Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 30-04-2017
- Cập nhật : 30/04/2017
Mỹ có thể tăng tốc trừng phạt Triều Tiên vì vụ phóng tên lửa
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể phản ứng trước vụ thử tên lửa thất bại mới nhất của Triều Tiên bằng cách tăng tốc kế hoạch áp lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng.
"Có thể điều gì đó sẽ được tăng tốc", Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết khi nói về khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương mới với Triều Tiên. "Điều gì đó có thể được trích ra từ một gói lớn hơn để thực hiện".
Quân chức Mỹ cho rằng biện pháp có thể là trừng phạt một số thực thể Triều Tiên và Trung Quốc nhất định. Washington cũng có thể thực hiện các cuộc tập trận hàng hải mới, triển khai thêm tàu, máy bay tới khu vực để phô trương sức mạnh.
Nguồn tin cho rằng vụ phóng tên lửa hôm nay là một kiểu "khiêu khích" đã được dự đoán từ trước, trước thềm cuộc bầu cử ngày 9/5 ở Hàn Quốc. Tổng thống Trump có thể dựa vào vụ phóng này để tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc, đề nghị nước này làm nhiều hơn để khống chế Triều Tiên.
Bấp chấp sức ép từ Mỹ và Trung Quốc, Triều Tiên sáng nay phóng một tên lửa đạn đạo gần thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng nó phát nổ vài phút sau khi rời bệ phóng. Tên lửa đạt độ cao 71 km trước khi nổ trên lãnh thổ Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Bình Nhưỡng "bất kính" với Bắc Kinh khi phóng thử tên lửa.
Vụ phóng thử diễn ra khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đang hướng tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương sức mạnh. Sự kiện cũng trùng với thời điểm cuộc họp cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Chủ trì phiên họp đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Mỹ sẵn sàng "đáp trả sự khiêu khích của Triều Tiên bằng hành động quân sự" và không do dự trước việc trừng phạt các cá nhân và công ty ở nước thứ ba ủng hộ Triều Tiên. Ông Tillerson còn kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc đình chỉ hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, cắt đứt các quan hệ thương mại hậu thuẫn hoạt động bất hợp pháp của nước này nhằm gia tăng tối đa sức ép, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. (Vnexpress)
-----------------------------------
Ngoại trưởng Mỹ, Trung trao đổi về vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Ngày 28/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Vương Nghị cho biết quan hệ Mỹ - Trung đã có sự chuyển tiếp suôn sẻ với khởi đầu tốt đẹp, và đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hai bên sẵn sàng hợp tác vì sự thịnh vượng của nhân dân hai nước và cùng đóng góp cho nền hòa bình thế giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc lưu ý rằng sự liên lạc chặt chẽ giữa các lãnh đạo hai nước đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong phát triển quan hệ song phương.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Mỹ hy vọng hợp tác với Trung Quốc để tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao về một loạt lĩnh vực, tăng cường trao đổi, củng cố hợp tác và đương đầu với các thách thức.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí rằng trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Bán đảo Triều Tiên, điều cần thiết và kịp thời là tổ chức một cuộc họp về vấn đề này tại HĐBA LHQ.
Hai bên cũng cho biết tất cả các bên đã nhắc lại về mục tiêu phi hạt nhân hóa và cam kết thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐBA LHQ, cũng như giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại hòa bình và đám phán để giảm căng thẳng càng sớm càng tốt.(TTXVN)
---------------------------
Australia cảnh báo Triều Tiên tấn công hạt nhân các nước láng giềng
Ngày 28/4, phát biểu trên đài phát thanh 3AW, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo Triều Tiên có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước láng giềng và lưu ý mối đe dọa nghiêm trọng này có thể là do Trung Quốc đã không gây sức ép đủ mạnh lên Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo Triều Tiên có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước láng giềng. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Turnbull cho rằng mối đe dọa Triều Tiên là do cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, đã không mạnh tay ngăn chặn hành vi liều lĩnh và nguy hiểm của Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định trong khu vực và toàn thế giới.
Theo ông Turnbull, Australia không có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) như Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc nhưng hệ thống phòng thủ của Australia sẽ được phát triển đủ khả năng đối với với các mối đe dọa nêu trên.
