Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 13-08-2017

  • Cập nhật : 13/08/2017

Căng thẳng Mỹ - Cuba: Có bên thứ ba?

Báo cáo về việc các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba bị mắc “bệnh lạ” đã thổi bùng căng thẳng giữa Washington và Havana.

toa nha dai su quan my o havana (cuba) - anh: reuters

Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Havana (Cuba) - Ảnh: REUTERS

 

Cuba chưa và sẽ không bao giờ cho phép lãnh thổ Cuba bị lợi dụng để thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các nhà ngoại giao và gia đình họ, không hề có ngoại lệ
Bộ Ngoại giao Cuba

Hai năm sau cột mốc lịch sử, quan hệ song phương Mỹ - Cuba gặp thách thức lớn trong tuần này, liên quan tới chuyện một số nhà ngoại giao Mỹ ở Havana mắc bệnh, có biểu hiện mất thính giác.

Bí ẩn

Ngày 10-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert xác nhận Mỹ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba tại Đại sứ quán Cuba ở Washington.

Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến việc khoảng năm nhà ngoại giao Mỹ buộc phải rời khỏi thủ đô Havana của Cuba trước khi kết thúc nhiệm vụ.

Phát biểu của bà Nauert xuất hiện một ngày sau khi Hãng tin AP dẫn lời một quan chức giấu tên khẳng định sự việc này.

Theo đó, từ năm 2016 đã xuất hiện một số nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba phải trở về nước sau khi mắc triệu chứng lạ khiến họ mất thính giác.

Sau nhiều tháng điều tra, các quan chức Mỹ kết luận rằng các nhà ngoại giao ấy đã bị tấn công bằng vũ khí âm thanh. Đó có thể là dạng thiết bị giống máy nghe lén được đặt trong hoặc ngoài nơi họ cư trú.

Hiện tại chưa có xác nhận nào về việc đây là vụ tấn công có chủ đích hay nhằm một mục đích nào khác, theo AP. Bà Nauert xác nhận vào ngày 23-5 năm nay, hai nhà ngoại giao Cuba đã được “yêu cầu rời khỏi” Washington.

Nữ phát ngôn viên từ chối tiết lộ thêm chi tiết, chỉ nói rằng những triệu chứng của các nhà ngoại giao Mỹ không ảnh hưởng tới tính mạng và hiện Cơ quan An ninh ngoại giao cũng như Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra.

Trong phản hồi ngày 10-8, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết họ đã được thông báo về tình trạng trên từ tháng 2-2017, đồng thời đã mở một “cuộc điều tra toàn diện, ưu tiên và nhanh chóng”, cũng như thành lập một ủy ban điều tra riêng biệt về vụ này.

Havana cũng phản đối việc Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao của mình, khẳng định đây là hành động “thiếu trách nhiệm, vô căn cứ”.

Nghi án liên can đến Nga?

Theo phân tích của AFP ngày 11-8, Cuba có mối quan hệ tương đối tốt với Mỹ dưới thời cựu tổng thống Obama, nhưng mọi thứ thay đổi khi ông Donald Trump đứng đầu Nhà Trắng.

Ông Trump là người có quan điểm cứng rắn với Cuba. Hồi tháng 6-2017, ông Trump công bố các quy định siết chặt du khách Mỹ đến Cuba, cấm quan hệ với một công ty du lịch do quân đội Cuba điều hành và tái khẳng định lệnh cấm thương mại với Cuba.

Ông Trump cũng dùng lời lẽ xúc phạm chính quyền Cuba, chỉ trích vấn đề nhân quyền của Havana.

Đáp lại, một tháng sau đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro lên án ông Trump trên truyền hình nhà nước, cho rằng tuyên bố trên của ông Trump mang ý nghĩa “cản trở quan hệ song phương” hai nước.

Trong khi đó, AP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang mở rộng nhiều khả năng khác nhau và hiện cũng bao gồm nghi án một bên thứ ba đã tấn công nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có... Nga.

Sở dĩ Nga xuất hiện là vì vụ Havana xảy ra cuối năm 2016, trùng khoảng thời gian Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử mà ông Trump giành chiến thắng.

Tổng thống Mỹ Obama khi ấy đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và ra lệnh đóng cửa hai cơ sở ngoại giao Nga tại Mỹ.

Trong những năm 1960 của thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính quyền Mỹ cũng phát hiện tòa đại sứ của họ ở Matxcơva bị thiết bị siêu thanh bao phủ.

Cái gọi là “tín hiệu Moscow” này dẫn tới việc thành lập dự án bí mật Pandora để xác nhận những ảnh hưởng của bức xạ điện từ, theo tạp chí Newsweek.(Tuoitre)
-----------------------

Tổng thống Trump dọa can thiệp quân sự vào Venezuela

Tổng thống Donald Trump ngày 11.8 tuyên bố nếu cần thiết, Mỹ có thể dùng giải pháp quân sự ở Venezuela, một sự leo thang bất ngờ trong phản ứng của Washington đối với khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

Hơn 120 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 4 tháng qua ở Venezuela, theo Reuters.

“Nhiều người đang chịu khổ và họ đang chết. Chúng tôi có nhiều lựa chọn đối với Venezuela, kể cả một giải pháp quân sự tiềm tàng nếu cần thiết”, Tổng thống Trump phát biểu với giới phóng viên tại bang New Jersey, nhưng không cung cấp chi tiết. Lầu Năm Góc cho hay họ chưa nhận được bất kỳ mệnh lệnh nào về Venezuela từ Nhà Trắng.

Chính phủ Venezuela chưa có phản ứng với đe dọa của Tổng thống Trump. Giới chức Venezuela từ lâu cho rằng phía Mỹ có ý định xâm lược nước này. Trước đó, một cựu tướng Venezuela tiết lộ với Reuters rằng một số tên lửa phòng không đã được lắp đặt dọc bờ biển nước này để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công.

Venezuela hiện sở hữu khoảng 5.000 tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và đây là vấn đề gây quan ngại cho giới chức Mỹ trong bối cảnh tình trạng bất ổn ở quốc gia Nam Mỹ này ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Hồi tháng 5, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tiến hành cuộc họp kín về Venezuela theo yêu cầu của Mỹ. Khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẳng định Washington chỉ muốn nâng cao nhận thức về tình hình ở Venezuela và không tìm kiếm bất kỳ hành động nào từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.(thanhnien)
-------------------

Căng thẳng Lào - Campuchia: Lào tuyên bố sẽ rút quân

Lào đã đạt được thỏa thuận rút quân khỏi biên giới chung với nước láng giềng phía nam sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen đích thân đến Vientiane để họp khẩn.

binh linh campuchia di chuyen o phnom penh ngay 12-8 - anh: afp

Binh lính Campuchia di chuyển ở Phnom Penh ngày 12-8 - Ảnh: AFP

Reuters đưa tin ông Hun Sen bay sang và gặp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong ngày 12-8. Trong cuộc họp báo chung sau đó được truyền trực tiếp trên trang Facebook của ông Hun Sen, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết “tôi đã ra lệnh các cơ quan chức năng liên quan rút quân tại khu vực biên giới trước sáng mai”.

Căng thẳng giữa hai nước leo thang khi ông Hun Sen ngày 11-8 điều động binh lính, pháo và xe tải đến biên giới Lào và ra tối hậu thư để các binh lính Lào xâm phạm lãnh thổ Campuchia phải rút trước 17-8. Ông thậm chí đe dọa động binh nếu Lào không rút quân.

Ông Thongloun Sisoulith không đề cập đến việc Lào đưa quân vào Campuchia, nói rằng 30 binh sĩ của nước này đi vào tỉnh Stung Treng hồi tháng 4-2017. “Dù sao thì cuộc thảo luận hôm nay cũng rất thân tình và rõ ràng, rằng khu vực đó không nên dẫn đến đối đầu giữa các lực lượng” - Thủ tướng Lào cho biết.

Một số quan chức ngoại giao Lào cho biết khu vực biên giới này là tâm điểm căng thẳng thời gian qua khi phía Lào muốn nước láng giềng ngừng khai hoang để làm đường và cho phép ban thanh tra chung của cả hai nước kiểm tra.

“Thành công lớn nhất của chúng ta là không có tranh cãi nào không thể giải quyết. Mới đây thôi tôi cũng đã yêu cầu tất cả binh lính được điều động hôm qua trở về vị trí cũ” - ông Hun Sen nói tại buổi họp báo. Thủ tướng Campuchia cho biết ủy ban biên giới của cả hai nước sẽ bắt đầu làm việc một khi binh lính rút lui.

Năm 2011, tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền Preah Vihear nằm ở khu vực biên giới dẫn đến cảnh hai bên đấu súng dữ dội, kết quả khiến 28 người thiệt mạng.

Tháng 11-2013, một tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết khu đất quanh ngôi đền Preah Vihear thuộc về Campuchia và yêu cầu Thái Lan rút lực lượng ra khỏi đó.(Tuoitre)
--------------------

Ấn Độ bất ngờ tăng quân dọc biên giới với Trung Quốc

Tờ Press Trust of India (PTI) dẫn nguồn tin từ các quan chức chính phủ cấp cao ngày 11-8 cho biết trong một động thái mang tính chiến lược, Ấn Độ đã triển khai thêm quân tới khu vực biên giới giữa nước này với Trung Quốc ở khu vực Sikkim và Arunachal Pradesh để đối phó Bắc Kinh.

Các quan chức giấu tên cho hay “mức cảnh giác” cho các binh sĩ Ấn Độ cũng đã được ban bố. Quyết định tăng quân dọc biên giới Trung-Ấn từ Sikkim tới Arunachal Pradesh được thực hiện sau khi New Delhi tiến hành một cuộc phân tích chi tiết về tình hình và xem xét động thái hung hăng của Trung Quốc ở cao nguyên Dokalam, theo các quan chức trên.

“Mức cảnh báo dọc biên giới với Trung Quốc ở khu vực Sikkim và Arunachal Pradesh đã được nâng lên” - PTI dẫn lời các quan chức. Quân đoàn số 33 thuộc Lục quân Ấn Độ ở Sukna cùng các Quân đoàn số 3 và Quân đoàn số 4 tại Arunachal Pradesh và Assam đã được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới Trung-Ấn ở khu vực Đông Bắc.

cac khu vuc quanh cao nguyen dokalam, noi cang thang trung-an tang nhiet hon bay tuan qua.

Các khu vực quanh cao nguyên Dokalam, nơi căng thẳng Trung-Ấn tăng nhiệt hơn bảy tuần qua.

Các quan chức trên từ chối cung cấp số lượng binh sĩ hay phần trăm triển khai trong động thái mới nhất. Họ nói rằng họ không thể cung cấp “chi tiết hoạt động”. Theo các chuyên gia quốc phòng, có khoảng 45.000 binh sĩ Ấn Độ hiện chính thức được đặt trong tình trạng sẵn sàng dọc biên giới.

Tuy nhiên, các quan chức trên cho biết Ấn Độ không hề tăng quân ở khu vực Dokalam, điểm nóng trong căng thẳng Trung-Ấn hơn bảy tuần qua. Hiện có khoảng 350 binh sĩ Ấn Độ có mặt trong khu vực để đối phó phía Trung Quốc.

Hai khu vực Sikkim và Arunachal Pradesh có vị trí chiến lược vì nằm giữa hai khu vực này là Bhutan. Đồng thời Sikkim lại nằm gần với một khu vực có vị trí quan trọng khác mà Ấn Độ gọi là “cổ gà”. Khu vực này nối một bên phía Tây Ấn Độ (thân gà) với các bang Đông Bắc (đầu gà).

Ấn Độ lo ngại nếu Trung Quốc tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào cao nguyên Dokalam, sau đó qua Sikkim và chiếm khu vực “cổ gà” trên thì khu vực Đông Bắc Ấn Độ sẽ bị cô lập và rơi vào thế nguy hiểm.

Căng thẳng ở cao nguyên Dokalam tăng nhanh khi Trung Quốc đi vào khu vực này tiến hành xây một con đường hôm 16-6. Cao nguyên Dokalam hiện là đối tượng tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Phía Ấn Độ và Bhutan đã yêu cầu Bắc Kinh trả lại hiện trạng ở khu vực này.(PLO)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý tối 12-08-20172

    Tin thế giới đáng chú ý tối 12-08-2017

    Nhật Bản lại gióng chuông báo động “mối đe dọa” từ Trung Quốc; Nga tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Balkan; Nga quan ngại việc Mỹ xây trung tâm tác chiến hải quân tại Ukraine; Liên quân Mỹ đẩy mạnh các chiến dịch tại Iraq và Syria

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 12-08-20173

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 12-08-2017

    Trung Quốc cảnh báo 10 lần khi tàu Mỹ tuần tra sát đá Vành Khăn; Nga "chơi khó" Trung Quốc bằng bán vũ khí sang châu Á; Hàn Quốc chuẩn bị đối phó chiến tranh

Bài cùng chuyên mục