Khu vực Đông Nam Á chứng kiến một xu hướng đầu tư đang tăng mạnh từ Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc không còn sức hấp dẫn bởi chi phí nhân công tăng và chuyện căng thẳng giữa hai nước về tranh chấp lãnh thổ.
Nhìn lại những vụ chìm tàu chấn động của Việt Nam
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong khoảng vài năm trở lại đây, những vụ chìm tàu của Việt Nam, xảy ra trong nước hoặc ở địa phận các nước trên thế giới đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của các thuyền viên đi biển.
Những con tàu chìm xuống đáy biển sâu kéo theo sự ra đi vĩnh viễn của không ít thủy thủ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng.
2 tàu Queen gặp nạn ở nước ngoài
Ngày 30/10 vừa qua, thông tin tàu Saigon Queen với 22 thuyền viên vận chuyển gỗ hành trình từ Myanmar đi Ấn Độ phát báo nạn khẩn cấp tại vùng biển Sri Lanka lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao. Sau những nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, vẫn còn 3 thuyền viên và thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân mất tích.
Nguyên nhân của vụ chìm tàu này là do Saigon Queen đi vào khu vực thời tiết rất xấu do ảnh hưởng của cơn bão TWO. Trong điều kiện thời tiết phức tạp, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhưng cuối cùng, chính ông lại bị sóng cuốn phăng giữa mênh mông biển cả.
Saigon Queen là con tàu đầu tiên của công ty CP vận tải biển Sài Gòn, được đóng với tổng đầu tư 118 tỷ đồng vào năm 2005. Đến thời điểm hiện tại, đây là con tàu đầu tiên có tải trọng lớn nhất được đóng ở phía Nam.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành tìm kiếm các thủy thủ mất tích và tính toán phương án có nên trục vớt con tàu này hay không.
Một ngày cuối tháng 12/2011, tàu Vinalines Queen chở 23 thuyền viên đi từ cảng Morowali (Indonesia) đến cảng Ningde (Trung Quốc) khi tới phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines) thì thông báo bị nghiêng 18 độ rồi mất liên lạc. 22 thủy thủ trên tàu đã bị chìm, chỉ duy nhất một người sống sót là anh Đậu Ngọc Hùng (Nghệ An).
Sau 3 ngày tìm kiếm bằng trực thăng không có kết quả, nhiều giả thiết được đặt ra xung quanh vụ mất tích khó hiểu của con tàu này. Có người cho rằng do tàu chở nặng nickel, khi gặp ẩm, nickel sẽ nở ra và hóa lỏng. Trong khi đó, tại thời điểm tàu nghiêng 18 độ, gió đang mạnh ở cấp 8, cấp 9 hoặc có thể mạnh hơn. Quặng Nickel do chịu độ ẩm cao hóa lỏng dễ bị nghiêng tàu, thậm chí nếu không hóa lỏng nhưng tàu có độ nghiêng lớn cũng xô quặng về một bên. Có người đặt ra khả năng bị cướp biển bắt cóc nhưng điều này ít xảy ra... Cho đến nay, vụ chìm tàu Vinalines Queen vẫn là một ẩn số dù sau đó, không ít chuyên gia đã vào cuộc, phân tích nguyên nhân.
Đại diện Vinalines cũng phải thừa nhận đây là vụ tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử hoạt động của Tổng công ty.
Liên tiếp nhiều vụ chìm tàu trong nước
Nếu như những vụ chìm tàu của người Việt trên lãnh thổ nước ngoài chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng thời tiết xấu thì các vụ đắm tàu trong nước phần nhiều lại do ý thức của người tham gia giao thông, tất nhiên, ảnh hưởng của thiên tai cũng không phải là yếu tố ngoại lệ. Những vụ đắm tàu trong nước không tập trung ở riêng địa bàn nào mà trải dài cả Bắc - Trung - Nam.
Trong khi dư luận còn chưa nguôi về vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 17/2/2011, tại khu vực đảo Titốp trên vịnh Hạ Long, tàu Trường Hải 06 đã bị chìm trong đêm làm 12 khách du lịch gồm các quốc tịch Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Australia và 1 người Việt Nam bị thiệt mạng thì ngày 8/5/2011, cũng tại Vịnh Hạ Long, Tàu QN 2070 của công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Long chở 28 khách du lịch người Pháp cũng lại bị ngập nước và chìm, rất may, được ứng cứu kịp thời nên vụ tai nạn không có thiệt hại về người.
Mới đây, chiều 3/10, tại khu vực hang Sửng Sốt, vụ va chạm giữa tàu Đông Phong 02 với xuồng chuyển tải chở 18 khách du lịch Đài Loan bị lật, 5 người đã thiệt mạng. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, hang Sửng Sốt không có nhiều phương tiện ra vào, trời yên, biển lặng, tầm nhìn của người điều khiển phương tiện không bị ảnh hưởng. Một số nhân chứng khẳng đinh, xuồng chở 18 khách Đài Loan và tàu chở khách Đông Phong 02 đã cắt mặt nhau khi rời cảng, thanh giằng của tàu mắc vào xuồng khiến 18 hành khách bấn loạn ngả nghiêng, người điều khiển phương tiện không kịp xử lý.
Tối 5/9 vừa qua, tàu Hoàng Thịnh 08 đã bị sóng to gió mạnh đánh đắm ở vùng biển Cát Hải - Hải Phòng, khiến 7 thuyền viên mất tích. Trên thuyền có 9 thuyền viên nhưng do tàu bị đắm quá nhanh, thuyền trưởng chỉ kịp kéo chuông báo động, đồng thời ôm phao cứu hộ nhảy ra khỏi tàu. Chỉ 2 thuyền viên may mắn sống sót.
Tháng 4 vừa qua, sự cố tàu Trường Hải Star bị chìm tại vùng biển Bãi Trước (TP Vũng Tàu) do va chạm với tàu Krairatch Dignity (quốc tịch Thái Lan) đã gây thiệt hại lên đến 68 tỷ đồng chưa kể nguy cơ gây tràn dầu.
Vụ chìm tàu Trường Hải Star |
Nguyên nhân vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng này nhanh chóng được xác định do lỗi chủ quan, trong đó cả phía tàu Trường Hải Star và tàu Krairatch Dignity đều có lỗi. Tàu Trường Hải Star bị lật nghiêng, chìm ở độ sâu khoảng 20m, chỉ còn một phần nhỏ thân tàu nhô lên mặt nước… Mặc dù 16 thuyền viên trên tàu đã may mắn được cứu thoát nhưng con số thiệt hại quá lớn về tài sản cũng khiến người ta phải nhắc đến sự cố này như một lời cảnh báo khi tham gia giao thông hàng hải.
Bảo Nam
Theo Infonet, Zing