Tin Biển Đông

 
 
 

'Tuần trăng mật' giữa Philippines và Trung Quốc đã hết?

  • Cập nhật : 28/02/2017

Như nhiều quốc gia khác, Philippines muốn được độc lập nhiều hơn trong chính sách đối ngoại. Chăm chút quan hệ với Trung Quốc là động thái để tăng ưu thế của Philippines trước các đồng minh hiện tại, nhưng có những giới hạn của việc này

rtx2w5mv.jpg

Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã hoãn chuyến thăm Philippines. Nhiều nguồn tin giấu tên thuộc Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Philippines cho biết Trung Quốc hoãn chuyến thăm là do Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay chỉ trích Bắc Kinh tại cuộc họp của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 21/2 - chỉ hai ngày trước thời điểm chuyến thăm theo dự kiến. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết cuộc gặp chỉ đơn giản là bị hoãn chứ không phải bị hủy, và hai bên vẫn đang chuẩn bị triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế đã được thảo luận trước đó. Tuy nhiên, ông Vương Nghị cũng cho rằng những bình luận của Philippines nhằm vào Trung Quốc là “đáng tiếc”.

Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Philippines đã chọn cách tiếp cận cởi mở, thậm chí có thể coi là liên minh với Trung Quốc ở cấp độ chưa từng có tiền lệ. Sự cởi mở này được thể hiện rõ qua chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte hồi tháng 9/2016. Tại đó, ông Duterte tuyên bố về nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế- đầu tư, khẳng định Philippines “tách rời” khỏi Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ "trăng mật" giữa hai nước hóa ra lại ngắn ngủi. Các khoản đầu tư chưa được ký kết hay triển khai, mà chỉ mới dừng ở cam kết. Tháng 1/2017, Philippines gửi công hàm phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, liền sau đó là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho rằng hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển này là “rất đáng ngại”. Nói cách khác, Manila đã theo đuổi một quan điểm “mù mờ” trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông chưa thể chứng minh được giá trị chiến lược rõ ràng. Tuy nhiên, một liên minh tiềm năng với Philippines là điều hoàn toàn khác. Nó sẽ giúp Bắc Kinh lấy đi một đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Kế đến, nếu được Manila sẵn lòng cho phép đồn trú quân sự, Trung Quốc sẽ có sự hiện diện chiến lược thực chất lần đầu tiên ở khu vực. Đây là lý do tại sao Trung Quốc sẵn lòng bỏ ra tới 20% tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới để đổ vào Philippines, đổi lại là quan hệ song phương tốt đẹp hơn. Kéo Philippines khỏi tay đối thủ và biến nước này trở thành đồng minh sẽ giúp Trung Quốc có được lợi thế nhiều hơn bất kỳ hoạt động xây dựng đảo nào.

Chính vì vai trò tiềm năng của Philiipines mà Trung Quốc nỗ lực bỏ nhiều công sức để bảo vệ quan hệ này, nổi bật là việc đưa ra nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế lớn hay chấp nhận quan điểm “mù mờ” của Philippines về quan hệ chiến lược. Tuy nhiên, diễn biến tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 21/2 đã đi quá xa. Trung Quốc phiền lòng về sự cố này khi xét đến bối cảnh ông Lorenzana buông lời chỉ trích. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN, ông Lorenzana cho rằng các bước đi của Trung Quốc là đáng ngại, kích động quân sự hóa tại khu vực và đây là quan điểm chung của các nước tham dự hội nghị.

Sự thực không phải như vậy vì tuyên bố chính thức của hội nghị không đề cập đến nội dung này. Điểm mới ở đây chính là việc Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc và khẳng định ASEAN thể hiện quan điểm thống nhất không hài lòng về cách hành xử gây hấn của Bắc Kinh. Câu hỏi then chốt sau diễn biến này là: Tại sao Philippines lại quyết định làm điều này trong thời điểm hiện nay? Thoáng nhìn, đây là điểm khác lạ khi xét đến việc Tổng thống Duterte hôm 20/2 vừa tiếp phái đoàn Ban liên lạc quốc tế đảng Cộng sản Trung Quốc, một cuộc gặp được coi là hữu hảo, phù hợp với đà nâng cấp quan hệ Trung Quốc-Philippines.

Câu trả lời được thể hiện trên ba khía cạnh. Về mặt công khai, không phải ngẫu nhiên khi chỉ một ngày sau phát biểu của ông Lozenrana, quan chức Mỹ tiết lộ thông tin với hãng tin Reuteres về việc Trung Quốc gần như hoàn tất việc xây dựng các cấu trúc để cất trữ tên lửa đất đối không tầm xa trên các đá Subi, Mischief (Vành Khăn) và Fiery Cross (Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa. Hẳn nhiên, phía Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với Philippines trước khi tiết lộ ra bên ngoài.

Ở một tầng nấc khác, đó chính là do sức ép ở hậu trường nhằm vào Philippines từ Mỹ và Nhật Bản. Mỹ là nước cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Philippines, cũng là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Philippines. Mỹ không muốn Philippines xích lại gần Trung Quốc và có thể đưa ra nhiều đề xuất mà ông Duterte mong muốn như tăng đầu tư, giảm chỉ trích đối với các chính sách đối nội của Manila và chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích của Philippines ở Biển Đông. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn ở Philippines. Mỹ và Nhật Bản có thể bỏ qua việc Philippines “ve vãn” Trung Quốc, nhưng họ cũng có thể nhắc nhở Philippines về những hệ quả khôn lường nếu chính quyền Tổng thống Duterte thực thi những bước đi đúng như những tuyên bố cực đoan.

Ở cấp độ địa chính trị, một thực tế hiển nhiên là cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại nhiều khu vực chưa được phân định rõ ràng và không bên nào chịu từ bỏ yêu sách của mình. Với Philippines, việc đánh đổi chủ quyền để đổi lấy lợi ích có được từ liên minh với Trung Quốc không có nhiều ý nghĩa. Tiền có thể tìm ở nhiều đối tác khác, khi mà rất nhiều đồng minh có sức nặng muốn bảo vệ Philippines chứ không muốn chiếm chủ quyền của nước này. Việc Trung Quốc rút lui yêu sách chủ quyền có thể hợp lý hơn, nhưng chủ nghĩa dân tộc là cấu thành quan trọng trong tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ bỏ yêu sách ở Biển Đông sẽ khiến hình ảnh của chính quyền và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình suy yếu, và đó là một trong nhiều lý do mà giới cầm quyền Trung Quốc không chấp nhận tại thời điểm hiện nay.

Tóm lại, như nhiều quốc gia khác, Philippines muốn được độc lập nhiều hơn trong chính sách đối ngoại. Chăm chút cho quan hệ với Trung Quốc là vở kịch để tăng ưu thế của Philippines trước các đồng minh hiện tại, nhưng có những giới hạn cho bước tiến của quan hệ này. Việc Trung Quốc bất ngờ hoãn chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành cho thấy một trong những giới hạn đó.

Theo "Geopolitical Future"

Vũ Hiền (gt)
Nguồn: nghiencuubiendong.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục