Tin Biển Đông

 
 
 

Các công ty Nhật hướng về Đông Nam Á

  • Cập nhật : 12/10/2016

Khu vực Đông Nam Á chứng kiến một xu hướng đầu tư đang tăng mạnh từ Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc không còn sức hấp dẫn bởi chi phí nhân công tăng và chuyện căng thẳng giữa hai nước về tranh chấp lãnh thổ.



Theo thống kê mới đây của Reuters, gần 1/4 các nhà sản xuất Nhật Bản đang suy nghĩ lại kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc. Thảm họa sóng thần ở Nhật và lũ lụt ở Thái Lan năm 2011 dường như là một lời nhắc nhở các công ty Nhật cần phải đa dạng hóa hoạt động nhằm tránh sự gián đoạn trong dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Nhật vào 10 nước ASEAN năm ngoái tăng hơn gấp đôi, đạt mức kỷ lục 1.550 tỉ yen (khoảng 19,5 tỉ USD). FDI của Nhật vào Trung Quốc năm 2011 tăng 60%, đạt mức kỷ lục 1.000 tỉ yen (khoảng 12,5 tỉ USD).

Tuy nhiên theo Reuters, các công ty Nhật hiện đang dần coi Đông Nam Á là địa bàn sản xuất luân phiên để cân bằng các rủi ro ở Trung Quốc. Chính phủ và các công ty của Nhật cũng đang nhanh chóng đầu tư hàng tỉ USD vào Myanmar đang trong giai đoạn đổi mới.

Không chỉ là vấn đề chi phí nhân công rẻ, khu vực Đông Nam Á với 600 triệu dân còn là nơi mà nhu cầu về xe hơi, đồ điện tử và dịch vụ của Nhật đang tăng lên trong bối cảnh tầng lớp trung lưu mở rộng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Đầu tư của Nhật vào ASEAN đạt 418 tỉ yen (5,2 tỉ USD) từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay. Riêng trong quý 2 năm nay, FDI của Nhật vào ASEAN tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này cho thấy một xu hướng đầu tư mạnh của Nhật Bản vào khu vực này.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, FDI của Nhật đạt 288 tỉ yen (3,6 tỉ USD) hồi năm 2011, tăng mạnh so với con số 41 tỉ yen của năm 2010 (512 triệu USD). Trong tám tháng đầu năm, FDI của Nhật vào Indonesia là 237 tỉ yen (khoảng 3 tỉ USD).

Bản thân trong khu vực Đông Nam Á, Nhật cũng đa dạng việc sản xuất chứ không tập trung hết vào Thái Lan. Các công ty Nhật đang tăng cường đầu tư vào Malaysia, Philippines, Campuchia. Họ cũng đang dần coi Thái Lan, Campuchia và VN là hành lang sản xuất đơn nhất.

VIỆT PHƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục