Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý tối 31-07-2017
- Cập nhật : 31/07/2017
Giới chuyên gia nói về "khả năng Mỹ sẵn sàng tấn công hạt nhân Trung Quốc"
Ria Novosti dẫn bình luận của các chuyên gia cho rằng, xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân Mỹ tấn công vào Trung Quốc gần như bằng không, bởi nếu điều đó xảy ra thì hậu quả gây ra rất khó lường.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin RIA Novosti, Tổng biên tập viên của tạp chí "Quốc phòng dân tộc" Igor Korotchenko nhận định rằng, trong trường hợp Mỹ tấn công hạt nhân thì Trung Quốc sẽ ngay lập tức có hành động đáp trả với khả năng gây ra những thiệt hại không mong muốn đối với Mỹ, vì vậy thậm chí dù có tất cả những mâu thuẫn tích lũy trước đó thì cũng không có điều kiện tiên quyết để khởi đầu một cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc đó.
Trước đó, như hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ đưa tin, trong bài phát biểu tại diễn đàn an ninh tổ chức ở Đại học Quốc gia Australia, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã nhắc tới khả năng xảy ra tấn công hạt nhân của Hoa Kỳ nhằm vào Trung Quốc. Khi đó một trong những nhà khoa học hỏi Đô đốc rằng, nếu Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân vào Trung Quốc thì liệu ông có sẵn sàng hay không, ngài chỉ huy quân đội cho biết: "Câu trả lời là – có. Mỗi một người lính Mỹ đều đã tuyên thệ tuân thủ mệnh lệnh của Tổng tư lệnh".
Ông Korochenko nhận định: "Đó không phải là lời đe dọa trực tiếp tấn công Trung Quốc.Vấn đề đặt ra cho chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Scott Swift là "Liệu anh có tuân thủ mệnh lệnh hay không?" và một người lính chuyên nghiệp sẽ trả lời một cách vô điều kiện là "có": mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao cần phải được tuân thủ. Nhưng tôi rất nghi ngờ khả năng Tổng thống Trump sẽ đưa ra mệnh lệnh như thế, thậm chí kể cả khi xét tất cả những mâu thuẫn tích lũy trước đó giữa Trung Quốc và Mỹ".
Theo chuyên gia Igor Korotchenko, để ngăn chặn một cuộc tấn công - "Điều đó có nghĩa là ngăn chặn Trung quốc có các phản ứng ngay lập tức". "Nếu cho rằng trong những thập kỷ qua Trung Quốc đã tích cực phát triển thành phần di động của lực lượng hạt nhân chiến lược - hệ thống tên lửa mặt đất di động, cộng với các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, thì Bắc Kinh hoàn toàn có thể tấn công đáp trả, nếu không muốn nói đến hủy diệt Hoa Kỳ, từ đó gây ra thiệt hại hàng loạt không thể lường được đối với quốc gia này. Tôi cho rằng ông Donald Trump hiểu rõ điều đó, và do đó ông ấy sẽ không đưa ra một mệnh lệnh kiểu này "- Tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng dân tộc" cho biết.
Như Tổng biên tập của tạp chí "Kho tàng của Tổ quốc" Viktor Murakhovski giải thích: trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc có thể gây ra thiệt hại đáng kể đối với Mỹ, vì vậy xác suất để xảy ra chiến tranh hạt nhân là rất khó, như vậy không có điều kiện tiên quyết cho cuộc chiến tranh như vậy.
Ông Murakhovski khẳng định: "Trung Quốc, tất nhiên, ít có khả năng hạt nhân hơn, tuy nhiên dù thế, họ có trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền và tên lửa trên tàu ngầm, số lượng này ít, và chúng đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Mặc dù thực tế số lượng tên lửa và đầu đạn ở Trung Quốc ít hơn nhiều so với Mỹ, nhưng thiệt hại gây ra sẽ khó lường".
Ông lưu ý rằng hiện nay khả năng chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc gần như bằng không, và không tồn tại điều kiện tiên quyết để xảy ra điều đó.
Ông Murakhovski đi đến kết luận: "Hãy tưởng tượng, trong một giây đầu đạn hạt nhân với công suất ít nhất là 500 kiloton rơi vào New York, Washington hoặc California, nơi có hàng chục triệu người sinh sống. Mặc dù hiện nay lĩnh vực chính trị Hoa Kỳ đang hỗn loạn, nhưng chẳng có nhà lập pháp nào hành động kiểu tự sát như thế. Và đối với Nga cũng tương tự".(Infonet)
---------------------
Trump nguy cơ giẫm vết xe đổ của Obama tại Syria
Dù chỉ trích chính sách Syria của chính quyền Obama, ông Trump vẫn đang lặp lại các sai lầm từ thời người tiền nhiệm trên chiến trường này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Ảnh: AP.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn viện dẫn chính sách Syria thất bại của chính quyền Barack Obama để biện minh cho cách tiếp cận mà họ theo đuổi trên chiến trường Syria hiện nay.
Chính sách đó bao gồm hợp tác với Nga để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), chấp nhận cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục cầm quyền và bỏ rơi các tay súng thuộc phe nổi dậy ôn hòa mà Mỹ hậu thuận suốt nhiều năm qua.
Dù nhận thức được những hậu quả tồi tệ từ chính sách của người tiền nhiệm, chính quyền Trump vẫn đang lặp lại các sai lầm cơ bản mà cựu tổng thống Obama từng mắc phải. Điều này có khả năng dẫn đến những kết quả tiêu cực cho cuộc xung đột ở Syria cũng như đối với lợi ích Mỹ, theo Washington Post.
Tiếp tục hợp tác với Nga
Tuần trước, tại Diễn đàn An ninh Aspen ở thành phố Aspen, bang Colorado, giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo liệt kê những điểm ông coi là mối quan tâm của Mỹ ở Syria.
Ông cho biết Mỹ có 2 kẻ thù chính tại Syria là IS và Iran. Ngoài nỗ lực nhằm ngăn cản Iran thiết lập vùng kiểm soát trải rộng khắp khu vực, Mỹ còn hướng đến mục tiêu "thiết lập những điều kiện để xây dựng một Trung Đông ổn định hơn, qua đó, giúp Mỹ an toàn".
Tổng thống Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Nga ở Syria vì năm 2013, người tiền nhiệm Obama và ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, ông John Kerry, đã "mời" Tổng thống Nga Vladimir Putin can dự vào tình hình khi thương thảo với Moscow về thỏa thuận phá hủy vũ khí hóa học tại Syria, theo Pompeo. Tuy nhiên, Pompeo cho rằng đến nay, vẫn không có bằng chứng cho thấy Nga muốn chống khủng bố ở Syria như tuyên bố họ phát đi khi triển khai lực lượng tới đây.
"Chúng ta không có chung mối quan tâm ở Syria với Nga", Pompeo nói. Theo ông, Nga can dự vào cuộc nội chiến Syria chỉ vì "họ muốn một cảng hải quân ở vùng nước biển ấm và họ muốn đối đầu với Mỹ".
Cây bút Josh Rogin của Washington Post đồng tình với Pompeo song giám đốc CIA không phải người phụ trách chính sách Mỹ về vấn đề Syria. Nó thuộc trách nhiệm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ông Tillerson có quan điểm hoàn toàn trái ngược với ông Pompeo.
"Tôi nghĩ Nga có chung mối quan tâm với chúng ta ở chỗ muốn Syria trở thành một nơi ổn định, một nơi thống nhất", Tillerson phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, hồi đầu tháng.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen, Stuart Jones, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông, khẳng định Mỹ đã giao phó thành công vấn đề an ninh ở Syria cho người Nga bằng cách nhờ họ giám sát lệnh ngừng bắn.
"Đây là cuộc sát hạch thực sự đối với khả năng dẫn dắt tiến trình này của người Nga. Giải pháp chúng ta đề ra là giao nhiệm vụ cho người Nga và nếu thất bại, đó là vấn đề", Jones cho hay.
Cách lập luận trên gần giống những gì ngoại trưởng Kerry từng nói khi ông đàm phán lệnh ngừng bắn ở Syria với Nga vào cuối năm 2015. Ông Kerry nhiều lần tuyên bố thái độ của Nga sẵn sàng đóng vai trò như một đối tác xây dựng ở Syria cần được kiểm nghiệm.Nối tiếp sai lầm của chính quyền tiền nhiệm
Các tay súng phe nổi dậy tham gia một khóa huấn luyện của Mỹ ở làng Maaret Ikhwan, tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AP.
Theo cây bút Josh Rogin, ông Obama và ông Kerry đã phạm nhiều sai lầm ở Syria. Nỗ lực của Mỹ nhằm huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy ôn hòa tại đây được thực hiện quá yếu ớt và dường như chính nó đã thôi thúc Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015.
Kể từ đó, chính quyền Obama thôi xem quyết tâm loại bỏ Assad là nhiệm vụ ưu tiên và bắt đầu hợp tác thực hiện các lệnh ngừng bắn với Nga với hy vọng chấm dứt cảnh giết chóc ở Syria.
Một số người nhận xét Tổng thống Trump không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách đó. Song Josh Rogin cho rằng chính quyền Trump không nên lặp lại sai lầm nghiêm trọng ở Syria là thương lượng với Nga khi không có đòn bẩy.
Theo Rogin, quyết định từ Tổng thống Trump chấm dứt chương trình của CIA tại Syria nhằm huấn luyện và trang bị cho một số nhóm nổi dậy chống Assad là quá thiển cận. Trump đã từ bỏ quyền mặc cả nhưng không nhận lại được bất kỳ điều gì từ Nga.
Rogin đánh giá Tổng thống Trump cũng không được phép lặp lại sai lầm thứ 2 của chính quyền Obama là cho phép chính quyền Assad và Iran mở rộng khu vực kiển soát.
Theo trợ lý ngoại trưởng Mỹ Jones, chính quyền Syria và các đối tác đang tận dụng lệnh ngừng bắn ở tây nam Syria để dồn nguồn lực phục vụ mục tiêu tiến công tại đông nam nước này, nơi cuộc chiến giành những vị trí chiến lược quanh thành phố Deir al-Zour đang diễn ra.
Chính quyền Trump dường như bằng lòng để Iran và Assad chiếm một vùng đất rộng lớn khác ở Syria nhưng người Arab theo dòng Hồi giáo Sunni tại đây thì không, Rogin bình luận.
"Chúng ta sẽ làm gì khi những người Arab bị các lực lượng dân quân Iran tấn công ngay cả khi họ đang trên đường về nhà", Andrew Tabler, học giả tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, đặt câu hỏi.
Cuối cùng, Rogin nhấn mạnh Tổng thống Trump nên gia tăng ủng hộ các cộng đồng người Arab thuộc dòng Hồi giáo Sunni thông qua việc hỗ trợ quản trị địa phương, đẩy mạnh giáo dục và cung cấp các dịch vụ cơ bản thay vì cung cấp vũ khí. Trao quyền lực cho bộ máy lãnh đạo địa phương là điều kiện tiên quyết, nền tảng dẫn tới sự ổn định dài hạn, đồng thời sẽ đóng vai trò quan trọng nếu một tiến trình đàm phán chính trị xuất hiện.
"Chính quyền Trump không cần chịu trách nhiệm cho những sai lầm trong quá khứ của Mỹ tại Syria nhưng phải chịu trách nhiệm cho các hành động của Mỹ ở hiện tại. Thay vì đổ lỗi cho Obama và Kerry vì những hỗn loạn, chính quyền Trump nên rút ra bài học từ thất bại đó", cây bút của Washington Post viết. (Vnexpress)
----------------------
Thủ tướng Pakistan bị hạ bệ, đề cử em ruột lên thay
Cựu thủ tướng Nawaz Sharif đã đề cử em trai Shehbaz Sharif cho chức thủ tướng sau khi bị Tòa án Tối cao đình chỉ chức vụ.
Đề cử này sẽ cần được Quốc hội thông qua. Với việc đảng của ông Nawaz đang chiếm đa số ghế tại đây, sẽ không có gì khó khăn để ông Shehbaz, người đang giữ chức tỉnh tưởng Punjab, trở thành thủ tướng tiếp theo của Pakistan.
Ông Shehbaz, 65 tuổi, làm tỉnh trưởng Punjab từ năm 2008 đến nay. Ông xây dựng hình ảnh là một nhà quản lý tốt, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Ông được giao nhiệm vụ xây dựng các cơ sở khí đốt hóa lỏng ở Pakistan nhằm chấm dứt tình trạng cúp điện thường xuyên ở đất nước hơn 190 triệu dân.
Ngày 28-7, Tòa tối cao Pakistan đã ra phán quyết đình chỉ chức vụ thủ tướng của ông Nawaz Sharif, 67 tuổi. Vài giờ sau đó, ông Nawaz tuyên bố từ chức và chỉ định ông Shahid Khaqan Abbasi, một bộ trưởng cứng rắn, làm thủ tướng lâm thời trong thời gian 45 ngày.
Quyết định của Tòa án Tối cao, bao gồm cả việc điều tra các cáo buộc tham nhũng của ông Sharif và gia đình, đã vấp phải sự phản đối của ông này.
Cựu thủ tướng Pakistan nhấn mạnh mức lương thủ tướng khoảng 2.772 USD chỉ là danh nghĩa và ông không bao giờ nhận nó. Và tài sản lớn cũng như lối sống xa hoa của gia đình ông đến từ nguồn kinh doanh trước kia.
Ông này cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao thực chất chỉ là một trò chơi chính trị nhằm lật đổ ông.
Nhà cựu lãnh đạo Pakistan nhấn mạnh ông chẳng thiết tha chuyện quay trở lại cầm quyền sau vụ này, nhưng vẫn sẽ đấu tranh vì công lý và lẽ phải đến cùng.
"Lương tâm tôi trong sạch", ông Sharif tuyên bố hôm 29-7.
"Tôi đã rời khỏi văn phòng thủ tướng. Điều cần thiết là phải có ai đó tiếp tục dẫn dắt nó. Sau nhiều lần tham vấn, ông Shehbaz Sharif đã được lựa chọn", hãng tin Reuters dẫn lời ông Sharif nói trước các thành viên trong đảng cầm quyền Liên minh hồi giáo Pakistan-Nawaz.
