Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
Nhật và Ấn Độ phối hợp đối phó Trung Quốc
- Cập nhật : 02/04/2017
Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 1-4, hai chuyên gia Tan Ming Hui và Nazia Hussain ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định:
Nhật và Ấn Độ sẽ hưởng lợi trong quá trình hợp tác chặt chẽ hơn nhằm củng cố vai trò khu vực bởi hai nước cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược và an ninh tương đồng.
Nhật và Ấn Độ sẽ cạnh tranh với Trung Quốc (TQ) trong các lĩnh vực như hợp tác về biển Đông, viện trợ ODA và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Hai nước không tham gia tranh chấp ở biển Đông nhưng đều chủ trương bảo vệ tự do hàng hải, ủng hộ giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và đều có lợi ích thương mại và chiến lược trong vùng biển tranh chấp.
Nhật đã tăng cường thực hiện cam kết bằng cách cung cấp hỗ trợ năng lực hàng hải cho các nước thành viên ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines. Nhật cũng dự kiến đưa tàu sân bay trực thăng Izumo đi qua biển Đông trong ba tháng trước khi tham gia tập trận với Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7 tới.
Trong khi đó, Ấn Độ đã xúc tiến thành công chiến lược “Hành động hướng Đông” dựa trên tính chất kết nối và thúc đẩy thương mại với ASEAN và vùng Viễn Đông Thái Bình Dương.
Nói chung, Ấn Độ đang mở rộng vai trò để bảo đảm một trật tự hàng hải khu vực ổn định. Ấn Độ ngày càng thúc đẩy cam kết với các nước như Nhật, Việt Nam và Philippines, đồng thời ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về biển Đông. Tàu hải quân Ấn Độ đã gia tăng sự hiện diện ở biển Đông. Ấn Độ cũng đã hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí cũng như đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam.
Nhật và Ấn Độ lo ngại tình hình địa-chính trị khu vực bất ổn như Mỹ có thể giảm cam kết ở châu Á-Thái Bình Dương trong khi TQ tiếp tục thúc đẩy tham vọng.
Chuyên gia Gregory Poling đánh giá TQ xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo ở Trường Sa của Việt Nam với ý đồ bảo đảm sự hiện diện thường trực nhằm thiết lập chế độ quản lý chính quyền trên biển Đông. Ông ghi nhận đến thời điểm nào đó, các tàu đánh cá, tàu cảnh sát biển hay tàu thăm dò dầu khí muốn hoạt động đều phải được TQ cho phép.
GS Alex Chiang ở ĐH Quốc gia Chính Đại (Đài Bắc) ghi nhận TQ chuẩn bị phân định khu vực cho các tàu cá hoạt động, lúc đó các tàu cá nước ngoài bắt buộc phải xin phép TQ trước khi hoạt động, điều này đồng nghĩa các nước đều phải tuân theo luật của TQ.
Trong bối cảnh đó, để tránh vấp phải phản ứng từ TQ, Nhật và Ấn Độ đã chọn giải pháp tập trung cam kết về kinh tế-xã hội khu vực và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hai nước tiếp tục thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối để bảo vệ lợi ích chung. Ví dụ, Nhật đã cam kết đầu tư 1 tỉ USD xây dựng đường sá ở vùng Đông Bắc Ấn Độ nhằm kết nối Ấn Độ với Bangladesh và Myanmar.
D.THẢO
Theo Plo.vn