Nhà nghiên cứu Raoul Heinrich cho rằng, việc áp dụng thuyết Không - Hải chiến vừa tốn kém lại chẳng mang lại lợi lộc gì.
Nhật – Trung trả giá đắt vì Senkaku/Điếu Ngư
- Cập nhật : 12/10/2016
Tổn thất kinh tế khủng khiếp do cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã được xác nhận với các số liệu thương mại và Nhật công bố hồi tháng 9. Theo tờ Japan Times, có vẻ như cả Trung Quốc và Nhật Bản đã hoặc sẽ phải trả giá đắt cho cuộc đối đầu này.
Liệu Trung Quốc và Nhật Bản có nhận thức được sự "điên rồ" của hai nước khi bước vào một cuộc “chiến tranh” về ai là người chủ của các hòn đảo nhỏ bé và không có người ở này không?
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều phải trả giá đắt cho cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Cách đây 2 tháng, hầu hết các nhà bình luận đều tỏ ra tự tin rằng cuộc tranh luận này rồi sẽ sớm trôi đi, nhưng thực tế nó vẫn đang tiếp diễn với những ngôn từ hiếu chiến mới, những hành động khiêu khích và căng thẳng chính trị mới giữa 2 cường quốc kinh tế của châu Á.
Các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh không dám tỏ ra yếu đuối còn các nhà yêu nước ở Tokyo lại tiếp tục gây thêm sức ép. Vậy cuộc đối đầu này sẽ kết thúc khi nào và bằng con đường nào?
Theo các số liệu về ngoại thương, Nhật Bản đã chịu một số tổn thất kinh tế do cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Doanh số bán của các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản bị sụt giảm và ngành du lịch nước này chịu tổn thất nặng nề do các du khách Trung Quốc hủy các chuyến du lịch đến Nhật. Các hãng hàng không Nhật Bản cũng đã giảm mạnh các chuyến bay đến Trung Quốc.
Về ngắn hạn, Nhật Bản có lẽ chịu tổn thất nhiều hơn do xuất khẩu của nước này dễ tổn thương trước hành động tẩy chay hàng Nhật ở Trung Quốc – như các số liệu về doanh số bán xe hơi và các chuyến du lịch đã chỉ rõ – và ở cả sự khuyến khích chiến dịch tẩy chay đó của chính quyền Trung Quốc.
Tình hình ở Nhật Bản lại khác, các chính trị gia không thể dễ dàng khơi dậy tinh thần yêu nước bằng cách yêu cầu người dân không mua hàng hóa của Trung Quốc – và nếu họ làm như vậy thì đó sẽ là động thái chuyên quyền rất nguy hiểm và khiêu khích. Các hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập trên kệ bán hàng ở Nhật Bản với mức giá chỉ bằng 1/3 giá của sản phẩm tương tự do Nhật Bản sản xuất.
Trung Quốc cũng là một phần trong chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất Nhật bản vì thế nếu tẩy chay Trung Quốc, Nhật Bản sẽ làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng này.
Có thể đó là những yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách “dạy” cho Nhật Bản một bài học và Trung Quốc hi vọng đó sẽ là bài học đắt giá.
Về mặt trung hạn, Trung Quốc cũng sẽ phải chịu tổn thất cả trực tiếp và gián tiếp và Nhật Bản có khi lại thu lợi được từ việc đánh giá lại và chuyển hướng chuỗi cung của mình.
Tuy nhiên, mối nguy hiểm thực sự không phải chỉ đối với 2 đối thủ trong cuộc tranh chấp này mà với cả sự tăng trưởng và ổn định kinh tế của cả khu vực châu Á cũng như toàn thế giới trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
40 năm kể từ khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao – sự kiện mà đáng lẽ đã được chào mừng vào giữa tháng 9 – hai quốc gia đã mở rộng quan hệ đầu tư, thương mại và kinh tế tới mức đã trở nên lệ thuộc chặt chẽ vào nhau.
Theo các số liệu của Trung Quốc, kim ngạch thương mại Nhật – Trung đã đạt mức kỉ lục là 345 tỷ USD vào năm 2011. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản vào năm 2009.
Về phần mình, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sau EU và Hoa Kỳ. Đầu tư của Nhật Bản được đổ vào Trung Quốc với số lượng khổng lồ. Các số liệu của Trung Quốc cho thấy tới tháng 10 năm ngoái, đã có 33.400 công ty và chi nhánh của các công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc, tăng với tỉ lệ khổng lồ là 75% so với con số trước đó vốn đã rất cao.
Vào năm 2010, theo các số liệu của Trung Quốc, các công ty Nhật Bản đã tuyển dụng 3 triệu người Trung Quốc và chiếm tới 16% tổng số công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Nhưng mối quan hệ này không theo tỉ lệ 1:1.
Các số liệu của Reuters cho thấy đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã đạt mức kỉ lục 13 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 60% so với năm trước đó. Tổng cộng, các công ty Nhật Bản đã đầu tư tới gần 1.000 tỷ USD vào các nhà máy ở Trung Quốc trong 20 năm qua.
Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản lại ở mức độ khiêm tốn hơn nhiều. Năm ngoái đầu tư của Trung Quốc vào Nhật giảm xuống còn 110 triệu USD trong khi năm 2010 con số đó là 360 triệu, nhưng ngay cả con số của năm 2010 cũng thấp hơn rất nhiêu so với số tiền mà Nhật Bản đổ vào Trung Quốc.
Có thể vẽ mô hình về quá trình đầu tư này như sau: các doanh nghiệp Nhật bản do chịu sức ép sức ép của giá nhân công cao và đồng yên tăng giá đã phải dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc. Điều đó giúp các công ty Nhật Bản có độ cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới. Trên thực tế theo số liệu của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch trong một nghiên cứu gần đây, ước tính Trung Quốc giúp tạo ra 25% lợi nhuận thuần của tập đoàn Nissan Motor, 21% của Toyota và 16% của Honda.
Trung Quốc đã trở nên hấp dẫn đối với Nhật Bản do mức lương thấp hơn, lực lượng lao động được đào tạo và làm việc qui củ, khoảng cách địa lý gần gũi giữa hai quốc gia và nhu cầu của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Nhưng không phải ai cũng cảm thấy vui vẻ.
Những người tiêu dùng Nhật Bản khó tính thường nói họ không tin tưởng chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm Trung Quốc, nhưng khi các nông sản như tỏi và rau xanh trồng ở Nhật Bản có giá cao gấp 3 lần sản phẩm của Trung Quốc thì vấn đề giá cả lại thắng thế.
Một số nhà sản xuất công nghệ cao Nhật Bản cũng đã phàn nàn về việc đem các công nghệ mới của mình đến Trung Quốc và cho biết Trung Quốc sao chép quá nhanh và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
Và một ví dụ điển hình là các tàu siêu tốc của Trung Quốc giống một cách kinh ngạc các con tàu ở Nhật Bản.
Chắc chắn cuộc đối đầu hiện nay sẽ là phép thử đối với sự khôn ngoan của Nhật Bản khi nước này bỏ quá nhiều trứng vào chiếc rỏ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề do chiến dịch tẩy chay hàng Nhật. |
Nhưng chuyển đi khỏi một chuỗi sản xuất đã được thiết lập trơn tru không phải là điều dễ dàng và các thị trường tiềm năng khác – ví dụ như Ấn Độ - có những khó khăn của riêng họ, như kỉ luật lao động mà hãng Suzuki đã trải nghiệm tại các nhà máy ở Maruti, Ấn Độ.
Với những toan tính kĩ lưỡng của Bắc Kinh, dư luận có thể cảm thấy Trung Quốc tổn thất ít hơn trong cuộc “chiến tranh” kinh tế với Nhật Bản. Nhưng việc Nhật Bản mất niềm tin và rút dần các công nghệ hiện đại ra khỏi Trung Quốc thì đó sẽ là cái giá rất đắt mà Bắc Kinh phải trả khi muốn xây dựng một siêu cường hiện đại. Nếu căng thẳng tiếp tục và Trung Quốc được nhìn nhận là đang bắt nạt Nhật Bản, Hoa Kỳ có thể sẽ “vào cuộc” và các nhà sản xuất của các quốc gia khá có thể sẽ cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư vào Trung Quốc
Một cuộc khảo sát của Reuters về các công ty Nhật Bản cho thấy các công ty này đang đánh giá lại hoạt động làm ăn của mình ở Trung Quốc.
“Trung Quốc là môi trường rất tiện lợi, nhưng dần dần sự tiện lợi đó đã phai nhạt dần”, Yoshihisa Ejiri, chủ tịch của công ty HoneysCo., chuỗi cung ứng quần áo của Nhật Bản, nói với Reuters. Tuy nhiên, chỉ một số ít doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc trì hoãn đầu tư ở Trung Quốc (24%) hay dịch chuyển sản xuất đi nơi khác (18%).
Vấn đề lớn nhất ở đây là chính trị. Bắc Kinh và Tokyo đã khơi dậy khái niệm “chủ quyền” rất nguy hiểm để tìm kiếm sự hẫu thuẫn cho các tuyên bố của mình đối với quần đảo Senkaku. Chủ quyền là vô giá. (Tuy nhiên sẽ rất thú vị nếu có số liệu ước tính giá trị của nguồn lợi hải sản và dầu khí tại vùng biển quanh quần đảo đem lại so với chi phí của chi tiêu quân sự tăng lên do tranh chấp này).
Trên toàn thế giới trong 60 năm qua, kinh tế và ngoại thương đã vượt lên trên chính trị.
Các nền kinh tế và ngoại thương mở đã giúp các nước phát triển với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, tạo việc làm và gia tăng thịnh vượng ở khắp nơi. Với những rủi ro mà Bắc Kinh tạo ra còn Tokyo thì hùa theo, đó sẽ là sự trở lại nguy hiểm về thời kỳ xưa cũ khi mà chính trị và chi tiêu quân sự là ưu tiên hàng đầu và sự thịnh vượng và cuộc sống của người dân bị bỏ qua.