Cùng ngày, Trường Cao đẳng Quốc phòng Australia (ADC) đã công một bản báo cáo nghiên cứu khoa học lập luận rằng quân đội Australia cần phải hiểu rõ hơn về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày một gia tăng.(Baotintuc)
----------------------------------
Mỹ đề cao Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
Giới chức Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Những sự kiện kỷ niệm quan trọng ở Triều Tiên đã trôi qua và không xảy ra một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa nào có thể dẫn đến hành động tấn công của Mỹ. Giới chức tại Washington tin rằng điều này có thể xuất phát từ việc Bắc Kinh đã có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng, sau những lời kêu gọi của Mỹ.
Trung Quốc “rất cố gắng”
Lời khen ngợi Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, được Tổng thống Donald Trump đưa ra khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng vào ngày 27.4. “Tôi tin ông ấy đang cố gắng rất nhiều. Ông ấy chắc chắn không muốn chứng kiến sự hỗn loạn và chết chóc”, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định. Tổng thống Mỹ cho biết ông tin nhà lãnh đạo Trung Quốc “có thể sẽ làm điều gì đó” để hóa giải nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đề cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng với Bình Nhưỡng. Trong một cuộc phỏng vấn khác được phát trên Đài Fox News hôm 18.4, chủ nhân Nhà Trắng nói rằng ông đang đối xử “hết sức tôn trọng” với Trung Quốc, do những hành động “chưa từng thấy” của nước này đối với Triều Tiên.
Cùng ngày 27.4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết phía Trung Quốc thông báo họ đã khuyến cáo Triều Tiên rằng sẽ đơn phương áp đặt những biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6. “Chúng tôi biết Trung Quốc đang liên lạc với chính quyền Bình Nhưỡng. Họ đã xác nhận với chúng tôi rằng nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân, họ sẽ đơn phương hành động trừng phạt”, ông Tillerson phát biểu trên Đài Fox News.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ thời điểm Trung Quốc đưa ra cảnh báo cùng những biện pháp mới của Bắc Kinh, nhưng ông ghi nhận rằng những diễn biến gây căng thẳng đã không xảy ra trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày vừa qua. Ngày 28.4 (theo giờ Mỹ), ông Tillerson chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng tại HĐBA để gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong phát biểu đưa ra tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên “có thể vuột khỏi tầm kiểm soát”.
Các phát biểu ngày 27.4 của ông Tillerson cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump tin những nỗ lực của họ đã khiến Bắc Kinh mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. Hồi tháng 2, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu than từ Triều Tiên và truyền thông Trung Quốc gần đây đề cập đến khả năng hạn chế việc cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng nếu họ có thêm hành động gây căng thẳng. Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đã điều quân áp sát biên giới và đặt các oanh tạc cơ vào tình trạng báo động cao trước tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở Triều Tiên.
Không loại trừ nguy cơ xung đột
Rõ ràng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã trở thành thách thức an ninh lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt kể từ khi lên cầm quyền. Chính quyền của ông đầu tuần này tuyên bố sẽ tiếp tục tập trung vào các công cụ kinh tế và ngoại giao nhằm gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 27.4, ông Trump không loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng với Triều Tiên, nhưng cho biết vẫn chuộng giải pháp ngoại giao hơn vũ lực. “Có khả năng chúng tôi cuối cùng phải đi đến một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên. Chúng tôi thích giải quyết mọi việc theo cách ngoại giao hơn nhưng điều này thực sự quá khó”, ông nói. Theo giới quan sát, việc ông vận động Trung Quốc hành xử mạnh tay hơn với Triều Tiên được xem là một nỗ lực tránh dùng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh NPR sáng 28.4, Ngoại trưởng Tillerson đã đề cập vấn đề đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Tillerson cho biết Washington để ngỏ khả năng trên kèm theo một điều kiện Triều Tiên phải sẵn sàng đối thoại với Mỹ về lịch trình phù hợp cho lâu dài, chứ không chỉ là dừng lại ở hiện tại, trong vài tháng hoặc vài năm rồi bắt đầu lại mọi thứ như thời gian qua. Ông Tillerson cũng nói ông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người “có thể thương thuyết”.(thanhnien)