Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý 09-12-2017

  • Cập nhật : 08/12/2017

F-35 bắn hạ tên lửa liên lục địa Triều Tiên được không?

Quân đội Mỹ dự tính giao cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 nhiệm vụ mới là phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của CHDCND Triều Tiên.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đang nghiên cứu ý tưởng sử dụng chiến đấu cơ tàng hình F-35 nhằm tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của CHDCND Triều Tiên ngay khi được phóng lên, theo tạp chí Aviation Week.

Theo kịch bản được vạch ra, sau khi một ICBM rời bệ phóng từ Triều Tiên, chiếc F-35 sẽ nhanh chóng dò tìm và phóng tên lửa không đối không tầm trung cải tiến (AMRAAM) AIM-120 để hạ gục mục tiêu ngay trong giai đoạn đầu của hành trình bay.

Ngày 5.12, hãng sản xuất quốc phòng Northrop Grumman tổ chức cuộc họp báo để công bố kết quả thử nghiệm của hệ thống mới này. Theo đó, hệ thống cảm biến của máy bay F-35 sẽ phát hiện tên lửa đối phương sau đó dùng thuật toán vẽ ra quỹ đạo di chuyển của tên lửa.

Dữ liệu này sau đó được chuyển vào hệ thống chung gọi là Link 16, cho phép chiếc F-35 đó hoặc các hệ thống tên lửa mặt đất như THAAD hay Patriot tiếp nhận và phóng tên lửa tiêu diệt.

viec su dung f-35 de phat hien va tieu diet icbm duoc danh gia la khong kha thi va ton kemkhong quan my

Việc sử dụng F-35 để phát hiện và tiêu diệt ICBM được đánh giá là không khả thi và tốn kémKHÔNG QUÂN MỸ

Hạ nghị sĩ Duncan Hunter, thành viên Ủy ban quân vụ hạ viện Mỹ ủng hộ ý tưởng này và cho rằng việc đánh chặn này giống như “hành động của Chúa”. “Các bạn có F-35, các bạn có AMRAAM nên các bạn có thể bắn rơi những tên lửa đó ngay khi nó bay lên”, ông Hunter phát biểu tại hội nghị phòng thủ tên lửa ở Washington D.C hồi tháng 11.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng giải pháp này khó có thể mang lại hiệu quả. Một tên lửa AMRAAM được điều khiển hướng bằng khí động lực và cần không khí để thực hiện thao tác này. Do đó, chiếc F-35 phải nhanh chóng tiêu diệt ICBM trước khi tên lửa này bay ra khỏi bầu khí quyển. Vì vậy, chiếc F-35 chỉ có vài phút để phát hiện và bắn tên lửa đánh chặn.

“ Những yếu tố này bắt buộc bạn phải ở thật gần nơi phóng tên lửa. Làm sao mà F-35 có thể bay ở đó (Triều Tiên) một cách an toàn được?” chuyên gia tên lửa Laura Grego thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ (UCS) nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia hạt nhân Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu quốc tế (Mỹ) bình luận rằng ngoài những nguy cơ khi cho máy bay hoạt động gần Triều Tiên, việc phát hiện trước địa điểm nước này sẽ phóng ICBM cũng là một khó khăn.

“Họ có những giàn phóng di động có thể ngụy trang và phóng ICBM nhanh chóng nên sẽ rất khó để đoán đâu là nơi vụ phóng xảy ra. Bạn phải rất may mắn mới phát hiện được”, ông Lewis nói.

Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như F-35 cần tái nạp nhiên liệu sau vài giờ tuần tra, do đó sẽ cần thêm máy bay tiếp nhiên liệu trên không, khiến chi phí tăng cao.

Mỹ hiện có 16 chiếc F-35 đồn trú tại Nhật Bản. Theo ước tính, mỗi ngày tuần tra của 16 chiếc máy bay này sẽ tốn 3 triệu USD tiền nhiên liệu và một số phụ phí khác. Như vậy, một năm tuần tra sẽ mất hàng tỉ USD nhưng cơ hội bắn được tên lửa Triều Tiên là cực kỳ nhỏ. (Thanhnien)
-------------------------

Đâu là “Gót chân Asin” của không quân Trung Quốc?

“Gót chân Asin” của không quân Trung Quốc được xác định là thiếu kinh nghiệm thực tế trong cả môi trường chiến đấu và hoạt động xa biên giới.

Theo tạp chí Diplomat, xét về hiện tại, không quân Trung Quốc hoàn toàn có đủ năng lực để làm công tác quốc phòng trong khu vực. Nhưng một khi lợi ích và trách nhiệm của Trung Quốc ngày càng gia tăng, lực lượng không quân cần chú trọng nâng cao năng lực để có thể điều động nhân sự và máy bay hoạt động ở những khu vực cách xa biên giới lãnh thổ trong thời gian dài.

du so huu so luong dong dao, khong quan trung quoc van con co diem yeu can khac phuc la thieu kinh nghiem hoat dong thuc te.

Dù sở hữu số lượng đông đảo, không quân Trung Quốc vẫn còn có điểm yếu cần khắc phục là thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tế.

Mới đây, bản báo cáo của công ty nghiên cứu RAND chỉ ra rằng, dù không quân Trung Quốc đã tăng cường tiến hành các cuộc diễn tập điều động lực lượng tới những khu vực xa xôi dài ngày, nhưng năng lực vẫn còn hạn chế và đứng sau không quân Mỹ cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác.

Trên thực tế, năng lực viễn chinh của không quân Trung Quốc đã ghi nhận một số điểm cải thiện. Trước hết, Trung Quốc đã đưa các máy bay vận tải hạng nặng thế hệ mới vào biên chế. Động thái này nhằm hỗ trợ hoạt động vận chuyển thiết bị quân sự và binh sĩ phục vụ các chiến dịch dài ngày và tầm xa. Thứ hai, Trung Quốc đã từng bước tăng cường tham gia các cuộc tập trận và diễu binh mang tầm quốc tế. Thứ ba, Trung Quốc đã nhận thức được những điểm yếu kém của lực lượng không quân trong hoạt động cứu trợ nhân đạo trong nước và từng bước khắc phục.

Trái với sự thiếu thực tế của không quân Trung Quốc, không quân Mỹ đã có gần 100 năm trải nghiệm hoạt động điều động sức mạnh quân sự ở nước ngoài nếu như tính cả cuộc xâm lược của Mỹ ở Philippines và trong Thế chiến thứ Nhất. Còn kể từ Thế chiến thứ Hai, không quân Mỹ thường xuyên điều động lực lượng tới những căn cứ không quân nằm trên khắp thế giới nhằm duy trì năng lực phòng thủ hạt nhân, tham gia các cuộc chiến có giới hạn và tiến hành chống khủng bố.

Theo RAND, hiện tại, Trung Quốc chưa đủ năng lực để thực hiện các chiến dịch như trên giống Mỹ kể cả chỉ trong thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, hoạt động bán thiết bị quân sự của Trung Quốc có thể giúp không quân nước này phần nào cải thiện khả năng viễn chinh. Cụ thể, các chương trình chuyển giao thiết bị quân sự nhất là các loại vũ khí tối tân sẽ đòi hỏi Trung Quốc điều động nhân lực tới nước bạn để tham gia hoạt động đào tạo, hướng dẫn sử dụng và bảo dưỡng. Đây chính là cơ hội để binh sĩ Trung Quốc tăng cường tích lũy kinh nghiệm trong quá trình trao đổi với các sĩ quan, cũng như tới thăm các căn cứ quân sự của đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cho xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài mà cụ thể là tại quốc gia Sừng châu Phi Djibouti và Pakistan.

Nhưng trong bối cảnh, lợi ích kinh tế của Trung Quốc ngày càng mở rộng trên thế giới, người dân cũng như tài sản của Trung Quốc càng đứng trước nguy cơ bị chiến tranh, bệnh tật và nhiều mối đe dọa khác rình rập. Đây chính là lý do buộc Trung Quốc tăng cường năng lực cho lực lượng không quân để không chỉ phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo mà còn là công cụ hữu hiệu xử lý các tình huống mang tính chính trị. 

Hiện tại, không quân Trung Quốc đang sở hữu hơn 3.000 máy bay quân sự các loại và gần 400.000 binh sĩ. Dù được xem là một trong những lực lượng không quân lớn nhất thế giới, song khả năng tác chiến của không quân Trung Quốc vẫn bị giới hạn. 

Trong tổng số hơn 3.000 máy bay quân sự, không quân Trung Quốc có tới hơn 2/3 là máy bay chiến đấu như J-10, J-7, J-11, Su-27, Su-30 và Su-35.

Trong đó, xương sống của các phi đội chiến đấu cơ chỉ có J-10 với khả năng mỗi chiếc mang theo tối đa 7 tấn vũ khí nhưng phạm vi chiến đấu chỉ trong bán kính hơn 500 km. Nói cách khác, J-10 chỉ thể hoạt động hiệu quả trong và ra xa hơn chuỗi đảo thứ nhất một chút song khó có thể tiếp cận chuỗi đảo thứ hai nếu như không được tiếp vận trên không. 

Bên cạnh đó, không quân Trung Quốc vẫn thiếu hụt các loại máy bay ném bom tầm xa khi mới chỉ sở hữu một dòng máy bay ném bom tầm xa duy nhất là H-6. Tuy nhiên, phạm vi chiến đấu hiệu quả của H-6 cũng chỉ khoảng 6.000 km. (Infonet)
---------------------------------------------

Trao “sát thủ” BrahMos cho Việt Nam, Ấn Độ tăng cường chiến lược mới

Ấn Độ có chiến lược của riêng mình, mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho Việt Nam.

thu tuong an do narendra modi. anh: udn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: UDN.

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 4/12 cho rằng Ấn Độ đang gia tăng mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, nơi mà họ coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình. 
Vừa qua, không quân Ấn Độ đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Trong tương lai, những tên lửa này sẽ trang bị cho khoảng 40 máy bay chiến đấu triển khai ở phía đông và tây Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cũng đang chế tạo tàu sân bay. 
Ấn Độ tìm cách xây dựng được thể chế để có thể tác chiến trên hai mặt trận. Ấn Độ ngày càng ý thức mạnh hơn về nguy cơ quân đội Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, do đó đang mở rộng phòng tuyến đến eo biển Malacca.
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos vừa được phóng thử nghiệm vào ngày 22/11, tại vịnh Bengal, phương tiện phóng là máy bay chiến đấu Su-30. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên biển theo quỹ đạo dự định.
Tên lửa BrahMos nổi tiếng với độ chính xác cao, đã bắn thử ở trên bộ và trên tàu chiến. Su-30 phóng thành công tên lửa BrahMos vừa qua là lần phóng đầu tiên. 
Ấn Độ khẳng định: "Năng lực tác chiến của Ấn Độ đã được tăng cường vượt bậc, có thể ngăn chặn hành động quân sự liều lĩnh của đối phương. Trong tương lai sẽ lắp cho khoảng 40 máy bay chiến đấu Sukhoi”.
Theo một nguồn tin khác, tầm bắn của tên lửa hành trình siêu âm Brahmos có thể bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương. Nếu phóng ở căn cứ trên quần đảo Andaman - Nicobar thì có thể bao trùm lên eo biển Malacca.
ngay 22/11/2017, may bay chien dau su-30 an do phong thu thanh cong ten lua hanh trinh sieu am brahmos. anh: guancha.

Ngày 22/11/2017, máy bay chiến đấu Su-30 Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Ảnh: Guancha.

Ấn Độ hoàn toàn không công bố địa điểm triển khai, nhưng đa số quan điểm cho rằng tên lửa BrahMos sẽ được triển khai ở quần đảo Andaman - Nicobar, phía đông Ấn Độ Dương, ở Visakhapatnam – bên bờ vịnh Bengal và ở bang Gujarat - phía tây của biển Ả rập.
Ấn Độ sở dĩ tăng cường khả năng quân sự áp sát eo biển Malacca là do lo ngại Trung Quốc thông qua tuyến đường này để thâm nhập vào Ấn Độ Dương. 
Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 và nửa cuối năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã lần lượt xuất hiện khoảng 3 tháng ở Ấn Độ Dương, đồng thời đã cập cảng của Sri Lanka, láng giềng lân cận của Ấn Độ. 
Mùa hè năm 2017, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra đối đầu ở khu vực biên giới – khu vực Doklam. Khi đó nhiều tàu chiến của Trung Quốc trong đó có tàu ngầm đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương.
Để tăng cường quyền kiểm soát biển ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ đang thúc đẩy chế tạo tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant. Do tháng 3/2017 có một tàu sân bay nghỉ hưu, Ấn Độ hiện chỉ còn một chiếc tàu sân bay, nhưng tàu sân bay INS Vikrant sẽ bắt đầu hoạt động trong vài năm tới, hình thành 2 biên đội tàu sân bay, có khả năng đồng thời tiến hành tác chiến trên hai phương hướng chính với Trung Quốc và Pakistan.
Các động thái tăng cường quân bị trên không, trên biển của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương là một mắt khâu trong "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" do 4 nước Nhật - Mỹ - Australia - Ấn đưa ra nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của các nước trong vấn đề bảo đảm an ninh khu vực vẫn tồn tại sự khác biệt.
Ngày 12/11, Ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã tổ chức hội nghị 4 bên tại Manila, tiến hành bàn bạc hợp tác bảo đảm tự do và an ninh hàng hải của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. 10 năm trước, 4 nước này cũng đã từng tổ chức một hội nghị bàn về hợp tác an ninh. Sau khi kết thúc hội nghị, các nước đã ra tuyên bố chung. 
Giáo sư Srikanth Kondapali, Đại học Nehru Ấn Độ cho rằng: "Nhật Bản, Mỹ và Australia hầu như hoàn toàn đạt được nhất trí trong 9 nội dung chủ yếu có liên quan đến chiến lược này như bảo vệ trật tự pháp lý và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng tuyên bố của Ấn Độ không đề cập đến 3 nội dung trong đó có bảo đảm an ninh hàng hải, đã cho thấy sự khác biệt về quan điểm".
Ấn Độ cũng không trao đổi với Mỹ về chính sách an ninh liên quan đến phóng thử thành công tên lửa BrahMos lần này. Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Nhưng Mỹ sẽ không để cho Ấn Độ làm xáo trộn kế hoạch an ninh khu vực do họ đóng vai trò chủ đạo.
Nhìn vào bề ngoài, Ấn Độ tham gia hợp tác 4 nước, duy trì thống nhất về hành động, nhưng trên thực tế Ấn Độ lại ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng "chiến lược Ấn Độ Dương" của riêng mình. "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" chẳng qua là một tuyến mở rộng của chiến lược này.(Viettimes)
--------------------------

S-400 Trung Quốc không thể thay đối cục diện

Bất chấp việc được phương Tây đánh giá cao khi S-400 có mặt trong lực lượng phòng không Trung Quốc, Nhật cho rằng vũ khí này không thể thay đổi được gì.

Nhận định trên được chuyên gia J. Michael Cole nói đến trong bài viết trên Tạp chí Diplomat mới đây sau khi Nga tuyên bố sẽ sớm chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc.

Theo Giám đốc điều hành tập đoàn Rostec của Nga, ông Sergey Chemezov, Moscow sẽ sớm bắt đầu công tác chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của báo giới, ông Chemezov nêu rõ: "Trong tương lai gần. Hiện công tác sản xuất đang được tiến hành. Mọi thứ đang diễn ra đúng như trong hợp đồng".

he thong s-400.

Hệ thống S-400.

Ngay khi thông tin này được công bố, chuyên gia J. Michael Cole đã có phân tích khá thú vị và cho rằng, mối nguy hiểm với các nước láng giềng khi Trung Quốc sở hữu hệ thống S-400 là khá rõ, tuy nhiên theo vị chuyên gia này, không nên quá lo ngại và vội coi S-400 là vũ khí thay đổi cục diện chiến đấu.

Theo phân tích của J. Michael Cole, mặc dù cả Nga và Trung Quốc chuẩn bị được tiếp nhận vũ khí tối tân này nhưng hiện vẫn chưa rõ Nga cung cấp cho khách hàng này loại tên lửa nào.

Theo giới thiệu của tập đoàn quốc phòng Rosoboronexport (Nga), hiện nay trong thành phần của tổ hợp phòng không S-400, có tên lửa tầm xa 40N6 có tầm bắn theo thiết kế là 400km. Nhưng loại tên lửa tầm xa 40N6 có được bán cho Trung Quốc hay không vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Ngoài tên lửa 40N6 còn có tên lửa tầm trung 48N6, với tầm bắn tối đa 250km.

Trong khi đó, chuyên gia Roger Cliff thuộc Viện Project 2049 cũng cho rằng, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc bố trí tất cả các tổ hợp S-400 ngay dọc bờ biển và biên giới nước này thì dù Moscow có đồng ý bán tên lửa 40N6, các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cũng khó mà bao phủ toàn bộ các thành phố và khu vực mà bài báo đề cập.

Theo Roger Cliff, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cách bở biển Trung Quốc 200 hải lý về phía đông (xấp xỉ 370km) nên nó nằm ngay sát giới hạn tầm bắn tối đa của tên lửa 4N06.

Để bao phủ không phận đảo Đài Loan, Trung Quốc, hệ thống S-400 phải được trang bị tên lửa tầm xa 40N6 và chúng phải được triển khai dọc bờ biển tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc triển khai theo phương án này sẽ khiến S-400 phải chịu những hạn chế lớn, theo Roger Cliff.

Roger Cliff tiết lộ, trước đây, một trạm radar được bố trí sát bờ biển không thể quan sát được bất cứ mục tiêu nào ở tầm cao dưới 3,6 km, cách xa 250km. Vị chuyên gia này lý giải, đó là một quy luật vật lý đơn giản – trái đất hình cầu.

Để tăng khả năng phát hiện mục tiêu, hệ thống cần được chuyển vào sâu hơn trong đất liền và phải được đặt trên địa hình cao. Tuy nhiên, một hạn chế khác là sức tấn công của các tên lửa đất đối không khi đạt tới tầm bắn tối đa, đặc biệt để tiêu diệt các mục tiêu cơ động.

Nếu khoảng cách lớn nhất tên lửa 48N6 có thể bay tới là 250km, cơ hội bắn hạ thành công mục tiêu ở khoàng cách đó rất thấp, trừ khi các mục tiêu đều bay thẳng và luôn ở một độ cao nhất định trong toàn bộ thời gian hành trình.

Trong khi đó, với tên lửa 4N06 sẽ không những gặp phải những vấn đề tương tự mà còn tạo ra một loạt các vấn đề mới. Một trong số đó là sự đe dọa đối với máy bay Bắc Kinh nếu xảy ra đụng độ khi S-400 bao phủ toàn bộ không phận đảo Đài Loan, Trung Quốc.

Vì vậy, để đảm bảo S-400 không bắn nhầm quân mình, Trung Quốc sẽ phải “tuân theo một hành lang ra vào được định trước” trong vùng tác chiến của tên lửa kéo dài nhưng không vượt khỏi đường trung tuyến phân chia là eo biển Đài Loan.

Ngoài ra, để đương đầu với chiến đấu cơ của hòn đảo này, máy bay của Không quân Trung Quốc cần phải được tự do cơ động. Trong khi đó, điều này sẽ khiến radar Trung Quốc gặp nhiều khó khăn để nhận diện địch - ta.

Từ những phân tích trên, Cliff đặt câu hỏi: "Liệu quân đội Trung Quốc (PLA) có thật sự muốn những tên lửa đất đối không nguy hiểm này bay trong không phận có sự hiện diện của các chiến đấu cơ Trung Quốc không?".

Vị chuyên gia này cho phân tích thêm: "Điều đó có nghĩa, các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400 hay HQ-9 sẽ không tấn công các mục tiêu nằm ngoài một khoảng cách nhất định từ bờ biển Trung Quốc”.

Điều đó cũng chỉ ra rằng S-400 sẽ được sử dụng cho mục đích phòng thủ hơn là phong tỏa, tấn công không phận của các quốc gia khác hay trong các khu vực tranh chấp. (Baodatviet)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý 07-12-20172

    Tin thế giới đáng chú ý 07-12-2017

    Nhật muốn trang bị tên lửa tầm xa có thể bắn tới Triều Tiên; Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?; Hàn Quốc chuẩn bị lập đội 'robot bay' tấn công Triều Tiên; Anh phá âm mưu ám sát Thủ tướng Theresa May bằng dao, bom tự sát

  • Tin thế giới đáng chú ý 05-12-20173

    Tin thế giới đáng chú ý 05-12-2017

    Chuyên gia Nga: "Cánh cửa tương tác Mỹ - Nga sẽ bị đóng lại"; Nga sẵn sàng nếu xảy ra chiến tranh Triều Tiên; Trung Quốc tập trận "lạ" ở khu vực gần Triều Tiên; Trung Quốc sản xuất hàng loạt tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn nhằm mục đích gì?

Bài cùng chuyên mục