Tin Biển Đông

 
 
 

Tại sao châu Phi là mục tiêu ưu tiên của sáng kiến Vành đai và con đường?

  • Cập nhật : 27/12/2017

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập căn cứ quân sự ở châu Phi cho thấy chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc và tương lai sẵn sàng “hạ bệ” Hoa Kỳ.

Ngay từ khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra tầm nhìn về một quá trình “phục hưng Trung Hoa” để đưa nước này trở lại vị thế trung tâm của thế giới.

Để thực hiện tầm nhìn đầy tham vọng này, Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến Vành đai và con đường nhằm kết nối các nước từ châu Á đến châu Phi và châu Âu trong một thế giới toàn cầu hóa để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển.

Sáng kiến Vành đai và con đường đã thu hút sự quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Bởi Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư khoảng 900 tỷ USD cho dự án này, trong đó mỗi năm sẽ rót khoảng 150 tỷ USD để giúp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia trên thế giới.Theo đó, sánh kiến này hiện đã mở rộng khoảng 65 quốc gia ở cả châu Á, châu Phi và châu Âu, chiếm 70% dân số thế giới, 3/4 nguồn năng lượng, 1/4 lượng hàng hóa và dịch vụ, và 28% GDP toàn cầu (tương đương khoảng 21.000 tỷ USD). [1]

tuyen duong sat noi thu do nairobi va cang bien lon mombasa, kenya do tap doan cau duong trung quoc (crbc) xay dung (anh: reuters)

Tuyến đường sắt nối thủ đô Nairobi và cảng biển lớn Mombasa, Kenya do Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây dựng (Ảnh: Reuters)

Hiện tại, khi quan sát chiến lược đầu tư của Trung Quốc dọc theo tuyến Vành đai và con đường, có thể nhận thấy, Bắc Kinh dường như đang dành ưu tiên nhiều hơn vào các quốc gia châu Phi.

Châu Phi có vị trí địa kinh tế, địa chính trị khá quan trọng, có thể đáp ứng được cho những tham vọng của Trung Quốc.

Vì vậy, việc nước này đang dành ưu tiên hơn cho châu Phi trong chiến lược của họ cũng là điều dễ hiểu.

Đẩy mạnh đầu tư cho các dự án hạ tầng và phát triển kinh tế

Hầu hết các quốc gia châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với trữ lượng khai thác tiềm năng lớn, nhưng lại thiếu thốn cơ sở hạ tầng nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc lại có đầy đủ các nguồn lực và chuyên môn để khắc phục.

Mặt khác, châu Phi là thị trường đầy tiềm năng để mở ra cơ hội cho các loại hàng hóa, dịch vụ và công nghệ của Trung Quốc tràn vào.

Điều này nhận thấy rõ nhất, khi vào thời điểm tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đang bị chậm lại, các mặt hàng xi măng, sắt thép rơi vào khủng hoảng thừa, thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi đã giúp Trung Quốc giải tỏa được sự dư thừa này.

Hiện tại, Trung Quốc đang quản lý một loạt các dự án ở khắp châu Phi, từ các nhà máy sản xuất ôtô đến xây dựng cầu đường, bến cảng, bệnh viện, trường học, các trụ sở...

Tại Nam Phi, nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc BAIC đang xây dựng nhà máy lắp ráp xe hơi ở thành phố biển Port Elizabeth, với giá trị đầu tư lên tới 826 triệu USD và sản lượng hàng năm dự kiến ​​là 55.000 chiếc. Năm ngoái, nhà sản xuất vũ khí Poly Technologies của Trung Quốc đã ký thoả thuận hợp tác với nhà sản xuất vũ khí Denel của Nam Phi để đấu thầu mua lại tàu hải quân trị giá 428 triệu USD.

hai quan trung quoc tai can cu quan su o djibouti (anh: ap)

Hải quân Trung Quốc tại căn cứ quân sự ở Djibouti (Ảnh: AP)

Tại Zimbabwe, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở huấn luyện quân sự, nhà máy điện, trung tâm máy tính, trụ sở quốc hội và trợ giúp y tế...

Ở Đông Phi, Trung Quốc đang quản lý một dự án cơ sở hạ tầng mới kết nối Sudan, Ethiopia và Kenya thông qua việc xây dựng tuyến đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu. 

Theo ước tính của hãng CNN, Trung Quốc đã chi khoảng 9,9 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đường sắt nội đô ở Đông Phi kể từ năm 2000 đến nay.

Tại Tây Phi, Trung Quốc đã đầu tư 46 tỷ USD vào Nigeria để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, và dự định sẽ đầu tư thêm khoảng 40 tỷ USD nữa.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt mức cao với 198,5 tỷ USD vào năm 2016;

Trong năm 2017, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng 64%, tổng thương mại của Trung Quốc với châu Phi tăng 16,8%. [2]

Ngoài ra, Trung Quốc hiện có khoảng 1 triệu người đang sống và làm việc ở các nước châu Phi.

Thông qua các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Phi, có thể nhận thấy rất rõ chính sách ưu tiên của Trung Quốc đối với khu vực này.

Đó cũng chính là bước đi đầy sáng suốt của Bắc Kinh khi đem đến châu Phi cái mà họ đang rất cần - cơ sở hạ tầng.

Đổi lại, Trung Quốc có một thị trường rộng lớn và các dự án hợp tác khai thác mỏ đầy triển vọng.

Toan tính địa chính trị thông qua sự hiện diện quân sự

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã chính thức mở căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti - một quốc gia nằm ở vùng Sừng Châu Phi, để làm cơ sở cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và chống cướp biển.

Đây là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng lại đặt ở quốc gia có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng.

Djibouti là một quốc nhỏ, với dân số chưa đến 1 triệu người, nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như không có, nhưng đổi lại nước này ở vào vị trí rất thuận lợi cho các hoạt động thương mại và cung cấp năng lượng toàn cầu;

Bởi Djibouti nằm ở vùng tiếp giáp với Biển Đen và kênh đào Suez-Aden, nơi có tới 10% lượng dầu xuất khẩu của thế giới và 20% các mặt hàng thương mại được vận chuyển qua khu vực này.

Chính từ vị trí địa chính trị quan trọng này mà Djibouti được nhiều nước khác ngoài Trung Quốc đặt căn cứ quân sự, như Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Nhật Bản.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti tuy vẫn còn khiên tốn, nhưng nó cũng đã gửi một thông điệp cho thế giới thấy rằng “dấu chân quân sự Trung Quốc đang phát triển ra bên ngoài lãnh thổ của họ”.

Ông David Shedd, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng:

“Trung Quốc muốn báo hiệu với thế giới rằng, họ có một sự hiện diện quân sự trên thế giới. Một phần của sứ mệnh đã được định nghĩa”. [3]

Trung Quốc luôn nói rằng, các cơ sở quân sự ở Djibouti “chủ yếu được dùng để hỗ trợ hậu cần, phục hồi nhân lực của các lực lượng vũ trang Trung Quốc tiến hành các nhiệm vụ như hộ tống hàng hải ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somali, cũng như hỗ trợ nhân đạo”;Nhưng phía Hoa Kỳ và giới quan sát lại nghi ngờ rằng, căn cứ quân sự này nằm trong một dự án quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc và Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng nó để “hạ bệ” Hoa Kỳ và bất kỳ tổ chức nào do Hoa Kỳ lãnh đạo nếu can thiệp vào lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi.

binh si trung quoc dang huan luyen tai can cu quan su o djibouti (anh: ap)

Binh sĩ Trung Quốc đang huấn luyện tại căn cứ quân sự ở Djibouti (Ảnh: AP)

Ngoài ra, một căn cứ quân sự nằm trong vùng “chèo thuyền” của Bắc Phi và bán đảo Ả Rập cũng sẽ hứa hẹn tăng cường quan điểm chính trị của Trung Quốc đối với khu vực này.

Theo dự thảo chính sách quốc phòng mới nhất của Bắc Kinh, thì “lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ làm việc chăm chỉ hơn để tạo ra một tư thế chiến lược thuận lợi, với sự quyết tâm về việc sử dụng các lực lượng quân sự và phương tiện chiến đấu khi cần thiết”. [4]

Công thức này được cho là để ám chỉ về một “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nằm trong sáng kiến Vành đai và con đường.

“Chuỗi ngọc trai” là một phép ẩn dụ cho một mạng lưới các bến cảng hải quân, chủ yếu dọc theo Ấn Độ Dương, để đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, quá cảnh và giao thông từ Trung Quốc tới Sudan. 

Sáng kiến ​​Vành đai và con đường nhằm tăng cường xuất khẩu thương mại của Trung Quốc thông qua các tuyến đường bộ và đường biển, mà phần lớn dọc theo con đường tơ lụa thời cổ đại, nằm rải rác ở châu Âu và Trung Đông. 

Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của mục tiêu thứ hai [bảo vệ đường biển], vì phần lớn 1 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu hàng ngày sang châu Âu đều đi qua Vịnh Aden và kênh đào Suez. [3]

Căn cứ quân sự ở Djibouti thực sự phản ánh một khát vọng của Trung Quốc để hướng tới việc cân bằng và vượt qua Hoa Kỳ cả về sức mạnh quân sự và kinh tế trong tương lai.

Ngoài việc thiết lập căn cứ quân sự, Trung Quốc cũng tạo ra “quyền lực mềm” đối với Djibouti, khi hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo các phúc lợi xã hội và văn hóa, từ đó tạo ra thiện chí to lớn của người dân Djibouti đối với Trung Quốc.

Tất cả các dự án cả về kinh tế - xã hội và quân sự mà Trung Quốc đang thực hiện tại châu Phi sẽ nâng dần ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này.

Và khi ảnh hưởng của Bắc Kinh phát triển đến đủ độ tin cậy, thì khả năng tác động đến chính sách đối ngoại và các chiến lược an ninh của Trung Quốc ở khu vực châu Phi cũng sẽ hứa hẹn có những điều chỉnh mạnh mẽ.

Có thể nói, châu Phi là một thị trường lớn đang nổi lên, với dân số tăng nhanh, tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thập kỷ qua, có tới 6 trong số 10 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới là các nước châu Phi.

Việc Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt thị trường châu Phi cũng như tạo ra ảnh hưởng lớn đối với khu vực này, đã cho thấy một sự nhạy bén trong chính sách phát triển của họ.

Ngoài ra, việc củng cố vị trí địa chính trị ở châu Phi, nhằm tăng cường sức mạnh của Trung Quốc đối với khu vực này vào đúng thời điểm mà Hoa Kỳ dường như đang chú tâm tái “xoay trục châu Á”, đã giúp Trung Quốc tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn để siết chặt quan hệ với các quốc gia châu Phi - một yếu tố quan trọng để thực hiện tham vọng “phục hưng Trung Hoa” của họ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thediplomat.com/2017/11/chinas-belt-and-road-initiative-prospects -and-pitfalls

[2] http://www.scmp.com/week-asia/geopolitics/article/2122492/what-mugabe-coup-says-about-chinas-plans-africa

[3]  https://www.huffingtonpost.com/joseph-braude/why-china-and-saudi-arabi -b-12194702.html

[4] Information Office of the State Council of the People's Republic of China, "China Military Strategy", en.people.cn, 26 May 2015.

http://en.people.cn/n/2015/0526/c90785-8897779.html


PHẠM DOÃN TÌNH
Theo Giáo Dục Việt Nam

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục