Những diễn biến căng thẳng và liên tiếp trên bán đảo Triều Tiên khiến giới cố vấn Bắc Kinh dự đoán chiến tranh ở khu vực này có thể bùng nổ ngay đầu năm 2018 nhất là khi Trung - Mỹ chưa có sự đồng thuận.
Thời báo Hoàn Cầu: Không nghe Trung Quốc, chiến tranh Triều Tiên sẽ tái xuất
- Cập nhật : 09/03/2017
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang tới gần nếu như các bên liên quan không có hành động kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng sau khi những nỗ lực ngoại giao hoàn toàn thất bại.
Theo Guardian, những nỗ lực ngoại giao thất bại trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân cùng với cái chết của người được cho là anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam, đang đẩy nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự gần hơn bao giờ hết. Đáng nói, xung đột này có thể biến thành cuộc chiến trong toàn khu vực với với sự xuất hiện của Mỹ, Trung Quốc và các nước Đông Á.
Liên quan tới những tranh cãi về vụ án Kim Jong-nam, Triều Tiên và Malaysia đã liên tiếp có những hành động ngoại giao đáp trả lẫn nhau. Cụ thể, cả hai nước đều trục xuất đại sứ về nước cũng như cấm công dân mỗi nước rời khỏi nước sở tại. Thậm chí, hôm 7/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak còn tuyên bố: "Tôi cực lực phản đối quyết định của Bình Nhưỡng về việc cấm công dân Malaysia rời khỏi Triều Tiên. Đây là hành động đáng lên án khi biến công dân Malaysia thành con tin. Hành động này đã vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các quy định ngoại giao".
Kể từ năm 2000, cộng đồng quốc tế trong đó phải kể tới Mỹ đã có những hành động nhằm đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán hòa bình. Cụ thể, Mỹ từng cử cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright dưới thời Tổng thống Bill Clinton tới thăm Triều Tiên. Ngoài ra, Anh cùng nhiều nước phương Tây cũng đưa ra nhiều biện pháp ngoại giao cũng như hạn chế áp đặt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này đều đi đến thất bại đặc biệt là sau khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của người cha Kim Jong-il vào năm 2011.
Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không ngừng mở rộng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, hôm 6/3, Triều Tiên đã cho phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA còn nhấn mạnh chính nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ bắn thử tên lửa. Và đây là hành động dằn mặt Washington trong bối cảnh quân đội Mỹ - Hàn tiến hành tập trận chung.
Trước khi rời khỏi nhiệm sở, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng cảnh báo ông Donald Trump rằng Triều Tiên có thể trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất mà vị cựu tỷ phú sẽ phải đối mặt trong suốt 4 năm giữ cương vị Tổng thống Mỹ. Song cho tới nay, dù Bình Nhưỡng liên tiếp có những tuyên bố đe dọa và hành động khiêu khích, ông Trump dường như vẫn "án binh bất động".
Nhiều chuyên gia thì cho rằng Mỹ đang nghiêng về phương án quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điển hình hôm 7/3, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho hay các bệ phóng tên lửa và nhiều thiết bị thuộc Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được chuyển tới Hàn Quốc. Trong khi Mỹ nhấn mạnh THAAD đơn thuần chỉ là thiết bị bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên, thì Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối và coi đây là hành động làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Đáp trả trước việc Hàn Quốc đồng thuận để Mỹ triển khai THAAD, Trung Quốc còn cho đóng cửa hàng chục cửa hàng bán lẻ của Hàn Quốc đồng thời cắt đứt hoạt động đưa du khách đại lục sang Hàn Quốc.
Sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh không mặn mà trong chuyện kiềm chế Bình Nhưỡng, Trung Quốc cũng không ngừng chỉ trích Mỹ đang có những hành động làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điển hình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng từng tuyên bố Mỹ - Hàn Quốc – Nhật Bản đang khuấy động một cuộc xung đột bằng cách triển khai hàng loạt hệ thống tên lửa mới.
"Mỹ và Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả từ một cuộc xung đột. Hai quốc gia này không nên tiếp tục sa lầy. Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia", Guardian dẫn lời ông Cảnh.
Về phần mình, Triều Tiên khẳng định cuộc tập trận chung quy mô lớn của quân đội Mỹ - Hàn đang diễn ra trong tháng này, là bằng chứng rõ nhất về một nước Mỹ "thù địch" lên sẵn kế hoạch chuẩn bị xâm lược.
KCNA cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh cho Lực lượng tên lửa chiến lược "luôn duy trì trạng thái cảnh giác cao độ để sẵn sàng đối phó với một chiến thực thụ sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào".
Tuyên bố của ông Kim Jong-un hoàn toàn có cơ sở khi hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa tăng ngân sách quốc phòng Mỹ thêm 54 tỷ USD để tăng số lượng tàu chiến loại lớn và hiện đại hơn cũng như lực lượng vũ khí hạt nhân.
Kế hoạch tăng sức mạnh quân sự của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Trung – Nhật đang chạy đua vũ trang khi hai nước cùng tăng chi tiêu quốc phòng. Cuộc đua vũ trang này cũng đang diễn ra trong khối ASEAN mà Malaysia là quốc gia tiên phong.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã "mù quáng" theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân đồng thời cảnh báo viễn cảnh về một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cũng đang tới gần.
"Nếu tất cả các bên liên quan phớt lờ lời khuyên của Trung Quốc và bỏ qua những hành động hạ nhiệt căng thẳng, họ sẽ chỉ có thể tự trách mình khi phải lĩnh những hậu quả khủng khiếp", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn