên tiếp tục bất kỳ hình thức thử nghiệm nào nữa" - bà Haley nói thêm.

Mỹ, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng này, đã lên kế hoạch cho một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao vào tuần sau để bàn về vấn đề Triều Tiên.

Mỹ và các đồng minh trông đợi phiên họp tới sẽ giúp gây áp lực lên Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy kinh tế để kiềm chế Bình Nhưỡng.

Cho đến nay Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt 6 loạt biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên. Hai trong số này được thông qua hồi năm ngoái nhằm tăng cường đáng kể các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn nguồn thu ngoại tệ của chính quyền lãnh đạo Kim Jong Un.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục