Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý chiều 26-05-2017

  • Cập nhật : 26/05/2017

Ấn Độ cải tạo sân bay ở biên giới Trung-Ấn, tăng cường hành động không quân

Ấn Độ vừa hoàn thành cải tạo một số sân bay ở bang Arunachal, đủ điều kiện để máy bay chiến đấu Su-30MKI, máy bay vận tải C-130J, máy bay trực thăng có thể cất hạ cánh, từ đó tăng cường khả năng hoạt động đường không tại khu vực biên giới với Trung Quốc.

may bay sukhoi-30 mki ha canh xuong duong bang san bay pasighat

Máy bay Sukhoi-30 MKI hạ cánh xuống đường băng sân bay Pasighat

Không quân Ấn Độ gần đây cho biết, nước này đã tiến hành cải tạo hiện đại hóa sân bay tiền tuyến nằm ở bang Arunachal, cách tuyến kiểm soát thực tế biên giới Trung - Ấn 100 km. 
Sau cải tạo, sân bay được đưa vào sử dụng từ ngày 19/8/2017. Máy bay chiến đấu Su-30MKI và máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules sẽ có thể sử dụng sân bay này.
Đại diện Không quân Ấn Độ Amit Mahajan cho biết: “Sân bay tiền tuyến Pasighat là một căn cứ có ý nghĩa chiến lược, đủ điều kiện để các loại máy bay và trực thăng cất, hạ cánh, giúp cải thiện thời gian phản ứng của không quân. Ngoài ra, sân bay sẽ thúc đẩy tăng cường hành động đường không ở khu vực biên giới phía đông”.
Trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc vào năm 1962, Ấn Độ đã từng sử dụng sân bay tiền tuyến ở khu vực Arunachal. Sau chiến tranh, sân bay đã ngừng sử dụng. Năm 2009 đã thông qua kế hoạch cải tạo 7 sân bay ở Arunachal trong khuôn khổ kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở dọc tuyến biên giới Trung - Ấn. Hiện đã có 5 sân bay hoàn thành cải tạo.
Ấn Độ cũng đã sử dụng một sân bay tuyến đầu ở khu vực Arunachal. Sân bay này có thể hạ cánh những máy bay như máy bay vận tải C-130J. Sân bay mới sẽ tăng cường khả năng bảo đảm hậu cần của Không quân Ấn Độ ở khu vực đông bắc.
Để xây dựng hạ tầng cơ sở quốc phòng ở đông bắc, Không quân Ấn Độ đã cấp kinh phí 54 triệu USD cho giai đoạn từ tháng 4/2016 – 3/2017.(Viettimes)
----------------------------------------

Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình thị sát Hải quân nhân đại hội đảng

Nhân đại hội đảng bộ Hải quân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát và yêu cầu phải xây dựng thành quân chủng hiện đại, mạnh, đóng góp vào sự nghiệp thực hiện "phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa".

chu tich tap can binh du dai hoi dang bo hai quan

Chủ tịch Tập Cận Bình dự Đại hội đảng bộ Hải Quân

Trang tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 24/5 cho hay, sáng cùng ngày ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thị sát trụ sở hải quân nước này. Ông đã gặp gỡ cán bộ lãnh đạo cấp sư đoàn trở lên, dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đảng lần thứ 12 của Hải quân Trung Quốc.
Sau lời chúc mừng Hải quân Trung Quốc tổ chức đại hội đảng bộ lần thứ 12, ông Bình cho rằng hải quân có vị trí rất quan trọng trong toàn cục phát triển và an ninh quốc gia. 
Ông yêu cầu hải quân cần hướng vào mục tiêu hiện đại hóa quân đội, quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong tình hình mới, kiên trì xây dựng quân đội về chính trị, cải cách quân đội, trị quân dựa trên luật pháp, đẩy nhanh xây dựng chuyển đổi, nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại, tạo cơ sở sức mạnh vững chắc cho thực hiện giấc mơ Trung Quốc, giấc mơ quân đội mạnh.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, xây dựng hải quân hiện đại và mạnh là tiêu chí quan trọng của xây dựng quân đội hàng đầu thế giới, là chỗ dựa chiến lược của xây dựng cường quốc biển, góp phần quan trọng vào thực hiện "phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa". Ông yêu cầu Hải quân Trung Quốc phải gánh lấy trách nhiệm lịch sử "xây dựng hải quân hiện đại và mạnh" trên điểm cao lịch sử và thời đại.
Ông Bình yêu cầu hải quân quán triệt chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quân sự, thúc đẩy xây dựng hải quân. Nắm chắc nhu cầu tác chiến, kiên trì huấn luyện sát thực tế chiến đấu, huấn luyện và diễn tập liên hợp, luôn quán triệt tiêu chuẩn sức chiến đấu trong toàn bộ quá trình xây dựng hải quân. 
Theo ông Bình, Hải quân Trung Quốc cần kiên trì xây dựng hệ thống, kết hợp xây dựng cơ giới hóa và xây dựng thông tin hóa, xây dựng lực lượng tác chiến ở duyên hải với ở biển xa, ở trên và dưới mặt biển, cũng như ở trên không, xây dựng cả lực lượng tác chiến và lực lượng bảo đảm, tạo ra được khả năng tác chiến hệ thống.
Ông Bình yêu cầu Hải quân Trung Quốc phải phát triển bằng sáng tạo, bằng pháp luật để tạo động lực mạnh cho xây dựng hải quân và thúc đẩy xây dựng hải quân có trật tự.
Trong xây dựng hải quân, ông Bình yêu cầu tăng cường "Bốn ý thức", bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quét sạch mọi ảnh hưởng xấu từ các vụ tham nhũng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Ông Bình đề cao việc tuyển chọn và sử dụng nhân tài quân sự, phát huy được tính tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo của binh sĩ.
Tham gia chuyến thị sát cùng ông Tập Cận Bình còn có các Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương gồm ông Phạm Trường Long và ông Hứa Kỳ Lượng, các ủy viên Quân ủy Trung ương gồm Thường Vạn Toàn, Phòng Phong Huy, Trương Dương, Triệu Khắc Thạch, Ngô Thắng Lợi, Mã Hiểu Thiên, Ngụy Phượng Hòa. (Viettimes)
------------------------

Nước nào sở hữu 5.000 tổ hợp tên lửa Igla-S của Nga?

Bối cảnh tình hình bất ổn chính trị ở Venezuela và Brazil hiện nay đang khiến khu vực Nam Mỹ trở nên rối ren. Reuters mới đây có được nguồn tin cho biết Venezuela đang sở hữu khoảng 5.000 tên lửa vác vai Igla-S do Nga sản xuất.

Hãng thông tấn Reuters mới đây đã đăng tải thông tin cho biết chính quyền Venezuela hiện đang sở hữu khoảng 5 nghìn tổ hợp tên lửa vác vai Igla-S (SA-24 theo phân loại của NATO).

Tài liệu này chỉ rõ, kho Igla-S của Venezuela hiện đang lưu giữ số lượng Igla-S lớn nhất trong kho vũ khí của tất cả các quốc gia Nam Mỹ. Đây chính là lý do khiến Mỹ phải quan ngại khi tình hình nước này đang trở nên bất ổn.

Theo Reuters, Chính phủ theo đường lối Cộng sản của Venezuela từ lâu đã sử dụng mối đe dọa “can thiệp đế quốc” của Mỹ để giải thích cho các hành động tăng cường tiềm lực kho vũ khí của mình. Phần lớn số vũ khí hiện có trong kho vũ khí của quốc gia Nam Mỹ này có được nhờ nhập khẩu từ Nga dưới thời cựu Tổng thống Hugo Chavez, người đã lãnh đạo Venezuela từ năm 1999 đến năm 2013.

Số tên lửa Igla-S mà Venezuela đang sở hữu thực sự tạo ra mối đe dọa đáng kể đến các máy bay quân sự và chở khách. Ngoài ra, các chuyên gia về vũ khí cũng bày tỏ quan ngại rằng số tên lửa vác vai này có thể rơi vào tay các lực lượng cực đoan khi Venezuela đang trải qua giai đoạn đầy bất ổn về chính trị và khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Một cựu tướng lĩnh cấp cao trong Quân đội Venezuela và là cựu bộ trưởng nước này tiết lộ với Reuters rằng số Igla-S được bố trí chủ yếu ở các khu vực dọc bờ biển nước này vì lo ngại các hành động tấn công có thể xuất phát từ Mỹ. Nguồn tin này cũng khẳng định với Reuters rằng hiện Venezuela còn sở hữu khoảng 1,5 nghìn ống phóng cho Igla-S.

Hiện quan chức chính quyền Venezuela vẫn chưa có phản hồi đối với đề nghị của Reuters trong việc cung cấp thông tin về vị trí và các chi tiết khác của kho Igla-S.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 5 đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này và đã báo cáo lên Thượng viện Mỹ trong một phiên điều trần. Theo ông Mike Pompeo, tình hình ở Venezuela đang ngày càng xấu đi.

Một số chính trị gia Mỹ đang cáo buộc Venezuela cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang Hezbollah và “Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia” (FARC). Caracas đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Tình hình ở Venezuela trở nên căng thẳng từ cuối tháng 3/2017 sau khi Tòa án Tối cao nước này cho phép Tổng thống Nicolas Maduro được quyền hành động mà không cần thông qua quốc hội nước này và Tòa án tối cao tự cho mình có được các chức năng của quốc hội. Sau đó, do chịu sức ép của Hội đồng An ninh Quốc gia Venezuela nên cơ quan này đã phải xem lại quyết định của mình.

Tuy nhiên, hành động này của Tòa án Tối cao Venezuela được coi là căn nguyên dẫn đến các vụ biểu tình quy mô lớn kéo dài chống chính phủ từ đầu tháng 4/2017. Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Maduro phải từ chức và tiến hành các cải cách dân chủ ở quốc gia này. Quá trình đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi ông Maduro triệu tập một cuộc họp của Đại hội đồng Hiến pháp để cải cách hệ thống điều hành nhà nước.(Infonet)
--------------------------------

Châu Âu mong đợi điều gì từ ông Donald Trump tại Hội nghị NATO?

Theo hãng tin Sputnik, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) được tổ chức vào thời điểm Mỹ có chính quyền mới, và nguyên thủ các nước Châu Âu sẽ đặc biệt chú ý đến Tổng thống Donald Trump.

Nhà phân tích quốc phòng và cựu Đại biểu Quốc hội Ba Lan Mariusz Olszewski cho biết: “Mối quan tâm đặc biệt mà nguyên thủ các nước dành cho ông Trump bắt nguồn từ một loạt những tuyên bố mà ông Trump đã đưa ra về NATO trước và sau khi trở thành Tổng thống”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp báo tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12/4.

“Tôi cho rằng chúng ta không nên mong chờ điều gì đáng chú ý. Các nước Châu Âu sẽ được biết quan điểm của ông Trump về NATO và sẽ chờ xem liệu ông sẽ thực hiện lời hứa của mình hay không”, ông nói thêm.

Ông Olszewski cho biết cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels sẽ cho thấy liệu chính quyền Tổng thống Trump có sẵn sàng muốn Mỹ thành “cảnh sát của thế giới”, cũng như liệu vai trò của NATO sẽ giống như thời cựu Tổng thống Barack Obama hay không.

Ban đầu ông Trump tỏ ra nghi ngờ vai trò của NATO và cho rằng liên minh này đã lỗi thời do họ không được chuẩn bị trước để đối đầu với chủ nghĩa khủng bố. Ông cũng chỉ trích phần lớn các thành viên của Liên minh Châu Âu khi đã không trích 2% GDP của mình cho mục đích quốc phòng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng cả hai vấn đề này sẽ được nêu ra trong hội nghị và lãnh đạo các nước được cho là sẽ cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc tiến hành các biện pháp chống khủng bố.

Ông Stoltenberg cho biết, NATO sẽ không yêu cầu Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự gần Nga, trái ngược hẳn với những động thái gần đây của NATO. Trong vòng ba năm trở lại đây, Mỹ đã gia tăng chi tiêu quân sự và triển khai thêm quân đến vùng Đông và Trung Âu cũng như vùng Baltic để đối phó với cái gọi là “chính sách gây hấn” của Nga. Bản thân NATO cũng gia tăng tần suất cũng như quy mô của các cuộc diễn tập quân sự.

“Hiện tại, giữa chính quyền Donald Trump và các nước NATO đang không có một sự tin tưởng lẫn nhau, và mục tiêu của ông Trump là phải tái khẳng định rằng giữa hai bên vẫn tồn tại một mối liên kết bền chặt. Liệu ông ấy có làm vậy không? Tôi không biết, bởi mỗi thành viên NATO đều theo đuổi một mục tiêu khác nhau khiến họ gặp khó khăn trong việc hợp tác vì mục tiêu chung”, nhà phân tích cho biết.(Infonet)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-05-20172

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-05-2017

    Thủ tướng Campuchia cảnh báo chiến tranh nếu đảng cầm quyền thất cử; Tài khoản ngân hàng của ông Trump ở Đức bị yêu cầu rà soát; John McCain: Mỹ cần Úc trong chiến lược mới đối phó Trung Quốc; Khả năng Trung Quốc âm thầm đóng tàu sân bay mới bị nghi ngờ

  • Tin thế giới đáng chú ý 26-05-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 26-05-2017

    Trung Quốc kỷ luật quan chức cấp cao ngành tư pháp; NATO sẽ tham gia liên quân chống IS; Mỹ sẽ tăng cường trừng phạt 'bộ ba' Iran, Syria, Triều Tiên; Nga bắt nghi phạm khủng bố IS âm mưu đánh bom Moscow

Bài cùng chuyên mục