Nhật Bản vừa muốn khẳng định bản thân trong cuộc khủng hoảng hạt nhân, vừa lo ngại rơi vào xung đột quân sự trực tiếp với Triều Tiên. Do đó đã lựa chọn tiến hành hộ tống cho tàu tiếp tế quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.
Kịch bản Mỹ-Hàn đối phó tên lửa hạt nhân Triều Tiên
- Cập nhật : 13/05/2017
Mỹ và Hàn Quốc buộc phải có những phương án khác nhau theo từng giai đoạn để chống lại mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly hồi tháng 4 nhận định Triều Tiên có thể hoàn thiện khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vươn tới nước này trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump.
Mỹ và các đồng minh Đông Á của mình hiển nhiên là đã bố trí sẵn các vũ khí phòng thủ chiến lược để ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân Triều Tiên, nhưng chiến tranh luôn tiềm ẩn nhiều điều khó lường. "Nhiều người cho rằng lá chắn phòng thủ tên lửa là chiếc đũa thần, nhưng không phải như vậy", Jeffrey Lewis, chuyên gia nổi tiếng về vũ khí, cho biết.
Theo National Interest, Mỹ và các đồng minh trong khu vực sẽ phải thực hiện nhiều phương án đối phó khác nhau để chống lại nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên.
Trước khi tên lửa rời bệ phóng
Theo chuyên gia quân sự Ryan Pickrell, Mỹ và Hàn Quốc đều có kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm dự phòng tình huống Triều Tiên có dấu hiệu sắp tấn công hạt nhân.
Hàn Quốc có một hệ thống phòng thủ ba giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ nhất là kịch bản tấn công phủ đầu nhằm loại bỏ hoàn toàn mọi dấu hiệu của một vụ phóng tên lửa hạt nhân và tấn công những căn cứ hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bằng tên lửa hành trình và các vũ khí khác.
Mỹ và Hàn Quốc cũng có một kế hoạch phản ứng chung, mang tên Kế hoạch Tác chiến (OPLAN) 5015.
Mặc dù các chi tiết của kế hoạch này vẫn bí mật, nó được cho là sự hợp nhất của các kế hoạch đối phó với tình huống bất ngờ trước đây, cụ thể là OPLAN 5029 (bất ổn bên trong Triều Tiên), OPLAN 5027 (chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực), và một kế hoạch thời bình. OPLAN 5015 được đự đoán bao gồm đòn tấn công phủ đầu các cơ sở quân sự, vũ khí chiến lược và có thể là ban lãnh đạo Triều Tiên.
Mike Mullen, cựu chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết Mỹ sẽ phá hủy các bệ phóng tên lửa Triều Tiên trước khi Bình Nhưỡng có dấu hiệu chuẩn bị khai hỏa tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.
Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên diễn tập cho các tình huống bất ngờ này. Điển hình như trong hai cuộc tập trận hàng năm Giải pháp then chốt và Đại bàng non, binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc được thực hành kế hoạch tác chiến 4D, bao gồm những cuộc tấn công chính xác vào cơ sở quân sự cốt lõi và hệ thống vũ khí của đối phương.
Tuy nhiên, tình hình ngày càng khó khăn khi tên lửa của Triều Tiên được đặt trên các hệ thống phóng di động và phân tán trên khắp đất nước. Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã bắt đầu sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn, vốn cần thời gian chuẩn bị ít hơn đáng kể và được phóng đi với ít dấu hiệu báo trước hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng, khiến chúng trở nên khó theo dõi cũng như khó bị phá hủy hơn trong những cuộc tấn công phủ đầu.
Khi tên lửa được phóng đi
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11 lần đầu tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh ngày 15/4 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Mỹ và Hàn Quốc cũng chuẩn bị những kế hoạch đối phó với tình huống một tên lửa hạt nhân của Triều Tiên được phóng thành công lên bầu trời.
Giai đoạn hai trong hệ thống phòng thủ của Hàn Quốc được thiết kế để chặn đứng các tên lửa đang bay tới. Mỹ cũng hỗ trợ cho hệ thống này thông qua việc triển khai một tổ hợp Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Hệ thống radar giám sát AN/TPY-2 băng tần X của THAAD có thể được thiết lập theo một trong hai chế độ: "chế độ tiền phương" và "chế độ giai đoạn cuối". Ở chế độ tiền phương, AN/TPY-2 được bố trí sát lãnh thổ địch để thu thập dữ liệu tên lửa ngay sau khi phóng để truyền thông tin về cho sở chỉ huy.
Ở chế độ giai đoạn cuối, radar có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, phân loại tên lửa ở cuối hành trình, sau đó dẫn bắn cho tên lửa đánh chặn trong tổ hợp THAAD tiêu diệt mục tiêu.
"THAAD tốt hơn bất cứ hệ thống nào của Hàn Quốc hiện có hoặc sẽ có trong nhiều thập kỷ tới. Việc triển khai hệ thống này là cấp thiết, nhằm gia tăng khả năng phòng thủ của Hàn Quốc và lực lượng Mỹ được triển khai tại đây", Bruce Klingner, chuyên gia về Hàn Quốc và Nhật Bản, tuyên bố.
Ngoài ra, Washington và Seoul cũng triển khai nhiều tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis ở vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc. Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có thể cùng lúc theo dõi nhiều tên lửa và chặn đứng mọi đầu đạn tên lửa của đối phương trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, những hệ thống phòng thủ tên lửa này cũng tồn tại hạn chế nhất định. Theo chuyên gia Klingner, một tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên rất có thể lọt qua những hệ thống phòng thủ của liên quân, khi mà hầu hết những hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong các điều kiện chiến đấu thực tế.
"Các hệ thống phòng thủ tên lửa giúp giảm bớt mối đe dọa, nhưng chúng không thể loại bỏ nó", Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á của Trung tâm James Martin, nhận định.
Rodger Baker, phó chủ tịch về phân tích chiến lược của Stratfor cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả 100% và việc bổ sung THAAD không đảm bảo bảo vệ được hoàn toàn Seoul.
Hơn nữa, Triều Tiên cũng đang nhanh chóng phát triển khả năng chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của liên quân Mỹ - Hàn. "Triều Tiên có thể chế tạo các tên lửa, đặc biệt là ER Scud, nhanh hơn và rẻ tiền hơn so với chúng ta chế tạo và triển khai các hệ thống phòng thủ", Lewis nhận xét.
Trong những vụ thử vũ khí và diễn tập quân sự gần đây, Triều Tiên đã luyện tập phóng nhiều tên lửa liên tiếp hoặc đồng thời theo phương thức nhằm áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương, gây sức ép lớn hơn lên mọi loại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
"Việc phóng đồng thời nhiều tên lửa là biện pháp đối phó phòng thủ tên lửa cơ bản. Một tổ hợp THAAD là không đủ. Chúng ta cần ít nhất hai tổ hợp, thậm chí nhiều hơn", Lewis nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress