Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Đã đến lúc vượt qua Bắc Kinh ở Biển Đông
- Cập nhật : 04/02/2017
Mỹ nhất thiết phải vượt ra ngoài cái gọi là “xoay trục” và “tái cân bằng” tiến tới một sự can dự quân sự toàn diện hơn với khu vực mà có thể được gọi là Chương trình quan hệ đối tác an ninh khu vực.
Chính sách của Mỹ và các đồng minh thân cận của nước này ở Biển Đông đã thất bại. Những tuyên bố lặp đi lặp lại về lợi ích có giới hạn kèm theo đó là sự qua lại không thường xuyên của các tàu và máy bay đã không ngăn cản được chương trình xây dựng đảo của Bắc Kinh, cũng không có hành động chặn trước đáng kể nào đối với công cuộc của Trung Quốc tìm kiếm sự chi phối quân sự trong khu vực.
Khi tìm cách giảm tới mức thấp nhất nguy cơ đối đầu ở mỗi bước đi, Mỹ và các đồng minh của họ trên thực tế đã từ bỏ quyền kiểm soát một khu vực có tầm chiến lược lớn và thực hiện một tiến trình đầu hàng dần dần. Những tiền lệ xấu đã được đặt ra, và các thông điệp về sự kém cỏi được truyền tới cộng đồng toàn cầu. Ở những phần của Tây Thái Bình Dương, các đồng minh có nguy cơ đánh mất vị thế mà họ nắm giữ từ lâu là các đối tác an ninh được ưa thích.
Tại sao Washington và các thủ đô đồng minh khác lại vụng về đến vậy? Tại sao họ lại mất nhiều thời gian đến thế để phát triển một chiến lược đáp trả hiệu quả trước hành động xây dựng đảo và quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông?
Một phần lý do là cách mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ đối với khoảng 80% tuyến đường biển chiến lược này. Biển Đông là một mạch đường biển chở hơn một nửa lượng hàng hóa thương mại của thế giới và đóng vai trò như là một tuyến đường chuyển tiếp quan trọng cho các đội quân của Mỹ và nhiều đồng minh và bạn bè của họ. Trong suốt 5 năm qua, dấu chân của Bắc Kinh đã mở rộng rõ rệt với việc nạo vét các đảo mới và xây dựng các cơ sở cho việc giám sát, cho các lực lượng phòng không, chống hạm và tấn công. Chiến dịch của Bắc Kinh được tiến hành một cách thông minh thông qua một loạt bước đi kế tiếp nhau có mức độ tăng dần, mỗi bước đi trong số đó nằm dưới ngưỡng châm ngòi cho một phản ứng mạnh mẽ của phương Tây. Kết quả là, Bắc Kinh giờ đây có những cơ sở quan trọng trên 12 đảo ở Biển Đông và cho đến nay có sự hiện diện của quân đội, cảnh sát biển và lực lượng dân quân trên biển lớn nhất trong khu vực.
Trong số những khả năng quân sự mà Trung Quốc có vẻ sắp thiết lập trên các đảo nhân tạo này có các cơ sở giám sát và thu thập thông tin tình báo, các căn cứ tên lửa chống hạm và chống máy bay tầm xa, và vô số hệ thống phòng thủ điểm tên lửa và súng. Ba trong số các đảo trong nhóm đảo Trường Sa, hướng tới giữa Biển Đông, giờ đây sở hữu các sân bay có chiều dài 10.000 feet (khoảng 3.048 m-ND), thừa sức để xử lý các hoạt động của máy bay Boeing 747. Những bức tường ngăn kiên cố để làm nhà chứa 24 máy bay ném bom chiến đấu sắp hoàn thành trên 3 đảo này cùng với cái có vẻ là các cơ sở rộng lớn để bảo dưỡng và dự trữ nhiên liệu và các nguồn cung khác. Việc vận hành máy bay từ các cơ sở này có thể có tầm hoạt động tới tận biển Andaman, Bắc Úc và Guam.
Những đảo mới được xây dựng này có vẻ cũng có khả năng cất giữ, cũng như vận hành trong thời gian ngắn, số lượng đáng kể các tên lửa hành trình và đạn đạo tầm ngắn và tầm cận trung để tấn công cả các mục tiêu có cơ sở trên đất liền lẫn các thuyền trên biển đến tận biển Sulu ở Philippines và Singapore và Malaysia về phía Nam.
Những cơ sở ở cảng cũng đã được xây dựng trên các đảo này có khả năng tiếp nhiên liệu và bổ sung thêm những số lượng đáng kể các tàu của hải quân, cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển. Ngoài ra, các đảo này có vẻ có tiềm năng hỗ trợ một mạng lưới giám sát âm thanh dưới nước trên khắp Biển Đông mà sẽ củng cố đáng kể các khả năng của Trung Quốc theo đuổi những hoạt động nhằm vào tàu ngầm của đồng minh trên chiến trường.
Vì 3 đảo chính này không quá nhỏ, nên có không gian để phân tán hầu hết các tài sản của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được triển khai trong một cuộc khủng hoảng và làm phức tạp hoạt động nhắm mục tiêu của các lực lượng đồng minh. Đá Chữ Thập giờ đây có quy mô của một căn cứ máy bay chiến đấu trên đất liền. Đá Subi lớn hơn khoảng 50% và gần như có thể so sánh được với Căn cứ Hải quân Trân Châu cảng về diện tích. Đá Vành Khăn cũng lớn hơn đáng kể và có kích thước vừa vặn bằng Quận Columbia. Kết quả là, Trung Quốc đang tiến tới biến đổi Biển Đông thành cái gì đó gần giống như là một tuyến đường thủy nội địa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện tại, việc qua lại không gây hại, đặc biệt là của các tàu thương mại, đang được tôn trọng. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rõ rằng các điều khoản và điều kiện hoạt động của nước ngoài, kể cả của các nước ven biển khác, sẽ do Trung Quốc quyết định và thực thi. Giới chức trách Trung Quốc có liên quan đã phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh đang xem xét tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) đối với toàn bộ Biển Đông. Giờ đây các cơ sở quân sự gần hoàn thành sẽ cho phép các lực lượng Trung Quốc thực thi bất kỳ tuyên bố nào với việc cho máy bay chiến đấu áp sát máy bay không tuân thủ.
Mặc dù phần lớn giới quan sát quốc tế hầu như chẳng nghi ngờ rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng 7/2016 đã làm rõ mức độ vi phạm của Trung Quốc. Tòa nhất trí kết luận rằng không có cơ sở pháp lý nào cho tuyên bố về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các vùng biển và các đảo nhân tạo nằm bên trong “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tuyên bố.
Khi đối đầu với sự bành trướng lãnh thổ và quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo đồng minh gần như luôn phản ứng bằng cách lặp lại một niệm chú mang tính tiêu chuẩn: Chúng ta có lợi ích mạnh mẽ trong việc qua lại tự do trên biển và trên không, chúng ta không có tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với các vùng lãnh thổ trong khu vực, và chúng ta kêu gọi tất cả các bên tham gia hành xử kiềm chế và giải quyết các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong sự ủng hộ mang tính biểu tượng những lợi ích này, các tàu và máy bay của đồng minh quá cảnh định kỳ qua khu vực, mặc dù họ hiếm khi thách thức trực tiếp các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Phản ứng này rõ ràng đã không ngăn chặn được sự bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Tại sao cách tiếp cận của Mỹ và các đồng minh thân cận của họ lại rụt rè và không đem lại kết quả gì đến vậy? Có một số nhân tố đóng vai trò.
Thứ nhất, nhiều người ở Washington và các thủ đô đồng minh khác coi các vấn đề ở Biển Đông là những điều gây rối trí không mong muốn hầu như chẳng có tầm quan trọng gì mà tốt nhất là nên phớt lờ. Một số nhà hoạch định chính sách và nhà bình luận đã lập luận rằng hầu như chẳng có ý nghĩa gì khi có nguy cơ phải đối đầu với một cường quốc chủ chốt xung quanh “một vài bãi đá rải rác” ở một chiến trường rất xa.
Thứ hai, mức độ quan trọng tương xứng với tương lai chiến lược của Biển Đông có sự khác nhau rất lớn giữa các đồng minh và đối tác. Quan điểm chung ở Washington là Biển Đông quan trọng nhưng không phải là sống còn. Nó chỉ đơn giản là một trong nhiều khu vực rắc rối mà Mỹ phải đối phó. Ở Tokyo, Seoul và Canberra, Biển Đông quan trọng hơn nhiều vì giá trị chiến lược và tầm quan trọng trọng yếu thực chất của nó đối với những đối tác thân cận của họ là các nước thành viên biển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đối với các nước ven biển ở Biển Đông, cán cân chiến lược và chủ quyền thực sự của khu vực này là trọng yếu đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai của họ. Những sự khác biệt trong ưu tiên giữa các đồng minh Tây Thái Bình Dương và những nước bạn bè của họ đang đặt áp lực lên các mối quan hệ an ninh lâu dài.
Sự kiềm chế nghiêm trọng thứ ba được đặt ra bởi mô hình liên minh trung tâm và các vệ tinh đã tồn tại ở Tây Thái Bình Dương kể từ những năm 1950. Hợp tác liên minh chéo và việc lập kế hoạch an ninh kết hợp không được phát triển tốt giữa các đồng minh Tây Thái Bình Dương. Trong khi những năm gần đây có một số tiến bộ trong việc tăng cường phối hợp hành động giữa Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và một số nước đối tác ở Đông Nam Á, thì điều đó vẫn còn hạn chế và phần lớn không thường xuyên. Washington chắc chắn đã khuyến khích hợp tác liên minh chéo thân thiết hơn nhưng còn một chặng đường dài để tiến tới tiếp cận được kiểu lập kế hoạch an ninh kết hợp mà thành thường lệ ở châu Âu. Kết quả là, hợp tác liên minh kịp thời, hiệu quả và thực sự nhằm ứng phó với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đã không dễ dàng.
Thứ tư, phần lớn công dân, gần như tất cả nhà báo và nhiều đại diện quốc hội và nghị viện được cung cấp thông tin một cách nghèo nàn về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và, quả thực, hành vi chiến lược rộng lớn hơn của Bắc Kinh trong suốt thập kỷ qua. Phương tiện truyền thông chính thống và các cơ quan của chính phủ phương Tây đã không làm tốt việc cho thấy thực tế của cái đã và đang diễn ra và giải thích những tác động.
Thứ năm, việc phát triển một sự ứng phó hiệu quả trước chủ nghĩa tiệm tiến của Trung Quốc ở Biển Đông về bản chất là khó khăn. Bắc Kinh đã sử dụng một chiến lược rất tinh vi và khái niệm hoạt động tác chiến có thể được thực hiện mà không thách thức các cam kết liên minh của Mỹ hoặc trực tiếp đối đầu với các lực lượng của Mỹ và đồng minh. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo phương Tây phải đối mặt với vô số sự rối loạn về chính trị và bộ máy hành chính quan liêu, và khó có thể duy trì được sự chú ý của họ trên chiến trường này.
Thứ sáu, nhiều doanh nhân và nhà hoạch định chính sách phương Tây mong muốn tránh bất kỳ biện pháp nào có thể làm gián đoạn công việc kinh doanh của họ và các mối quan hệ kinh tế lớn hơn với Trung Quốc. Những mối quan ngại này trở nên rõ ràng nhất trong các đồng minh Tây Thái Bình Dương, cũng như ở Mỹ và các tập đoàn khác đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển các quan hệ thân thiết với doanh nghiệp Trung Quốc. Các cơ quan Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy những lo lắng này, tuyên truyền những tình thế tiến thoái lưỡng nan giả mạo, và thổi phồng những hậu quả có thể có đối với các nền kinh tế khu vực của bất kỳ hành động nào được thực hiện nhằm đối đầu với sự quyết đoán của Trung Quốc.
Thành công của các hoạt động thông tin của Bắc Kinh ở các nước phương Tây là nhân tố thứ bảy giải thích cho sự rụt rè của các đồng minh phương Tây đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hoạt động này đã được trợ giúp bởi việc Trung Quốc mua các doanh nghiệp truyền thông ở các nước phương Tây cũng như việc lôi kéo các nhà ra quyết định then chốt, các nhà báo và giới học giả thông qua các chuyến thăm tới Trung Quốc được chi trả hoàn toàn; sự đóng góp các nguồn tài chính đáng kể cho các đảng chính trị; và việc thành lập nhiều kiểu hiệp hội thân Bắc Kinh, bao gồm các Viện Khổng tử ở các trường đại học; sự lồng ghép thường xuyên những phụ trương của Trung Quốc vào các tờ báo ở thành phố lớn; và việc đại sứ quán, lãnh sự quán và các thực thể thân Bắc Kinh khác định kỳ tổ chức các buổi tuần hành, các buổi hòa nhạc và những sự kiện khác mang tính “yêu nước”. Các hoạt động thông tin mạng và tình báo đã được sử dụng nhằm tăng cường các thông điệp quan trọng, tuyển mộ các nhân viên tình báo Trung Quốc và “các nhân vật có ảnh hưởng”, và hăm dọa, cưỡng ép và ngăn chặn những hành động chống đối của đồng minh.
Nhân tố thứ tám là về văn hóa. Các cử tri phương Tây có vẻ lo sợ về việc châm ngòi đối đầu và sự leo thang tranh cãi nhiều hơn so với các đối tác của họ ở Trung Quốc. Hugh White, một quan sát viên nổi tiếng trong những vấn đề của khu vực, thậm chí từng lập luận rằng Mỹ không nên đối đầu với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trừ phi các nhà lãnh đạo của họ sẵn sàng “thuyết phục đa số người Mỹ rằng Mỹ cần và sẽ sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm duy trì quyền lãnh đạo của Mỹ ở châu Á”. Những tuyên bố như thế này phản ánh những đánh giá thiếu sót về sức mạnh tương đối, những giả định đáng ngờ về sự sẵn sàng của Bắc Kinh sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ, và việc không xem xét một loạt chiến lược liên minh có khả năng và một danh sách rất dài gồm những lựa chọn phi quân sự sẵn có để các đồng minh kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc.
Một trong những vấn đề cốt lõi với cách tiếp cận của các chính phủ Mỹ, Nhật Bản và Úc là tuyên bố sai nghiêm trọng của họ về các lợi ích liên minh. Những đồng minh này chắc chắn có lợi ích mạnh mẽ trong quyền tự do đi lại trên biển và trên không và trong việc chứng kiến các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh trong khu vực được giải quyết theo cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, những lợi ích mạnh mẽ nhất của các đồng minh thực sự mở rộng vượt ra ngoài các mục tiêu có giới hạn, phần lớn là mang tính chiến thuật này.
Trên thực tế, lợi ích then chốt thứ nhất của các đồng minh là đảm bảo rằng Trung Quốc không chi phối Biển Đông tới chừng mức mà nước này có thể đơn phương quyết định trật tự khu vực và áp đặt mức độ chủ quyền mà các nhà nước ven biển được hưởng. Lợi ích then chốt thứ hai của các đồng minh là hạn chế tiềm năng các hành động chiếm hữu của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm đặt ra một tiền lệ cho những hành động bất hợp pháp hơn nữa, hung hăng hơn nữa của Bắc Kinh trong ngắn hoặc dài hạn. Lợi ích liên minh then chốt thứ ba là đảm bảo rằng những sự vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển của Trung Quốc, việc họ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài và việc nước này thách thức trực tiếp luật pháp quốc tế không được lặp lại.
Khi theo đuổi những lợi ích thực chất hơn này, các nhà lãnh đạo đồng minh cần lựa chọn một khái niệm chiến lược rõ ràng nhằm thúc đẩy một chiến dịch phản đối. Những lựa chọn rõ ràng nhất là lựa chọn một chiến lược ngăn chặn xâm nhập, một chiến lược áp đặt phí tổn, một chiến lược tấn công chiến lược của Trung Quốc, hoặc một chiến lược làm xói mòn vai trò lãnh đạo ở Bắc Kinh. Bất kể khái niệm chiến lược được lựa chọn là gì, thì một nền tảng thiết yếu sẽ là một tư thế quân sự liên minh mạnh mẽ hơn và mang tính thuyết phục hơn ở Tây Thái Bình Dương.
Xét tới những hành động của Bắc Kinh trong suốt 5 năm qua, có sự cấp thiết phải vượt ra ngoài cái gọi là “xoay trục” và “tái cân bằng” tiến tới một sự can dự quân sự toàn diện hơn với khu vực mà có thể được gọi là Chương trình quan hệ đối tác an ninh khu vực. Các mục tiêu hàng đầu của một chương trình như vậy sẽ là thể hiện ưu thế quân sự liên minh tiếp tục trong chiến trường, ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu hơn nữa của Trung Quốc, và củng cố lòng tin của các đồng minh và đối tác khu vực về trách nhiệm của các đối tác phương Tây để họ cảm thấy có khả năng chống lại một cách chắc chắn bất kỳ âm mưu cưỡng ép nào.
Chiến lược liên minh hiệu quả nhất sẽ mang tính đổi mới và không cân xứng. Chỉ bởi vì Bắc Kinh đã tập trung những hành động quyết đoán nhất của mình ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong những năm gần đây, sử dụng nhiều hình thức khác nhau là quân đội, cảnh sát biển, lực lượng dân quân biển và các phương tiện chiến tranh chính trị, điều đó không có nghĩa rằng các đồng minh cần phản công bằng cách tập trung tất cả nỗ lực của họ vào những chiến trường đó và triển khai những mô hình tương tự đó. Ngược lại, các lựa chọn liên minh hiệu quả nhất có khả năng tập trung vào việc gây một vài kiểu áp lực nhằm vào những yếu kém chủ yếu của sự lãnh đạo của Trung Quốc trong bất kỳ chiến trường nào thích hợp.
Những chiến dịch như vậy cần bao gồm một sự pha trộn được xác định một cách cẩn thận các biện pháp có thể được duy trì trong một khoảng thời gian kéo dài. Các biện pháp tiềm năng có khả năng sẽ mở rộng vượt hẳn ra ngoài các lĩnh vực quân sự và ngoại giao tiêu chuẩn nhằm tính tới những sáng kiến về địa chiến lược, thông tin, kinh tế, tài chính, nhập cư, pháp lý, chống quyền lãnh đạo và các sáng kiến khác. Một vài biện pháp trong số này sẽ bao gồm các chính sách được công bố được thiết kế nhằm ngăn chặn các hành động của Trung Quốc, đem lại niềm tin cho các đồng minh và bạn bè, và định hình môi trường hoạt động tác chiến rộng lớn hơn. Các biện pháp khác sẽ được phân loại và thiết kế một phần nhằm duy trì sự mất cân bằng của Trung Quốc và khuyến khích sự thận trọng lớn hơn ở Bắc Kinh.
Chắc chắn sẽ có những người ở các nước đồng minh thích chính phủ của họ “vờ như không biết”. Tuy nhiên, bản chất và quy mô thách thức của Trung Quốc có nghĩa là một thất bại của Mỹ và các đồng minh trong khu vực nhằm ứng phó bằng một chiến lược đáp trả mạnh mẽ sẽ có những ảnh hưởng căn bản đối với an ninh toàn cầu. Đầu tiên, trên thực tế nó sẽ nhượng lại chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông cho Trung Quốc. Việc đem lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát thực sự đối với sự mở rộng về vận tải và thông tin liên lạc như vậy sẽ có những ảnh hưởng địa chiến lược đáng kể và kéo dài. Nó sẽ tái cơ cấu các phần chính của môi trường an ninh ở Tây Thái Bình Dương và làm phức tạp một cách nghiêm trọng nhiều kiểu hoạt động tác chiến của liên minh trong tương lai.
Hậu quả lớn thứ hai là sự mặc nhận trước những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Điều này sẽ gây tổn hại rất lớn tới nỗ lực liên minh kéo dài nhiều thập kỷ nhằm xây dựng các khuôn khổ của luật pháp quốc tế mà chi phối các mối quan hệ quốc tế, thương mại và các tranh chấp quốc tế. Điều đó sẽ phát đi tín hiệu tới cộng động toàn cầu rằng các đồng minh phương Tây không sẵn sàng bảo vệ luật pháp quốc tế.
Hệ quả then chốt thứ ba là nguy cơ khuyến khích Trung Quốc tiến hành các hoạt động chiếm hữu khác, có tiềm năng nghiêm trọng hơn trong những năm sắp tới. Bắc Kinh có thể sẽ coi sự rụt rè, rối trí và vô tổ chức của các quốc gia khác là lời mời gọi chiếm giữ các vùng lãnh thổ mang tính chiến lược hơn và thực hiện các hoạt động khác mang tính quyết đoán lớn. Do đó, bằng việc vẫn cứ rụt rè và vụng về, các nhà lãnh đạo liên minh sẽ gánh chịu rủi ro nghiêm trọng của việc thúc đẩy một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn nhiều với Trung Quốc trong những năm tới mà sẽ khó tránh hơn nhiều, nếu không nói là không thể.
Hệ quả lớn thứ tư của việc không hành động theo cách thức mạnh mẽ sẽ là việc gây tổn hại tới khả năng răn đe của liên minh. Hành động yếu ớt của phương Tây vào thời điểm này sẽ gửi đi những thông điệp rất không thích hợp không chỉ tới Bắc Kinh, mà còn tới Moskva và Bình Nhưỡng.
Hệ quả thứ năm của việc Mỹ không hành động gì là buộc phải có sự đánh giá lại những giả định về quốc phòng và an ninh quốc gia rộng lớn hơn của gần như tất cả các nhà nước đồng minh và bạn bè ở Tây Thái Bình Dương, và hơn thế nữa. Do những phản ứng thiếu hiệu quả của các nhà lãnh đạo đồng minh trước những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực an ninh toàn cầu, họ cần thực hiện những thay đổi gì đối với việc lập kế hoạch an ninh của chính mình? Một số sẵn sàng thăm dò những mối quan hệ đối tác an ninh mới và có tiềm năng đáng tin cậy hơn. Những nước khác có thể tiến hành các chương trình phòng vệ mới, còn những nước khác có thể từ bỏ các yếu tố then chốt về chủ quyền của họ nhằm đạt được những sự thỏa hiệp với Bắc Kinh hoặc với các chế độ theo chủ nghĩa xét lại khác.
An ninh của Tây Thái Bình Dương vẫn là lợi ích cốt lõi của Mỹ và các đồng minh thân cận của nước này. Có đòi hỏi mạnh mẽ là Chính quyền Trump sắp tới phải biến việc đưa ra công thức về một chiến lược đáp trả hiệu quả sớm trở thành một ưu tiên.
Ross Babbage là nhà nghiên cứu cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách và là CEO của Diễn đàn Chiến lược. Bài viết được đăng trên War on the Rocks.
Trần Quang (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông