Mỹ yêu cầu các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng là để tăng sức mạnh quân sự, bảo vệ Mỹ trong trường hợp Mỹ đối đầu Trung Quốc hay nước khác.
Chính quyền Trump 'tăng tốc' chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông
- Cập nhật : 01/12/2017
Đầu tuần này, Mỹ đã tiến hành chiến dịch FONOP thứ 4 trên Biển Đông trong năm nay, sau khi tái khởi động chiến dịch này vào tháng 5/2017 sau 7 tháng tạm ngừng. Theo hãng tin Reuters, tàu USS Chafee - tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke - đã thách thức yêu sách biển quá mức của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Theo tin của Reuters, trong đó dẫn lời các quan chức Mỹ, tàu USS Chafee “thực hiện chiến dịch diễn tập thông thường” để thách thức các yêu sách chủ quyền quá mức trên biển. Các yêu sách đó không được nêu cụ thể nhưng có thể bao gồm các yêu cầu của Trung Quốc về việc phải thông báo trước về các chiến dịch tuần tra. Hơn nữa, chiến dịch này, giống như các chiến dịch FONOP trước đó ở Hoàng Sa, nhằm phản đối các đường cơ sở thẳng bất hợp pháp của Trung Quốc xung quanh các đảo mà họ chiếm đóng tại đó. Lầu Năm Góc không bình luận trực tiếp về chiến dịch này nhưng nói rằng Mỹ luôn thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải và sẽ tiếp tục làm vậy. Quân đội Mỹ luôn duy trì quan điểm rằng các chiến dịch của họ được thực hiện trên toàn thế giới, bao gồm các khu vực được các đồng minh tuyên bố chủ quyền và các chiến dịch này không liên quan đến các tính toán chính trị. Mỹ nói rằng họ muốn quốc tế tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào chiến dịch FONOP trên Biển Đông.
Đáp trả chiến dịch này, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai hai máy bay chiến đấu, một trực thăng và các tàu trên mặt nước để “hộ tống” tàu USS Chafee ra khỏi khu vực mà Bắc Kinh gọi là lãnh hải của họ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ nhanh chóng có các bước đi để sửa chữa những sai lầm đó”, và cho biết thêm Trung Quốc sẽ cải tiến hệ thống phòng thủ chống hạm trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo một ngày sau chiến dịch FONOP của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ “tiếp tục tiến hành các biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển của Trung Quốc. Bắc Kinh yêu cầu Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, cũng như chấm dứt các hành động sai trái này”.
Đây là chiến dịch FONOP thứ 4 trong vòng 5 tháng qua và cho thấy chính quyền Trump đang chấp nhận tăng cường tần số thực hiện các chiến dịch này. Sau khi chính quyền Obama khởi xướng chiến dịch trên Biển Đông hồi tháng 10/2015, bắt đầu bằng các hoạt động thách thức quyền kiểm soát của Trung Quốc và các nước yêu sách khác ở quần đảo Trường Sa, Mỹ chỉ tiến hành thêm 3 chiến dịch hồi năm 2016.
Những người chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với chiến dịch FONOP trên Biển Đông cho rằng tần suất không đều đặn và những suy nghĩ rằng các chiến dịch này phụ thuộc vào tình trạng xấu đi trong quan hệ song phương Mỹ-Trung đã làm tổn hại đến tính thiết thực của nó như là công cụ pháp lý. Thậm chí, với việc tăng cường các chiến dịch FONOP trong năm nay, chính quyền Trump vẫn không thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Biển Đông của Mỹ, đó là tiếp tục thờ ơ với các tuyên bố chủ quyền và chủ yếu tập trung vào tự do lưu thông trên biển, trên bầu trời và đảm bảo trật tự và luật pháp quốc tế trong khu vực.
Ngoại trừ chiến dịch FONOP của tàu USS Dewey hồi tháng 5/2017 quanh Đá Vành Khăn bởi đây là chiến dịch đầu tiên trong năm nay, các chiến dịch FONOP sau đó của chính quyền Trump không thu hút nhiều sự chú ý của báo chí. Những người đề xướng các chiến dịch này ở Mỹ đã lập luận rằng chúng không nên bị coi là các sự kiện đáng chú ý mà là thực tế bình thường trên Biển Đông - như một lời nhắc nhở về sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực và cam kết của họ với tự do hàng hải.
Theo “The Diplomat”
Anh Thư (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông