Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược
Tin thế giới đáng chú ý 18-10-2017
- Cập nhật : 18/10/2017
Việt Nam sản xuất đạn xuyên giáp
Dễ dàng xuyên thép CT3 dày 18mm cách 100m và xuyên áo giáp cấp 3 theo chuẩn NIJ101.04 Mỹ, đạn 7,62mm của Việt Nam sánh ngang đạn của phương Tây.
Với mục đích nâng cao khả năng chiến đấu, đặc biệt là khả năng xuyên giáp của đạn, các kỹ sư Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu thiết kế chế thử thành công đạn xuyên 7,62x54mm (K53) đầu lõi thép.
Đạn có thể được sử dụng cho các loại súng bắn đạn K53 hiện có trong trang bị. Đạn thiết kế để có thể xuyên thép CT3 dày 12mm ở cự ly 100m và xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn NIJ101.04 của Mỹ.
Để bảo đảm khả năng xuyên thép, các kỹ sư đã nghiên cứu tăng tốc độ tới hạn của đầu đạn và độ cứng của lõi thép. Qua nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, các tác giả đã chọn vận tốc đầu đạn thiết kế trung bình ở vị trí cách miệng nòng súng 25mm là từ 840 đến 890m/s.
Để bảo đảm độ cứng cho lõi thép, trên cơ sở các loại vật liệu đã dùng để sản xuất đạn xuyên K56, các tác giả đã chọn mác thép Y12A làm lõi xuyên. Thép có độ cứng sau khi tôi đạt 64-66 HRC, độ cứng sau khi ram ở nhiệt độ cao đạt 62-64 HRC.
Công nghệ chế tạo đạn xuyên 7,62x54mm đầu lõi thép là công nghệ mà nhà máy đã áp dụng vào sản xuất đạn 7,62x54mm (K53) thông thường. Riêng công đoạn chế tạo lõi thép xuyên đã áp dụng công nghệ tạo hình là phương pháp gia công cắt gọt và tạo độ cứng cho lõi thép sử dụng công nghệ tôi lò muối và ram dầu.
Vận tốc thực tế của đầu đạn đạt 870,7 đến 872,4m/s; khả năng xuyên thép CT3 đồng nhất dày 16mm đặt cố định vuông góc với trục nòng súng ở cự ly 100m đạt tỷ lệ 100%; xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn của Mỹ đạt 100%.
Áp suất khí thuốc bằng so với đạn thông thường nên tăng độ bền cho súng, mặt khác, đạn vẫn sử dụng được thuốc phóng cho đạn thông thường, nên không phải sản xuất thuốc phóng mới. Kết quả bắn thử cho thấy khả năng xuyên thép đều đạt và vượt các thông số thiết kế.
Cụ thể, với các bia thép CT3 có các chiều dày 14, 16 và 18mm khi sử dụng súng PKMS ở cự ly 100m, kết quả tỷ lệ xuyên tấm thép dày 14 và 16mm đạt 100%; tỷ lệ xuyên tấm thép dày 18mm đạt 80%. Bắn kiểm tra xuyên áo giáp với áo giáp cấp 3 ở cự ly 15m cũng cho tỷ lệ xuyên đạt 100%... (Baodatviet)
--------------------------------
Hải quân Ukraine sử dụng chiến thuật "bầy sói" chống Nga
Các chỉ huy của Lực lượng Hải quân Ukraine hy vọng rằng, chiến thuật bầy sói nếu được triển khai sẽ có hiệu quả làm giảm bớt sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Mới đây, kênh truyền hình TSN của Ukraine tiết lộ, Hải quân nước này đã thông qua một chiến thuật được gọi là "bầy sói", được ban chỉ huy lên kế hoạch áp dụng để đối phó với Hạm đội Biển Đen của Nga.
Bản chất của các chiến thuật này là sử dụng một số xe chiến đấu bọc thép hạng nhẹ đồng thời tấn công cùng một đối phương. Chỉ huy một trong những thiết giáp trên, ông Alexander Regula giải thích: "Chiến thuật "bầy sói" có nghĩa là trong cùng một lúc chúng tôi có thể sáu lần đấu lại một đối thủ lớn. Đối thủ không thể trong đồng thời theo dõi nhiều mục tiêu và tiến hành nổ súng vào các mục tiêu được".
Người đứng đầu Cục Huấn luyện chiến đấu Yuri Fedash cho biết: "Theo ý kiến của tôi, tàu chiến được trang bị vũ khí tên lửa cần được hiện diện liên tục. Người hàng xóm của chúng tôi đang cảm thấy rất tự do ở phía tây bắc Biển Đen. Cần phải giảm thiểu những điều kiện thuận lợi này lại...".
Các chỉ huy thiết giáp bày tỏ tinh thần sẵn sàng tấn công các giàn khoan khí đốt của Nga ở Biển Đen, cũng như radar Nga mà họ cho rằng không thể phát hiện "bầy sói".
Bộ Quốc phòng đã ra lệnh điều thêm ít nhất hai tàu nữa. Trước đây, truyền thông địa phương đã đưa tin, do nhiều sai lầm trong quá trình thiết kế, việc cung cấp những chiếc tàu này đã bị gián đoạn.
Thuật ngữ "bầy sói" thường được sử dụng để nói đến chiến thuật dùng nhiều tàu ngầm để theo đuổi tàu chiến dựa trên lợi thế số đông. Chiến thuật này từng được các tàu ngầm U-boat của Đức sử dụng trong Trận chiến Đại Tây Dương (1939-1945) hay các tàu ngầm Mỹ khi đối phó với tàu chiến Nhật tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II. (Infonet)
----------------------------------
Thủ lĩnh mới của khủng bố ở Philippines là tiến sĩ, giảng viên đại học
Mahmud Ahmad, một giảng viên đại học người Malaysia, nhiều khả năng đã trở thành kẻ cầm đầu cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Đông Nam Á sau cái chết của hai tên thủ lĩnh quan trọng khác.
Mahmud Ahmad - được cho là đã trốn thoát khỏi Marawi và trở thành thủ lĩnh mới của IS tại Đông Nam Á - Ảnh chụp màn hình
Ngày 16-10, nhà chức trách Philippines tuyên bố đã tiêu diệt được Isnilon Hapilon, kẻ được xem như "tiểu vương" của IS Đông Nam Á và Omarkhayam Maute, thủ lĩnh của lực lượng Maute tại thành phố Marawi.
Manila sau đó tuyên bố giải phóng thành công Marawi khỏi các lực lượng thân IS sau 5 tháng chiến sự.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, tên Mahmud - kẻ được mệnh danh là "phó vương" IS ở Đông Nam Á - đã trốn thoát.
"Theo thông tin của chúng tôi, Mahmud vẫn còn trong vùng chiến sự với vài tay súng người Indonesia và Malaysia", Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Eduardo Ano cho biết. Hiện vẫn còn khoảng 30 tay súng thân IS đang cố thủ bất chấp kêu gọi đầu hàng của quân đội.
"Gió đã đổi chiều, bọn chúng sẽ không dám manh động như trước nữa", tướng Ano khẳng định, ám chỉ việc những kẻ khủng bố đã mất đi 2 thủ lĩnh quan trọng nhất.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng những kẻ khủng bố chỉ là những tên du thủ du thực, các hồ sơ điều tra cho thấy bọn đầu lĩnh của IS là những kẻ rất thông minh, học cao.
Mahmud cũng không ngoại lệ. Gã đầu lĩnh 39 tuổi này đã có bằng tiến sĩ cho các nghiên cứu về tôn giáo, là giảng viên cho một trường đại học ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).
Viện phân tích chính sách và xung đột (IPAC) của Indonesia, trong một báo cáo hồi tháng 7 rồi, đã mô tả Mahmud là một kẻ quỷ quyệt có tài chiêu dụ và chịu trách nhiệm tài chính cho IS ở Đông Nam Á.
Năm 2014, bỏ ngang việc giảng dạy, Mahmud cùng nhiều phần tử cực đoan khác rời khỏi Malaysia và bắt tay với Abu Sayyaf - một tổ chức khủng bố cực đoan ở Philippines. Y trở thành đối tượng bị truy nã số 1 của Malaysia.
Không rõ bằng cách nào Mahmud đã sang được Afghanistan và gia nhập một trại huấn luyện của al-Qaeda.
Rohan Gunaratna, một nhà phân tích thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore, mô tả Mahmud là "thủ lĩnh tối quan trọng của IS tại Đông Nam Á".
Chiến sự tại thành phố Marawi ở miền nam Philippines trong thời gian qua đã cho thấy sức ảnh hưởng của tên này. Bên cạnh các tay súng của anh em nhà Maute, Mahmud còn móc nối và tổ chức đưa hàng chục tay súng người Indonesia, Malaysia và Bangladesh tới Marawi.
Ở chiều ngược lại, Mahmud là đầu mối chiêu dụ các tay súng Đông Nam Á và đưa sang Trung Đông để chiến đấu cùng IS.
Người ta tin rằng Mahmud đã đến Marawi nhưng thông tin y đã ở đó đến tận ngày 16-10, thời điểm hai tên Hapilon và Omar bị tiêu diệt, vẫn còn chưa được xác thực. Các quan chức tình báo Malaysia cho rằng Mahmud đã rời khỏi Marawi cách đây vài tháng. (Tuoitre)
---------------------------------
Thực hư hệ thống phòng thủ của Mỹ đạt hiệu quả 97%?
Các chuyên gia tuyên bố trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc hiệu quả của của hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên mặt đất.
Liên quan đến hiệu quả thực tế của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu và đưa ra những đánh giá hoàn toàn trái ngược với những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trên truyền hình. Thông tin này được tờ War on the Rocks thông báo.
Trước đó trong thời gian cầu truyền hình trực tiếp trên kênh Fox News, người dẫn chương trình nổi tiếng Sean Hannity đã có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Mỹ về hiệu quả của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa nằm trong Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).
Tổng thống Donald Trump tự tin khẳng định rằng, hiệu quả của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên mặt đất của Mỹ đạt gần 97%.
“Chúng ta có những loại tên lửa có khả năng đánh chặn các loại tên lửa của đối phương với hiệu quả rất cao khoảng 97%.
Thậm chí các hệ thống của chúng ta còn có thể tiêu diệt cùng lúc hai hoặc nhiều tên lửa đối phương bắn tới”, vị Tổng thống này cho biết.
Các hệ thống này của Mỹ được triển khai ở 3 địa điểm. Một là ở căn cứ không quân Cape Cod, thuộc bang Massachusetts, hai là ở căn cứ không quân Beale thuộc bang California và ba là căn cứ không quân Clear ở Alaska.
Hiện nay Mỹ đã triển khai tổng cộng hơn 30 hệ thống phòng thủ này và có thêm 15 hệ thống chuẩn bị đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Sau tuyên bố của ông Trumq nhiều ý kiến trái chiều đã được các chuyên gia đưa ra. Cụ thể, thực tế các hệ thống phòng thủ chung của Mỹ gần như chưa tham gia chiến đấu thực tế, các đánh giá đưa ra chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm.
Điều đáng chú ý là trong các cuộc thử nghiệm này các nhà chức trách đã biết gần như tất cả các thông tin cần thiết về cuộc tấn công vì vậy sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc đánh chặn.
Ví dụ, người Mỹ đã đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 31/5.
Tuy nhiên họ cũng đã nhận thất bại khi không thể đánh chặn tên lửa tầm trung thuộc loại SM-3 Block IIA vào ngày 21/6/2017.
Bỏ qua việc thực tế chiến đấu, nếu chỉ tính trong một vài lần bắn gần đây hiệu quả của các hệ thống phòng thủ Mỹ chỉ đạt hơn 50%.
Còn nếu tính từ ngày 24/6/1997, khi lần đầu tiên Mỹ tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa nhằm mục đích hoàn thiện khả năng chiến đấu của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa, tổng cộng người Mỹ đã tiến hành 18 vụ phóng tên lửa. Trong số này chỉ có 10 vụ phóng trúng mục tiêu còn lại 8 vụ phóng thất bại, con số này cho thấy hiệu quả thực tế chỉ đạt 56%.
Thực tế các chuyên gia nhận xét rằng, để đánh chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa rất khó. Thậm chí cả Nga – quốc gia đang sở hữu các hệ thống phòng thủ hiện đại hàng đầu thế giới cũng không giám khẳng định đạt hiệu quả như thế nào.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự, các tên lửa sẽ được phóng từ các hướng khác nhau với quỹ đạo bay khác nhau nên tiêu diệt chúng càng khó. Vì vậy để đạt được hiệu suất như ông Trump thông báo dường như là không thể.
Do đó các chuyên gia kết luận rằng, tuyên bố của ông Trump chỉ đơn giản là “mị dân” và chủ yếu làm cho những công dân của Mỹ cảm giác an toàn.
Thực tế này một lần nữa khiến các chuyên gia lo ngại nếu trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công bằng tên lửa. Đặc biệt gần đây họ phải đối mặt với rất nhiều đe dọa từ phía Triều Tiên. Điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ nước Mỹ? (Baodatviet)