Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 27-05-2017
- Cập nhật : 27/05/2017
Tổng thống Philippines đề nghị đối thoại với phiến quân thân IS
Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng cuộc vây hãm của những kẻ cực đoan Hồi giáo tại Marawi cho thấy IS hiện diện tại nước này và bày tỏ mong muốn đối thoại với phiến quân.
"Thông điệp của tôi tới những kẻ khủng bố phía bên kia là chúng ta vẫn có thể giải quyết điều này thông qua đối thoại", Reuters dẫn lời ông Duterte hôm nay phát biểu trước các binh sĩ tại thành phố Iligan, gần thành phố Marawi.
Nhóm phiến quân Maute đang giao tranh với quân đội chính phủ trong ba ngày tại thành phố Marawi, trên đảo Mindanao.
Jose Calida, quan chức pháp luật hàng đầu của chính phủ Philippines, hôm nay cho biết có người nước ngoài trong hàng ngũ phiến quân Maute. Các công dân Malaysia, Indonesia và nước khác nằm trong số 6 tay súng bị tiêu diệt hôm qua.
"Điều đang xảy ra ở Mindanao không còn là cuộc nổi dậy của các công dân Philippines", Calida nói. "Nó đã biến tướng thành cuộc xâm lược của những tên khủng bố nước ngoài, những kẻ đã nghe theo lời kêu gọi của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để tới Philippines nếu thấy khó đến Iraq và Syria".
Xung đột ở Marawi bắt nguồn từ chiến dịch của lực lượng an ninh Philippines nhằm bắt giữ Isnilon Hapilon, một lãnh đạo của nhóm khủng bố Abu Sayyaf, nổi tiếng với các vụ cướp biển, cướp bóc, bắt cóc và chặt đầu con tin phương Tây.
Tổng thống Duterte trước đó dọa có biện pháp cứng rắn để ngăn phiến quân cực đoan hoạt động ở Mindanao và đã ra thiết quân luật, kéo dài cho đến khi trật tự được khôi phục.(Vnexpress)
---------------------------------
Ông Tập yêu cầu hải quân Trung Quốc đạt đẳng cấp thế giới
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố hải quân nước này cần tăng cường sức mạnh và quyết đoán hơn ở các vùng biển tranh chấp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi những nỗ lực lớn hơn nữa để khiến hải quân nước này đạt đẳng cấp thế giới, mạnh mẽ trong hoạt động ở trên và dưới mặt biển, tăng cường đưa sức mạnh hải quân vươn xa bờ, theo Reuters.
Hải quân Trung Quốc có những hoạt động đáng chú ý trong vài tháng qua, với một đô đốc lên nắm quyền chỉ huy, tàu sân bay đầu tiên đi vòng qua Đài Loan và đóng mới một tàu sân bay vào tháng trước.
Theo giới chuyên gia, với việc Tổng thống Donald Trump cam kết đẩy mạnh nền công nghiệp đóng tàu Mỹ và sự tiếp cận khó đoán trong các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc đang cố gắng rút ngắn khoảng cách với hải quân Mỹ.
Trong chuyến thăm trụ sở hải quân hôm 24/5, ông Tập nói lực lượng này nên "đặt mục tiêu đứng thứ hạng hàng đầu trên thế giới", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
"Xây dựng hải quân mạnh mẽ và hiện đại là dấu ấn quan trọng của một nền quân sự hàng đầu thế giới", Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Tập. Chủ tịch Trung Quốc nói đây là "điểm then chốt" để nước này thành cường quốc biển.
"Sự đổi mới là chìa khóa để cải thiện và chuyển đổi hải quân. Hải quân cần sẵn sàng hoạt động ngoài khơi xa, kết hợp sức mạnh của các lực lượng trên mặt nước, dưới biển và cả bầu trời", ông Tập tuyên bố.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết cá nhân ông dành sự chú ý sát sao với các nhiệm vụ của hải quân. "Các bạn liên tục chiến đấu với gió và những con sóng. Cảm ơn các bạn vì đã làm việc chăm chỉ", Xinhua dẫn lời ông Tập.
Tham vọng quân sự của Trung Quốc, gồm lập trường quyết đoán hơn ở Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, khiến các nước láng giềng lo ngại.
Năm nay, Bắc Kinh ban đầu không cung cấp thông tin về ngân sách quốc phòng trong kỳ họp quốc hội vào tháng ba, điều thường được công bố trong các năm trước. Một ngày sau, Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng tăng 7%, lên mức hơn 150 tỷ USD.
Số tiền này bằng một phần tư ngân sách quốc phòng Mỹ, dù nhiều chuyên gia tin rằng chi tiêu quân sự Trung Quốc cao hơn con số chính thức. Bắc Kinh phủ nhận Trung Quốc là mối đe dọa quân sự với bất cứ nước nào và cho rằng chi tiêu quốc phòng chỉ để tự vệ. (Vnexpress)
-------------------------
Tàu chiến Mỹ diễn tập cứu người khi áp sát đá Vành Khăn
Với việc thực hiện bài diễn tập trong lúc cơ động, tàu USS Dewey cho thấy họ không "đi qua vô hại" khi tiến vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn.
Tàu khu trục USS Dewey (DDG-105) đã thực hiện bài diễn tập "cứu người rơi khỏi tàu" khi tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, Reuters hôm qua dẫn lời các quan chức Mỹ.
Đây được coi là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhắm tới hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này, đồng thời phát đi thông điệp tới Bắc Kinh rằng họ không có quyền lãnh hải quanh các đảo nhân tạo đó.
Giới chuyên gia cho biết các chuyến tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ gần đảo nhân tạo ở Trường Sa trước đây chỉ là hoạt động "đi qua vô hại", trong đó tàu chiến Mỹ di chuyển liên tục, nhanh chóng qua vùng nước 12 hải lý, không có các hoạt động quân sự và không thách thức quyền lãnh hải quanh đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, việc USS Dewey thực hiện bài diễn tập cứu người rơi xuống biển khi di chuyển qua vùng nước 12 hải lý quanh đá Vành Khăn cho thấy nó không "đi qua vô hại" theo luật quốc tế. "Hoạt động của tàu cho thấy đá Vành Khăn không phải thực thể có lãnh hải xung quanh, bất chấp việc có một hòn đảo nhân tạo được xây tại đó", một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định.
Trung Quốc đã trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" việc tàu USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn và phản đối các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua cho biết Việt Nam đề nghị các quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và các đại dương, đồng thời khẳng Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.(Vnexpress)
---------------------------------
Khủng bố Đông Nam Á tham chiến ở Philippines
Nhiều nhóm khủng bố nước ngoài ở khu vực Đông Nam Á đang liên kết với nhóm chiến binh Maute tham gia vào cuộc giao tranh ở thành phố miền Nam Philippines.
“Trước đây đó chỉ là một nhóm khủng bố địa phương, nhưng bây giờ, chúng đã đi theo ý thức hệ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chúng muốn biến Mindanao thành một phần của vương quốc Hồi giáo” - Luật sư Trưởng Chính phủ Philippines Jose Calida nói trong một cuộc họp báo, theo hãng tin Reuters.
Lực lực quân đội Philippines tại TP Marawi. Ảnh: REUTERS.
Theo ông Calida, những lực lượng khác ngoài chiến binh của nhóm khủng bố Maute đang tham chiến ở miền Nam Philippines là những nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan người Indonesia, Singapore và Malaysia.
Một phát ngôn viên của quân đội chính phủ Philippines cũng cho hay có 6 người đã bị giết ở Mindanao hôm qua, trong đó có các chiến binh của Malaysia, Indonesia và “quốc tịch khác”.
“Những gì xảy ra ở Mindanao đã không còn là cuộc nổi loạn của người dân Philippines nữa” mà đã “trở thành một cuộc xâm lược của những kẻ khủng bố nước ngoài, những kẻ đi theo tiếng gọi của IS rằng hãy tới Philippines nếu không thể đến được Iraq hoặc Syria” – ông Calida nói thêm.
Theo ông, mục đích của những nhóm khủng bố này là thành lập một “tỉnh” của Hồi giáo ở Mindanao, và chúng sẽ nhắm tới bất cứ ai để đạt được mục tiêu này.
Quân đội Philippines hôm nay cũng cho biết Singapore, Malaysia là một trong số những nhóm chiến binh nước ngoài đang tham gia cuộc nổi dậy của phiến quân liên quan đến IS tại TP Marawi. “Cũng có người Malaysia, người Singapore, trong cuộc chiến ở Marawi ... một số người đã bị giết” - Người phát ngôn quân đội Philippines Chuẩn tướng Restituto Padilla khẳng định.
Ông Padilla cho biết Philippines đã liên lạc với chính phủ của những nhóm chiến binh nước ngoài này để nhờ trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Hôm 25-5, Bộ Tư lệnh miền Tây Mindanao của Philippines (WESMINCOM) đã tuyên bố có ít nhất 31 chiến binh của nhóm Maute liên quan đến IS đã bị tiêu diệt tại TP Marawi kể từ hôm 23-5 khi cuộc giao tranh xảy ra. Về phía quân đội chính phủ, có ít nhất 13 binh sĩ và cảnh sát đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh này.
Đêm ngày 23-5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban hành thiết quân luật đối với toàn bộ đảo Mindanao trong vòng 60 ngày. Ông Duterte cũng cảnh báo rằng sẽ không ngần ngại tuyên bố thiết quân luật trên toàn quốc nếu khủng bố mở rộng ra ngoài khu vực Mindanao.(PLO)