Giới quan sát nhận định quá trình chuyển giao quyền lực từ ông Sharif sang em trai sẽ khá suôn sẻ. Trong khi đó, đối thủ và ngôi sao chính trị đang lên, ông Imran Khan, mỉa mai kế hoạch của cựu thủ tướng và gọi đó là một lỗ hổng của chính trường Pakistan.
Ông Michael Kugelman, một chuyên gia Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định quá trình chuyển giao hoàn tất sẽ cho thấy một đất nước Pakistan dân chủ.
"Đã qua rồi cái thời quân đội trở thành vị cứu tinh khôi phục trật tự cũ ở đất nước này", ông Kugelman nói với Reuters.
Phía quân đội Pakistan từ chối bình luận về sự ra đi của ông Sharif hoặc các cáo buộc nói họ đứng đằng sau phán quyết của tòa tối cao. So với anh trai, ông Shehbaz có mối quan hệ tốt hơn với quân đội.(Tuoitre)
--------------------
Mỹ tuyên án tỉ phú TQ rửa tiền, hối lộ đại sứ LHQ
Tại tòa án liên bang Manhattan, ông Seng bị buộc tội âm mưu hối lộ và rửa tiền. Các công tố viên đưa ra bằng chứng năm 2010-2015, ông Seng đã hối lộ hai đại sứ LHQ hàng trăm ngàn đôla để được hỗ trợ trong dự án xây dựng trung tâm hội nghị của LHQ tại Macau. Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho rằng ông Ng Lap Seng chỉ đưa tiền khi được yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Bị cáo Ng Lap Seng đã hối lộ Liên Hiệp Quốc (LHQ)” - trợ lý tổng chưởng lý Mỹ Janis Echenberg nói với tòa tại phiên xét xử ngày 25-7. Trong hai năm qua, ông Seng sống tại một căn hộ cao cấp ở Manhattan dưới sự bảo vệ 24/24 giờ.
Bà Echenberg cho biết vị tỉ phú 69 tuổi đã chi hàng triệu đôla hối lộ hai đại sứ LHQtrong năm năm nhằm loại bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho ông xây dựng một trung tâm hội nghị ở Macau. Nếu trung tâm này được xây dựng, hàng ngàn người sẽ đến tiêu tiền tại khách sạn, bến du thuyền, khu chung cư, sân bay trực thăng và trung tâm mua sắm của ông Seng.
Bà Echenberg cho biết dự án này sẽ mang lại cho ông Seng và gia đình thêm "danh tiếng và tiền bạc". Luật sư bào chữa của ông Seng - ông Tai Park nhiều lần tuyên bố vụ truy tố này là "hoàn toàn vô lý".
Luật sư Park trích dẫn báo cáo từ đội điều tra đặc nhiệm thuộc LHQ, cho rằng không có quy định hay lệnh cấm nào đối với loại hình hợp tác công-tư như giữa ông Seng và các đại sứ LHQ.
Ông cũng chỉ trích các đại sứ LHQ, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe và Phó Đại sứ Cộng hòa Dominique tại LHQ Francis Lorenzo vì lạm dụng mối quan hệ của họ với ông Ng. "Ông Seng thật sự đã chi tiền vào những nơi mà ông được yêu cầu" - luật sư Park cho biết.
Ông Ng Lap Seng (giữa) rời phiên tòa liên bang ở Manhattan ngày 27-7 sau khi bị kết tội âm mưu hối lộ và rửa tiền. Ảnh: AP
Cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe đã qua đời tại nhà riêng vào năm ngoái. Năm 2014, ông Ashe đã nhờ ông Seng hỗ trợ 200.000 USD để chi trả cho một buổi hòa nhạc sau khi người tài trợ rút khỏi sự kiện, theo luật sư Park. Ông Lorenzo được trả mỗi tháng 20.000 USD để đảm nhận chức chủ tịch một tổ chức truyền thông nhằm trợ cấp cho các quốc gia đang phát triển.
Bà Echenberg cho biết nếu có nghi ngờ về việc tại sao ông Seng lại trả cho ông Lorenzo nhiều tiền như vậy thì đó là do tháng 12-2012, ông Ng hứa sẽ trả thêm 30.000 USD mỗi tháng để dự án của ông sớm được chấp thuận.
Công tố viên cho biết lời khai của ông Lorenzo khiến luật sư Park phải mất đến sáu ngày để đối chất. "Chúng ta biết ông Seng có tội chỉ qua lời khai của Đại sứ Lorenzo" - bà nói. Ông Lorenzo đã nhận tội liên quan đến hối lộ, đồng thời chấp nhận hợp tác với các công tố viên.(PLO)