Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý trưa 13-08-2017

  • Cập nhật : 13/08/2017

Bắc Kinh ra kế hoạch xây lò hạt nhân nổi trên Biển Đông

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch nhằm tăng cường năng lực hạt nhân trên biển của nước này thông qua việc thành lập một dự án liên doanh mới.

mot gian khoan khi dot cua trung quoc tai bien dong - anh: xinhua

Một giàn khoan khí đốt của Trung Quốc tại Biển Đông - Ảnh: Xinhua

Theo báo South China Morning Post, với dự án này, chính quyền Bắc Kinh dự tính phát triển các lò phản ứng hạt nhân nổi ở Biển Đông và những nơi khác.

Ngày 10-8 Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc công bố sẽ thành lập công ty mới với số vốn đăng ký 1 tỉ nhân dân tệ (150 triệu USD).

Đây là công ty liên doanh giữa Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc với Công ty điện lực Zhejiang Zheneng, tập đoàn Shanghai Guosheng, tập đoàn đóng tàu Jiangnan Shipyard và công ty điện lực Shanghai Electric.

Trong thông báo của Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc, cơ quan này cho biết việc thành lập công ty liên doanh mới nhằm mục tiêu tăng cường năng lực điện hạt nhân của Trung Quốc để đáp ứng những tham vọng “trở thành cường quốc mạnh về biển”.

Bản thông báo của Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc không nói rõ các công nghệ điện hạt nhân này sẽ được sử dụng như thế nào và ở đâu, nhưng giới quan sát cho rằng chắc chắn chúng sẽ được triển khai ở những khu vực như Biển Đông.

Trong một thông báo khác, tập đoàn điện lực nhà nước của Trung Quốc cũng nói công ty liên doanh mới thành lập sẽ hướng tới việc phát triển các loại tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ông Wang Yiren, phó giám đốc Cục Khoa học Công nghệ và Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND), đầu năm nay từng nói việc mở rộng năng lực về năng lượng hạt nhân của Trung Quốc là một phần trọng yếu trong kế hoạch 5 năm của nước này.

Theo đó Trung Quốc tuyên bố sẽ ưu tiên phát triển các nền tảng sản xuất điện hạt nhân nổi để hỗ trợ các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi của họ và tiếp tục phô trương sức mạnh ở Biển Đông.

Năm ngoái báo China Securities Journal cho biết Trung Quốc có thể xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để “thúc đẩy phát triển thương mại” ở Biển Đông.(Tuoitre)
--------------------------------

Nga bán Su-35 cho Indonesia: Cơ hội không cầu mà có

Indonesia và Nga vừa đạt thỏa thuận về một thương vụ rất đặc biệt với giá trị kinh tế lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng. 

tiem kich su-35 reuters

Tiêm kích Su-35 REUTERS

Theo đó, Nga cung cấp cho Indonesia 11 chiếc tiêm kích Su-35 để đổi lấy hàng hóa như dầu dừa, cà phê... Thỏa thuận được ký kết bởi 2 tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước là Rostec (Nga) và PT Perusahaan Perdagangan của Indonesia.

Chuyện nước này mua thiết bị quân sự của nước kia và cả chuyện đổi hàng hóa lấy vũ khí xưa nay không có gì lạ. Tuy nhiên, thương vụ nói trên lại rất đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay. Indonesia đang muốn tăng cường xuất khẩu trong khi trao đổi thương mại giữa nước này với Nga lại tăng trưởng chậm chạp. Trong khi đó, vì vấn đề Ukraine và trong thực chất là cả chuyện can thiệp quân sự vào Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad mà Nga bị phương Tây áp đặt cấm vận, trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính.

Tình cảnh khó khăn của Nga là cơ hội không cần cầu mà có được đối với Indonesia để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita không giấu giếm điều này khi cho rằng chính những biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU và một số nước khác là “cơ hội cho Indonesia thúc đẩy trao đổi thương mại với Nga vốn suy giảm từ 2012”.

Ở chiều ngược lại, ý muốn của phía Jakarta cũng là cơ hội không cầu mà có đối với Moscow. Những đối tác thương mại như Indonesia giúp Nga tháo gỡ khó khăn, vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt nói trên, đồng thời phân hóa họ với Mỹ và EU.(Thanhnien)
----------------------------

Thủy quân lục chiến Mỹ dừng toàn bộ máy bay để kiểm tra

Thủy quân lục chiến ngưng khai thác lực lượng máy bay để kiểm tra an toàn sau hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng gần đây.

Sau hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng gần đây, ngày 11-8, tướng Robert B. Neller, chỉ huy quân chủng thủy quân lục chiến, chỉ đạo ngưng khai thác lực lượng máy bay của quân chủng để kiểm tra an toàn.

Công tác kiểm tra sẽ tiến hành trong hai tuần và các máy bay sẽ phải không ngừng khai thác cùng lúc để giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động quân sự của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng nhiều nơi thế giới đang rất cao, đặc biệt ở bán đảo Triều Tiên.

Máy bay của thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh trên boong tàu đổ bộ tấn công Bonhomme Richard của Mỹ đậu tại Úc hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS
Máy bay của thủy quân lục chiến Mỹ hạ cánh trên boong tàu đổ bộ tấn công Bonhomme Richard của Mỹ đậu tại Úc hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Từng đơn vị máy bay sẽ tự quyết định thời gian ngừng hoạt động để kiểm tra. Các đơn vị gần các điểm nóng chiến tranh và có nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh có thể sẽ được kéo dài thời gian kiểm tra.

Ngày 5-8, máy bay vận tải đổ bộ cánh quạt MV-22 Osprey rơi xuống Thái Bình Dương gần Úc, hiện vẫn còn ba người mất tích và khả năng đã chết. Trước đó ngày 10-7, máy bay vận tải KC-130T rơi ở Mississippi (Mỹ) làm 16 quân nhân thiệt mạng.

Những năm gần đây tình trạng tai nạn hàng không trong quân đội Mỹ gia tăng. Một số nghị sĩ Mỹ và tư lệnh quân đội cho rằng do chi phí bị cắt giảm khiến quân đội không đủ tiền bảo dưỡng.(PLO)
-------------------------

Nhà ngoại giao Canada tại Cuba bị mất thính lực bí ẩn

Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada đã xác nhận ít nhất một nhà ngoại giao nước này tại Cuba đã được điều trị chứng nhức đầu và mất thính lực giống các nhân viên ngoại giao Mỹ.

Bà Brianne Maxwell, người phát ngôn Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada ngày 10.8 thông báo một nhà ngoại giao và gia đình đã bị mắc các triệu chứng nêu trên và đã được điều trị, theo đài CBC. Tên tuổi và thời điểm điều trị của những người bị ảnh hưởng không được tiết lộ, tuy nhiên thông tin được đưa ra ngay sau khi chính quyền Mỹ thông báo một số nhà ngoại giao nước này tại Havana "bị một số thiết bị bí ẩn" gây ảnh hưởng đến sức khỏe và mất thính lực nghiêm trọng.

Bà Maxwell cho biết chính quyền Canada đang phối hợp với phía Mỹ và Cuba để xác định nguyên nhân vụ việc. Trong khi đó, bà nói rằng không có tín hiệu nào cho thấy du khách Canada và các nước tại Cuba gặp những vấn đề tương tự.

AP ngày 9.8 đưa tin chính quyền Mỹ sau nhiều tháng điều tra đã xác định những nhân viên ngoại giao nước này ở Havana đã "bị tấn công bằng một thiết bị phát ra âm thanh ngoài dải tần mà con người có thể nghe được". Chính quyền Mỹ biết về thông tin này từ cuối năm 2016. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thông báo Washington đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba vào hôm 23.5 và cho rằng Havana có trách nhiệm bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ theo Công ước Geneva.

Cuba ngày 9.8 gọi hành động của Mỹ là vô lý nhưng cũng khẳng định chính quyền nước này đang điều tra vụ việc. Đối với trường hợp của Canada, một quan chức Bộ Các vấn đề toàn cầu giấu tên tiết lộ nước này chưa tính đến việc trả đũa và nhận định còn quá sớm để kết luận Havana đứng sau những sự cố trên.(Thanhnien)

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục