Tin Biển Đông

 
 
 

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31: Bước tiến mới của COC

  • Cập nhật : 14/11/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba trọng tâm hợp tác mà ASEAN phải tập trung trong thời gian tới

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 khai mạc tại thủ đô Manila - Philippines hôm 13-11 tập trung thảo luận các vấn đề như tình hình biển Đông, mối đe dọa Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thương mại, quyền của người lao động di cư...

Những mối đe dọa "không ranh giới"

Với 10 hội nghị chính thức bao gồm các hội nghị giữa ASEAN với các đối tác, lãnh đạo các nước ASEAN còn thảo luận các nội dung về xây dựng cộng đồng; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế và định hướng hợp tác tiếp theo. Ngoài ra, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31, lãnh đạo các nước sẽ thông qua nhân sự mới cho vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2018-2022. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo của 9 nước thành viên ASEAN còn lại, cùng các lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham dự phiên khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Rodrigo Duterte cho rằng đây là cơ hội tốt để các thành viên ASEAN và những đối tác thảo luận về nhiều vấn đề khu vực, quốc tế quan trọng. Theo báo The Straits Times, Tổng thống Duterte cũng lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan bạo lực, xem đây là những mối đe dọa "không ranh giới". Nhà lãnh đạo Philippines cũng nói về mối đe dọa của nạn cướp biển và tội phạm ma túy nhưng lại không nhắc đến tình hình biển Đông.

Tuy nhiên, vấn đề nóng này vẫn được nói đến nhiều tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao ASEAN sau đó. Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các văn kiện của hội nghị lần này phản ánh đầy đủ các nguyên tắc, lập trường như thể hiện tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 8 vừa qua tại Manila, trong đó có bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế... 

Thủ tướng cũng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi và ràng buộc pháp lý.

cac nha lanh dao asean tai hoi nghi hom 13-11 anh reuters

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị hôm 13-11 Ảnh REUTERS

 

Hợp tác thực chất hơn

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba trọng tâm hợp tác mà ASEAN phải tập trung trong thời gian tới. Trước hết, ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những cái chung. Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong cộng đồng. Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế của mình trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Cũng phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng ASEAN cần đoàn kết trong việc giải quyết vấn đề biển Đông, trong lúc hoan nghênh nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau. Trong cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm tới, theo ông Lý Hiển Long, Singapore sẽ nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc và thực chất hơn giữa ASEAN và Trung Quốc về biển Đông.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc hôm 13-11, các nhà lãnh đạo đồng ý khởi động quá trình thương lượng xây dựng COC. Trước thềm hội nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho biết các cuộc đàm phán về COC có thể bắt đầu trong năm 2018.

Đề cập vấn đề biển Đông, bản dự thảo tuyên bố của Chủ tịch ASEAN được nước chủ nhà đưa ra tại hội nghị lặp lại những câu chữ được sử dụng trong những tuyên bố trước đó, như kêu gọi "giải quyết hòa bình các tranh chấp", "tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao", "không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực"... 

Về tình hình Triều Tiên, dự thảo cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Bình Nhưỡng "phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân và hóa học". Tuyên bố thúc giục Bình Nhưỡng tuân thủ đầy đủ và ngay lập tức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời bày tỏ ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Phát triển cân bằng thương mại Việt - Trung

Ngay sau khi kết thúc phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN hôm 13-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành và địa phương hai bên phối hợp chặt chẽ; nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác; tiếp tục mở rộng và thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, lành mạnh.

Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thúc đẩy đàm phán thực chất để xây dựng COC hiệu lực và hiệu quả; kiểm soát tốt bất đồng, giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng hai bên cần thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, quản lý và kiểm soát tốt bất đồng; duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đại cục phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc ăn sáng làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ba Thủ tướng điểm lại tình hình hợp tác ba bên trong việc triển khai kết quả các thỏa thuận đạt được của Hội nghị Cấp cao Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia -Lào - Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) tại Siem Reap - Campuchia tháng 11-2016...

Lục San


HOÀNG PHƯƠNG
Theo Nld.com.vn

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục