Tin Biển Đông

 
 
 

Sống giữa siêu cường

  • Cập nhật : 07/05/2017

Kể từ đầu thế kỷ này, hầu hết các nước châu Á đều rơi vào thế phải "đi dây" giữa 2 siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Và việc này đang trở nên hết sức khó khăn bởi nhiều diễn biến cùng một nhân tố mới - Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngay từ khi ông Trump mới thắng cử vào cuối năm ngoái, người ta đã nói nhiều về những thay đổi trong cục diện địa chính trị ở châu Á. Trên thực tế, nhiều điểm nóng ở châu lục này đang có những bước đi khó lường. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) hồi cuối tuần trước, tuyên bố chung không còn nhắc đến "quá trình cải tạo đất và quân sự hóa trên biển Đông". 

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo bàn nhiều đến chuyện hợp tác kinh tế với Trung Quốc, cụ thể là về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại được nhắc đến nhiều sau khi ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - và sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Phản ứng của Tổng thống Trump là gọi điện liền một lúc cho tổng thống Philippines và 2 thủ tướng Thái Lan, Singapore để mời họ đến thăm Nhà Trắng. Tuy nhiên, mục đích của vị tổng thống có khuynh hướng "Nước Mỹ trên hết" hơn là "xoay trục về châu Á" (chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama) là để kêu gọi sự đồng thuận trong việc cô lập Triều Tiên. 

Đáp lại, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói chưa chắc ông có thể nhận lời do "quá bận" trong khi tỏ ra hứng thú khi lên thăm tàu chiến Trung Quốc neo tại Davao, thành phố quê nhà của ông. Trong khi đó, Thái Lan tuy tuyên bố kéo gần quan hệ với Mỹ nhưng lại vừa ký thỏa thuận mua 3 tàu ngầm Trung Quốc trị giá hơn 1 tỉ USD.

 

tong thong philippines rodrigo duterte (phai) tham mot tau chien trung quoc neo o tp davao cuoi tuan truoc anh: reuters

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) thăm một tàu chiến Trung Quốc neo ở TP Davao cuối tuần trước Ảnh: Reuters

 

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, có thể xem Manila là ví dụ điển hình của chiến lược dùng kinh tế làm đòn bẩy của Bắc Kinh trong mối quan hệ với các nước láng giềng nhỏ hơn. Mặt khác của chiến lược này thể hiện trong câu chuyện với Hàn Quốc, nước phải trả giá khá đắt sau khi đồng ý cho Mỹ lắp đặt Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Lo ngại radar của THAAD "soi" khả năng quân sự của mình, Trung Quốc tiến hành hàng loạt đòn trừng phạt (không chính thức) đối với Hàn Quốc, như hạn chế du lịch và tẩy chay hàng hóa.

Không thể coi thường lợi thế kinh tế của Trung Quốc khi nước này là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, lâu nay nhiều nước vẫn muốn tận dụng lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh song mặt khác dựa vào Mỹ để làm khiên chắn đối trọng. "Tuy nhiên, vế sau của đối sách cân bằng giữa kinh tế và địa chính trị này đang gặp khó" - ông Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nói với hãng tin Reuters. 

Trung Quốc dường như còn đang có ưu thế nhờ vào tình hình Triều Tiên hiện nay. Đài CNN đặt vấn đề về một sự mặc cả đang diễn ra: Mỹ "buông" biển Đông để đổi lấy sự hỗ trợ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. "Đằng sau đổi chác này, nếu có, là sự quay lại của kiểu chính trị rất xưa cũ - phụ thuộc lợi ích của các siêu cường hơn là luật lệ quốc tế" - bài viết trên CNN đúc kết, kèm theo nhận định đây không phải là điều mà các đồng minh và đối tác của Mỹ mong đợi.

Theo Reuters, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định thái độ mới của Washington đang ảnh hưởng đến tình hình chính trị và kinh tế của châu Á. Dù vậy, ông Lý nhấn mạnh ASEAN cần duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Còn ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế của Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng điều cấp bách lúc này là ASEAN phải đưa được Mỹ "trở lại" và tận dụng ảnh hưởng của Nhật Bản. 

MỸ NHUNG
Theo nld.com.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục