Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 30-05-2017

  • Cập nhật : 30/05/2017

IS chiếm thành phố ở Philippines: 2.000 gia đình mất nhà, 100 người thiệt mạng

Tờ Philippines Inquirer đưa tin từ PRC cho biết tổ chức này đang đẩy nhanh nỗ lực giúp đỡ các gia đình phải rời bỏ nhà cửa bằng cách cung cấp thức ăn, nước uống và những trợ giúp nhân đạo khác, bao gồm hỗ trợ tâm lý, y tế, tiếp máu và các dịch vụ an táng cho người thân của họ.

Chủ tịch của PRC, Richard Gordon cho hay các tình nguyện viên đã đặt 7 bàn chăm sóc sức khỏe cho người dân Marawi kể từ ngày đầu tiên thành phố này rơi vào tay phiến quân Maute, tổ chức khủng bố Hồi giáo thân IS ở Philippines.

nguoi dan thanh pho marawi phai di so tan do phien quan khung bo chiem dong. nguon: inquirer

Người dân thành phố Marawi phải đi sơ tán do phiến quân khủng bố chiếm đóng. Nguồn: Inquirer

Tính đến ngày hôm nay (29/5), PRC đã cung cấp các bữa ăn nóng cho 700 người, 394 người dân nhận được hỗ trợ tâm lý. PRC cũng phân phối 1.800 lít nước ở các trung tâm sơ tán.

Ông Gordon cũng nhắc nhở mọi người tầm quan trọng của luật lệ nhân đạo quốc tế và yêu cầu sự tôn trọng cũng như bảo vệ dân thường. “Đây không phải là lúc để đổ lỗi và chia cách. Chúng ta là người Philippines, chúng ta là một dân tộc”, ông Gordon nói.

Hội Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng đã tới thành phố Marawi hôm 27/5 để thực hiện các hoạt động cứu trợ.

Trong khi đó, tờ Philippine Star đưa tin, số người thiệt mạng tại thành phố Marawi đã vượt trên 100 người, trong đó có ít nhất 27 dân thường và 61 kẻ khủng bố kể từ khi các tay súng Maute đột kích vào thành phố này hôm 23/5.

Theo ghi nhận, các phiến quân Maute thân Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã hành quyết không thương tiếc “những người phản bội” cố gắng trốn khỏi thành phố.

Trong các nạn nhân mới nhất của vụ tấn công có 8 người đàn ông được tìm thấy xác với những vết đạn ở đầu trên con đường ngoại ô thành phố Marawi hôm 28/5. Theo người dân địa phương, các nạn nhân là dân thường làm việc tại một nhà máy gạo và một trường cao đẳng y. Những người này đã cố gắng trốn khỏi thành phố.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa nhấn mạnh sẽ giữ nguyên thiết quân luật trong khu vực cho đến khi đất nước an toàn, bất chấp sự phản đối của Toà án Tối cao. Toà án Tối cao trước đó đã đe doạ sẽ bãi bỏ lệnh thiết quân luật của ông Duterte.

Tổng thống Philippines nói: “Thiết quân luật sẽ tiếp tục cho đến khi cảnh sát và lực lượng vũ trang nói rằng Philippines đã an toàn. Tôi sẽ không nghe những người khác. Tòa án Tối cao, Quốc hội, họ không ở đây. Họ có phải là những người đang bị thương vì không có sự trợ giúp nào không? Không phải họ”.

Các quan chức chính phủ Philippines xác nhận nhóm phiến quân Maute không còn được coi một tổ chức khủng bố địa phương nữa do nhiều tay súng có quốc tịch Malaysia, Indonesia và một số nước khác đã gia nhập hàng ngũ của tổ chức khủng bố này.(Infonet)
-----------------------------

Lý do Mỹ sẽ thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, giới chức quân sự Mỹ đã có kế hoạch sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa bố trí trên mặt đất trong ngày 30/5 và đối tượng thử nghiệm lần này là các loại tên lửa đạn đạo.

Trước đó, Mỹ đã từng tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình nhưng các đối tượng của các lần thử trước chỉ là các tên lửa tầm gần và tầm trung.

Theo Reuters, nguyên nhân thúc đẩy Mỹ tiến hành vụ thử nghiệm chống tên lửa đạn đạo là do những quan ngại của Mỹ về việc Triều Tiên- quốc gia đã nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ tấn công phủ đầu Mỹ, trong thời gian tới có thể sẽ chế tạo thành công tên lửa đạn đạo công nghệ cao có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ. Chính vì vây, giới chức quân sự Mỹ cho rằng nếu không tiến hành các cuộc thử nghiệm này thì Triều Tiên có thể sẽ có được các vũ khí có thể gây tổn hại cho nước Mỹ.

Theo các tin tức do Reuters có được, tên lửa đánh chặn sẽ được phóng từ một hầm chứa dưới lòng đất ở căn cứ không quân Vanderberg, còn tên lửa đạn đạo không có đầu đạn sẽ được phóng về phía Mỹ từ khu vực đảo Marshal. Kế hoạch đặt ra là tên lửa đánh chặn sẽ tiêu diệt tên lửa giả định khi tên lửa này đang bay ở Thái Bình Dương.

Một quan chức thuộc cơ quan phòng thủ chống tên lửa của Mỹ thừa nhận với Reuters rằng vụ thử nghiệm này được tiến hành do những quan ngại vì các vụ phóng thử tên lửa thường xuyên vừa qua của Triều Tiên. Tuy nhiên quan chức này cũng khẳng định rằng các cuộc kiểm tra kiểu này của hệ thống phòng thủ chống tên lửa Mỹ đã được lên kế hoạch từ trước đó và không liên quan đến các sự kiện cụ thể gần đây.

Trước đó, Mỹ đã cử lực lượng tàu tác chiến dưới sự chỉ huy của tàu sân bay USS Nimitz đến khu vực bờ Tây Thái Bình Dương với mục đích kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Lực lượng này sẽ được kết nối với 2 tàu sân bay của Mỹ đã neo đậu ở khu vực này từ trước đó là tàu Carl Vinson và Ronald Reagan.

Về phía Nga, theo khẳng định của một quan chức quân sự cấp cao, giới chức quân sự Nga không hề lo ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây. Hồi giữa tháng 5/2017, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung đi được tầm 700 km và rơi xuống vùng biển Nhật Bản, cách bờ biển vùng Primorsk của Nga gần 100 km.

Nguồn tin của hãng thông tấn Interfax của Nga xác nhận rằng hệ thống cảnh báo các đòn tấn công tên lửa của Nga đã ghi nhận được vụ phóng thử này của Triều Tiên.

Ngoài ra, chuyên gia quân sự Nga, thiếu tướng Vladimir Bogatyrev khẳng định với Reuters rằng các phương tiện phòng thủ chống tên lửa trong biên chế của Quân khu phía Đông của Nga hoàn toàn có khả năng đảm bảo vô hiệu hóa tất cả các mối đe dọa tiềm tàng có thể xuất phát từ các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.(Infonet)
--------------------------------

Kế hoạch của Mỹ đối với Ukraine sẽ tạo "động lực" mới trong quan hệ với Nga?

Ria Novosti đưa tin, Nhà Trắng đang có kế hoạch khởi động lại đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine. Phát biểu trên đài Sputnik, chuyên gia phân tích chính trị Denis Denisov bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và Nga có thể sẽ đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine.

Hôm thứ Hai (29/5) tờ Washington Post dẫn lời quan chức Mỹ và các chuyên gia cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán với Nga về việc giải quyết tiến trình hòa bình ở phía Đông Ukraine.

Cần lưu ý rằng đối với Ngoại trưởng Rex Tillerson thì Ukraine là một khả năng thậm chí có thể gây tác động tiêu cực làm thất bại kế hoạch của ông  Donald Trump trong việc cải thiện quan hệ với Nga.

Tờ báo viết: "Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn đầu, song ý tưởng của ông Tillerson về việc khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Barak Obama đã từng tham gia năm ngoái, đã làm dấy lên hy vọng sẽ có thể đạt được kết quả tốt nhất nhờ vào hoàn cảnh và các nhân vật mới".

Theo tờ Washington Post, ông Tillerson đã thảo luận về sáng kiến này với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ngoài ra tiến trình soạn thảo chiến lược mới đang được tiến hành với sự tham gia của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Được biết, ông Tillerson cũng đang cân nhắc bổ nhiệm một đặc phái viên tại Bộ Ngoại giao để đàm phán về Ukraine. Đặc biệt, ông sẽ hỗ trợ khôi phục các kênh ngoại giao cùng với cố vấn của Tổng thống Nga, ông Vladislav Surkov.

Trước đó, các cuộc đàm phán này với phía Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, bà Victoria Nuland dẫn đầu. Cuộc đàm phán gần đây nhất giữa ông Surkov và bà Nuland diễn ra vào tháng 10/2016, thì tháng 11 sau đó ông Donald Trump trở thành Tổng thống mới của Hoa Kỳ.

Nhà chính trị học Denis Denisov đánh giá rằng, xét "theo chiều hướng Ukraine" thì sự ra đi của chính quyền Mỹ tiền nhiệm đã tạo ra một khoảng trống nhất định.

Phát biểu trên đài Sputnik, ông Denisov nhận định: "Kể từ sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vấn đề này đã nhiều lần được đem ra thảo luận. Trong chính quyền tiền nhiệm, vai trò này được bà Victoria Nuland dẫn dắt, tuy nhiên sau khi ông Donald Trump đắc cử bà này đã rời khỏi Bộ Ngoại giao, và do đó để lại một khoảng trống. Sau cuộc bầu cử Tổng thống có một số hy vọng rằng ngay từ bước đầu hình thành đội ngũ, ông Donald Trump sẽ chỉ định một người phụ trách vấn đề Ukraine. Tuy nhiên do nhiều tình huống, cũng như sự kiện liên quan đến việc hình thành đội ngũ của ông Trump, vấn đề này đã bị hoãn lại vô thời hạn".

Chuyên gia cho rằng, Nga và Hoa Kỳ có thể sẽ đạt được chuyển biến tích cực trong vấn đề Ukraine.

Nhà phân tích đánh giá: "Tin tốt là hiện giờ có rất nhiều tín hiệu cho thấy chính quyền ông Donald Trump đang xem xét rất nghiêm túc vấn đề này. Và có thể trong tương lai gần sẽ xuất hiện một người có khả năng tạo ra động lực mới cho quan hệ song phương về vấn đề xung đột tại Donbass, cũng như nỗ lực làm việc một cách hiệu quả, trước hết, là với phía Nga để đi đến một thỏa hiệp. Xét cho cùng, nếu cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga đạt được thỏa hiệp, thì các đối tác Mỹ có thể sẽ gây áp lực lên Kiev, buộc nước này phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với thỏa thuận Minsk".(Infonet)
--------------------------

Giáo sĩ Indonesia bị điều tra vì 'chat sex'

Habib Rizieq, người tổ chức các cuộc biểu tình khổng lồ ở thủ đô Jakarta năm ngoái, đang bị điều tra vì các tin nhắn có hình ảnh nhạy cảm với một phụ nữ.

giao si habib rizieq - thu linh dien dan bao ve hoi giao, phat bieu sau phien toa xet xu thi truong jakarta basuki tjahaja purnama toi bang bo kinh koran hoi thang 2 - anh: reuters

Giáo sĩ Habib Rizieq - thủ lĩnh Diễn đàn bảo vệ Hồi giáo, phát biểu sau phiên tòa xét xử thị trưởng Jakarta Basuki Tjahaja Purnama tội báng bổ kinh Koran hồi tháng 2 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát Indonesia xác nhận đã triệu tập ông Rizieq vào ngày 29-5 để lấy lời khai về những cáo buộc ông đã có hành vi không đúng chuẩn mực, vi phạm luật chống khiêu dâm.

"Tội chính là ông ta đã tham gia vào việc truyền bá các hình ảnh, tin nhắn có nội dung đồi trụy", người phát ngôn cảnh sát Jakarta Argo Yuwono cho biết. 

Bên luật sư của ông Rizieq phủ nhận các cáo buộc, tuyên bố đó là "âm mưu chính trị" của những người không ưa thân chủ của ông.

Giáo sĩ Rizieq hiện đang ở nước ngoài và chưa có tín hiệu trở về nước bất chấp lệnh triệu tập của cảnh sát.

Giáo sĩ Rizieq, người chuyên thuyết giảng về các giá trị đạo Hồi, là người đứng đầu tổ chức có quan điểm cứng rắn Diễn đàn Bảo vệ Hồi giáo (FPI) tại Indonesia.

Vào năm ngoái, FPI từng vận động tổ chức hàng trăm ngàn người biểu tình tại thủ đô Jakarta để phản đối ông Basuki Tjahaja Purnama - thị trưởng Jakarta là người gốc Hoa theo đạo Thiên chúa, vì ông này báng bổ kinh Koran.

FPI hiện bị chính quyền Jakarta đưa vào tầm ngắm vì có quan điểm cứng rắn, thượng tôn người Hồi giáo - điều đi ngược lại hệ tư tưởng Pancasila vốn xem trọng đa tín ngưỡng và công bằng xã hội bất kể tôn giáo.

Không chỉ riêng với FPI, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đang sử dụng "bàn tay sắt" đối với các tổ chức Hồi giáo có quan điểm cứng rắn, đe dọa đến sự ổn định của xã hội.

Trả lời phỏng vấn trên đài Metro TV ngày 25-5, Tổng thống Widodo nói không có từ nào khác ngoài chữ "đá" hay "đánh" để mô tả cách thức đối phó với những kẻ chống lại sự ổn định của nhà nước Indonesia.

Hizb ut-Tahrir, một tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, gần đây cũng đã bị chính quyền giải tán vì kêu gọi biến Indonesia thành một đất nước dựa trên luật gốc Sharia.

Đại diện FPI đã lên tiếng bảo vệ lãnh đạo của họ. Ông Novel Bamukmin, người đứng đầu FPI tại Jakarta gọi các cáo buộc nhắm vào ông Rizieq là "vô căn cứ", nhấn mạnh cảnh sát cần điều tra những kẻ đã phát tán các đoạn tin nhắn hơn là nhắm vào giáo sĩ Rizieq.

Trên thực tế, ông Rizieq đã hai lần vào tù vì gây rối trật tự trong các năm 2003 và 2008.(Tuoitre)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 30-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 30-05-2017

    Mỹ tìm cách tái khởi động tiến trình hòa bình Ukraine; Quân đội Philippines tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố Marawi; Ông Putin với “ván bài lật ngửa” tại Pháp; Nga tung đòn tại Syria và Ukraine, Mỹ-NATO phải gờm

  • Tin thế giới đáng chú ý 30-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 30-05-2017

    Đức ám chỉ Trump khiến phương Tây 'suy yếu'; Philippines đóng cửa thêm một thành phố vì lo phiến quân xâm nhập; Ukraine đòi xây ‘pháo đài bất khả xâm phạm” sát biên giới với Nga?; Lãnh đạo Hàn Quốc, Pháp nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương

Bài cùng chuyên mục