Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 01-06-2017
- Cập nhật : 01/06/2017
Mỹ điều 3.500 quân tới Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử tên lửa
Một lữ đoàn Lục quân Mỹ với khoảng 3.500 binh sĩ sẽ được triển khai tới Hàn Quốc vào mùa hè, hoạt động nằm trong kế hoạch luân chuyển lực lượng thường xuyên của Mỹ tại Hàn Quốc.
Yonhap hôm nay dẫn thông báo từ Lục quân Mỹ cho biết Đội chiến đấu số 2 Lữ đoàn thiết giáp thuộc Sư đoàn Kị binh số 1 (còn gọi là Lữ đoàn Black Jack) đóng tại Fort Hood, Texas (Mỹ) sẽ thay thế Đội chiến đấu số 2 Lữ đoàn thiết giáp, Sư đoàn bộ binh số 1 và hỗ trợ các cam kết của lực lượng Mỹ với Hàn Quốc.
"Lữ đoàn Black Jack đang mong được trở lại Hàn Quốc", Đại tá Steve Adams, chỉ huy Đội chiến đấu số 2 Lữ đoàn thiết giáp, cho biết trong thông báo.
"Các binh sĩ của chúng tôi đã được huấn luyện và sẵn sàng cho sức mệnh quan trọng này. Chúng tôi lấy làm vinh dự khi duy trì và củng cố mối quan hệ liên minh chiến lược lâu dài (giữa Mỹ và Hàn Quốc) này", ông nói.
Hai lữ đoàn này được triển khai luân phiên tới Hàn Quốc từ khi một đơn vị thường trực của Mỹ tại đây ngừng hoạt động năm 2014. Các quan chức Washington nói điều này giúp tăng cường tính hiệu quả và sự gắn kết giữa các thành viên của đơn vị bởi toàn bộ lữ đoàn sẽ được huấn luyện, triển khai và rời đi cùng lúc.
Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc để đối phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc hôm nay cho biết nước này đã thực hiện một cuộc tập trận chung cùng máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ. Theo Reuters, thông tin về cuộc tập trận được công bố sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B của Mỹ diễn tập ném bom hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Moon Sang Gyun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết cuộc tập trận diễn ra ngày 29/5, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết. Trong khi đó, Triều Tiên cho biết hai chiếc B-1B bay cách thành phố Gangneung và khu giới tuyến liên Triều khoảng 80 km.(Zing)
----------------------
Thử đánh chặn tên lửa tầm xa, Mỹ chuẩn bị điều xấu nhất với Triều Tiên
Cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa được coi là sự thừa nhận ngầm của Mỹ về mối đe dọa ngày càng hiện hữu trong chương trình tên lửa Triều Tiên.
Lầu Năm Góc ngày 30/5 lần đầu tiên thử nghiệm thành công một tên lửa đánh chặn tầm xa trên Thái Bình Dương, trong một nỗ lực được giới phân tích đánh giá là nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất từ Triều Tiên, theo CSMonitor.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ không để kịch bản Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn tới Bắc Mỹ xảy ra, đồng thời cam kết sẽ "giải quyết" cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng chế tạo được vũ khí hủy diệt này.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, trong đó có Pukguksong-2, loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn được cho là bước đột phá để Bình Nhưỡng sở hữu ICBM trong khoảng một năm tới. Bình luận viên Graham Allison của NYTimes cho rằng với cuộc thử nghiệm đánh chặn chưa từng có tiền lệ này, Washington đang ngầm thừa nhận rằng kịch bản tồi tệ nhất có thể sẽ xảy ra.
Phó đô đốc Jim Syring, giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, gọi cuộc thử nghiệm này là một "bước ngoặt quan trọng", chứng tỏ Mỹ đã có một vũ khí răn đe hiệu quả, đáng tin cậy đối với "mối đe dọa thực sự". Ông Syring không nói cụ thể mối đe dọa đó là gì, nhưng mục tiêu bị đánh chặn trong cuộc thử nghiệm được cho là mô phỏng ICBM có tầm bắn gần 7.000 km, loại tên lửa mà Triều Tiên đang nỗ lực chế tạo.
Đầu đạn đánh chặn được phóng lên từ hầm chứa tại căn cứ không quân Vandenberg ở California, va chạm và tiêu diệt quả tên lửa trên một vùng biển giữa Thái Bình Dương. Đầu đạn này là một phần trong chương trình chống tên lửa mà Mỹ đã phát triển từ đầu thập niên 1990, với mục tiêu ban đầu là chống lại mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Khi đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên đổ vỡ, Washington đã tích cực chuẩn bị cho phương án B, đó là tăng cường năng lực đánh chặn nhằm ngăn ngừa mối đe dọa từ các tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Báo cáo công bố năm 2015 của Đại học Johns Hopkins dự đoán Triều Tiên có thể sở hữu tới 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020. John Schilling, chuyên gia về tên lửa nổi tiếng của Mỹ, mới đây ước tính Bình Nhưỡng sẽ sở hữu ICBM gắn đầu đạn hạt nhân vào năm sau.
Trước kịch bản xấu nhất ngày càng trở nên rõ nét, Mỹ đã dần hoàn thiện lưới phòng thủ tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp bao quanh Triều Tiên. Lớp đầu tiên trong hệ thống đó là mạng lưới cảm biến toàn cầu trên biển, trên đất liền và trên không gian nhằm kịp thời phát hiện và theo dõi bất cứ vụ phóng tên lửa nào nhắm vào Mỹ.
Mạng lưới đó bao gồm trạm radar băng tần X ở Trân Châu Cảng, các trạm radar cảnh báo sớm trải khắp Alaska, Greenland, Anh, cho tới radar trong hệ thống Aegis trên các tàu khu trục trên biển. Dữ liệu từ các hệ thống radar này đều được gửi về trạm kiểm soát trung tâm được đặt tại căn cứ không quân Schiriever ở Colorado Springs.(Vnexpress)
-----------------------
Triều Tiên nói đã sẵn sàng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Triều Tiên hôm nay cảnh báo đã sẵn sàng phóng những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào bất kỳ thời điểm nào.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay đăng bài xã luận cảnh báo có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bất cứ khi nào trong bối cảnh Mỹ vừa thử nghiệm thành công một hệ thống đánh chặn loại tên lửa này, theo AFP.
"Chúng tôi đã sẵn sàng phóng thử ICBM ở bất cứ địa điểm nào, vào bất cứ thời gian nào theo lệnh của lãnh đạo Kim Jong-un. Không ai có thể ngăn cản cường quốc hạt nhân, bậc thầy về tên lửa ở phía đông", bài xã luận tuyên bố.
Tờ báo cũng nhấn mạnh Washington phải hiểu rằng tuyên bố có thể biến "sào huyệt của những kẻ hung ác thành đống tro tàn" bằng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải là lời đe dọa suông.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ ngày 30/5 thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn ICBM ở căn cứ không quân Vandenberg, California.
Cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Nó bay khoảng gần 400 km trước khi rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.(Vnexpress)
----------------------------
Triều Tiên có thể đang phát triển tên lửa 'sát thủ diệt tàu sân bay'
Triều Tiên ngày 30/5 tuyên bố đã phát triển một phương tiện có thể tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển với độ chính xác cao, theo Yonhap.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng phóng thử một tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông, bay khoảng 450 km rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Triều Tiên cho biết đã sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác mới cho quả tên lửa này, giúp nó rơi trúng mục tiêu với độ sai lệch chỉ 7 mét.
Bình Nhưỡng nói rằng họ đã giảm một nửa tầm bắn của quả tên lửa để thử nghiệm, có nghĩa là quả tên lửa có tầm bắn khoảng 1.000 km, tương đương tên lửa Scud-ER.
Quan sát cuộc phóng thử lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un so sánh quả tên lửa với "khẩu súng trường bắn tỉa" vì khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển, kể cả tàu chiến của đối phương.
Theo các chuyên gia quân sự Hàn Quốc, việc Triều Tiên theo đuổi kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo diệt hạm (ASBM), thường được gọi là "sát thủ diệt tàu sân bay", không phải là điều bí mật, trong bối cảnh hai cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ đang phô trương sức mạnh trong khu vực.
Các nhà quan sát về Triều Tiên cho rằng sau vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 có tầm bắn gần 5.000 km, Bình Nhưỡng đang tập trung hoàn thiện công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tăng cường độ chính xác của các tên lửa đang có trong kho và giảm thời gian chuẩn bị cho các vụ phóng.
Giới chuyên gia Hàn Quốc tỏ ra ấn tượng với tuyên bố của Triều Tiên rằng tên lửa của họ chỉ bay chệch mục tiêu 7 mét. Tên lửa của Triều Tiên có thể đạt độ chính xác này nhờ được bổ sung các cánh vây nhỏ để ổn định đường bay trong giai đoạn tăng độ cao. Triều Tiên cũng cho biết đã lắp đặt các động cơ phản lực nhỏ ở giai đoạn giữa hành trình bay để cải thiện việc kiểm soát tốc độ, ổn định và dẫn hướng chính xác ở giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, để đánh trúng các tàu chiến di chuyển trên biển, tên lửa Triều Tiên cần được trang bị những hệ thống cảm biến hiện đại hay hệ thống dẫn đường hiệu suất cao có thể cập nhật dữ liệu mục tiêu trong khi bay.
Đầu đạn tên lửa ASBM không chỉ cần hệ thống định vị toàn cầu mà còn cần thiết bị dẫn hướng hiện đại, trong khi Triều Tiên không đề cập đến những hệ thống này trong tuyên bố ngày 30/5. Triều Tiên cũng được cho là đang thiếu các hệ thống radar vượt đường chân trời và hệ thống trinh sát tầm xa, vốn là những yếu tố không thể thiếu đối với ASBM.
"Do không có vệ tinh và hệ thống trinh sát tầm xa nên Triều Tiên gặp phải nhiều khó khăn trong việc điều khiển tên lửa ASBM. Để khắc phục, Bình Nhưỡng đã tích cực phát triển các cảm biến mới để cải thiện độ chính xác của tên lửa từ đầu thập niên 2000", Chang Yong-keun, giáo sư Đại học Hàng không Hàn Quốc, cho biết.(Vnexpress)