Một số nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đánh giá thực tế khả năng quân sự của Triều Tiên.
UAV - Kho vũ khí sẽ tạo nên bất ngờ của Triều Tiên
- Cập nhật : 15/04/2017
Triều Tiên đã có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa nhưng với số lượng hạn chế và công nghệ chưa hoàn thiện, nó chưa thể đủ sức tạo ra sự "răn đe" với đối phương. Chính kho vũ khí UAV mới là yếu tố tạo ra bất ngờ nếu chiến tranh nổ ra
Triều Tiên đã nghiên cứu phát triển tên lửa tầm xa đạt được những kết quả nhất định. Gần đây, Triều Tiên tự nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đẩy. Đây là những kết quả đáng kính trọng, nhất là trong điều kiện đất nước Triều Tiên bị bao vây cấm vận và nền kinh tế cực kì khó khăn càng cho thấy sự tự cường vĩ đại của dân tộc này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá về các loại tên lửa hành trình tầm xa của Triều Tiên do còn nhiều hạn chế về công nghệ và cơ số đầu đạn nên sẽ không phải là mối nguy hiểm lớn cho các mục tiêu của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Các hệ thống đánh chặn đang được triển khai xung quanh bán đảo Triều Tiên hiện nay hoàn toàn có khả năng đối phó hiệu quả với các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên.
Song có một thực tế ít được dư luận chú ý nhưng chắc chắn Hàn Quốc và các nước láng giềng của Triều Tiên đang rất lo lắng bởi “Kho vũ khí UAV” của Triều Tiên.
Theo các tài liệu nghiên cứu, Triều Tiên bắt đầu tập trung nghiên cứu phát triển UAV từ cuối thập niên 90 với một số mẫu UAV được biết đến như Banghuyn tầm ngắn, Banghuyn - 6 tầm trung. Tuy không có những chủng loại UAV tấn công xuất sắc như của Mỹ, Isarel, Trung Quốc nhưng theo các chuyên gia nhận định, Triều Tiên đang có hàng chục ngàn UAV loại nhỏ, sải cánh 2,5 – 4,5m, tốc độ 100 - 160km/h, tải trọng mang từ 3 – 25kg, tầm bay từ vài chục đến vài trăm km. Đây sẽ là thứ vũ khí tấn công từ xa không thể xem thường. Với đặc tính kỹ thuật đơn giản cả về mặt cấu trúc khí động học, hệ thống thiết bị điều khiển và điều kiện di chuyển trên các bệ phóng di động, gọn nhẹ trên ô tô, trên tàu thuyền, dễ nguỵ trang, các dạng UAV này sẽ là vũ khí tấn công lợi hại. Đặc biệt, vật liệu làm thân, vỏ và cánh máy bay bằng composite không phản xạ với sóng radar và các góc phản xạ từ các thiết bị cơ điện từ trên máy bay cực nhỏ nên rất khó và không có khả năng đánh chặn.
Theo chiến thuật, các UAV của Triều Tiên, ngay sau khi rời bệ phóng, sẽ bay rất thấp với tầm bay dưới 200m thậm chí bay ở độ cao 100m, với tầm bay này radar hoàn toàn “bó tay”. Để đối phó, người ta có thể dùng các đài quan sát sử dụng ống kính quang học nhưng khả năng chuyển trạng thái từ nhận diện mục tiêu đến việc thực thi bắn hạ mục tiêu là khó khăn và xác suất tiêu diệt mục tiêu là rất thấp.
Thực tế từ đất nước Isarel với các hệ thống phòng thủ và đánh chặn công nghệ cao, đủ tinh khôn nhưng đã không thể đánh chặn hiệu quả các UAV của du kích Hezbollah bay vào lãnh thổ Isarel. Trải nghiệm từ Isarel cho thấy nước này đã phải sử dụng những quả tên lửa trị giá hàng triệu USD để bắn hạ được đâu đó một vài UAV tự chế của du kích Hezbollah trị giá vài ngàn USD.
Theo các chuyên gia nhận định, với khả năng hoàn toàn làm chủ công nghệ và công nghiệp chế tạo UAV hạng nhẹ với giá thành thấp từ vài ngàn USD đến 10 ngàn USD trên một phương tiện UAV, Triều Tiên có thể có trong kho hàng chục ngàn UAV loại Banghuyn.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, với công nghệ chất nổ thời nay chỉ với vài chục kg thuốc nổ mà các UAV này xung trận có thể thổi bay một toà nhà. Điều nguy hại hơn nữa là khả năng chế tạo vũ khí hoá học, vũ khí sinh học đơn giản và dễ dàng như hiện nay, không loại trừ khi bị đẩy đến mức chiến tranh, khả năng tấn công bằng UAV mang theo vũ khí hoá học và vũ khí sinh học đánh cảm tử thì hậu quả không thể đo lường.
Trên thực tế, Mỹ cũng đang phải loay hoay nghiên cứu giải pháp chống các nhóm khủng bố sử dụng các phương tiện UAV ngay trong lòng nước Mỹ. Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đang thử nghiệm trang bị hệ thống bảo vệ cơ động MFP nhận diện, phát hiện và tiêu diệt UAV tại các mục tiêu quan trọng, song trên bình diện rộng lớn thì giải pháp này không được coi là khả thi. Các nhà nghiên cứu khoa học quân sự đang trông chờ vào các loại phương tiện chống UAV bằng súng laser, súng xung điện từ, song các loại phương tiện này chưa được chứng minh triển khai trong thực tế.
Theo các chuyên gia quân sự, từ việc sử dụng UAV làm vũ khí tấn công của Triều Tiên sẽ là bài học hay cho những nước nhỏ, nước nghèo trong việc tự cường để củng cố tiềm lực quốc phòng cho mình.
Tiến sỹ Phạm Ngọc Lãng
Theo Infonet.vn