Tin Biển Đông

 
 
 

Đừng quên có một Vị Xuyên năm 1984...

  • Cập nhật : 26/07/2017

Nhiều người đã chiến đấu những năm tháng ác liệt trên tuyến lửa Vị Xuyên (Hà Giang) năm 1984 đều có chung một suy nghĩ: Họ sống tới ngày hôm nay là đang sống một phần cho những người đã ngã xuống mà ít được biết tới.

Nhiều người vẫn chỉ biết tới chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2.1979 khi Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và rút quân sau đó ít ngày. Nhưng những trận đánh khốc liệt nhất là năm 1984, khi Trung Quốc tập trung các đại quân khu, xâm lược biên giới với chiêu trò “biển người” áp đảo. Các chiến sĩ Việt Nam đã kiên cường giữ đất với 2.000 ngày chiến đấu khốc liệt. Hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trong các trận này.

Cuộc chiến không cân sức  

 nhung nguoi linh tren mat tran vi xuyen tham lai chien truong xua. anh: i.t

 Những người lính trên mặt trận Vị Xuyên thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: I.T

Những ngày giữ chốt bộ đội ta vô cùng gian khổ. Lương thực thì không thiếu, nhưng vào mùa khô thiếu nước kinh khủng. Từ những điểm cao giữ chốt, bộ đội phải đi cõng nước hàng tiếng đồng hồ mới lên chốt. Thiếu nước, bệnh ghẻ lở nảy sinh vô cùng khó chịu. Với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, chúng ta làm thất bại hàng loạt các cuộc tấn công của quân địch”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Trong những ngày tháng 7 này, khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn gặp được Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy - Tư lệnh chỉ huy mặt trận Vị Xuyên. Ông bận rộn đi thăm lại chiến trường xưa, gặp những đồng đội đã từng chiến đấu... Giờ Tướng Huy đã 87 tuổi, ông nghỉ hưu và sống giản dị trong căn nhà nhỏ trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội. “Cả cuộc đời tôi gắn với các cuộc chiến tranh. Chống Mỹ tôi đánh ở Khe Sanh, Quảng Trị, giải phóng sân bay Tà Cơn. Xong đó lại đến biên giới Tây Nam và cuối cùng là chống xâm lược ở mặt trận Vị Xuyên” - vị tướng già tâm sự.

 Cuộc đời ông chỉ biết cầm súng, từ khi đi bộ đội, đến lúc  phong quân hàm thiếu tướng, ông không có ngày nào được nghỉ ngơi. Ông chia sẻ: “Năm 1984, Trung Quốc xâm lược nước ta, chúng chọn Vị Xuyên để đánh chiếm bởi nơi đây có hệ thống điểm cao biên giới tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn vững chắc. Chiếm những điểm cao chiến lược ở Vị Xuyên thì có thể uy hiếp thị xã Hà Giang, vì Vị Xuyên chỉ cách Hà Giang hơn 20km và chúng có thể đưa quân thọc sâu vào đất liền nước ta”.

Hơn nữa, năm 1984 nước ta vừa trải qua tới 3 cuộc chiến tranh, nội lực kinh tế gần như bị suy kiệt, họ đã lợi dụng tình hình để tiến hành xâm lược khi thế của nước ta đang yếu.

Nhớ lại những ngày đầu khi quân Trung Quốc xâm lược, Tướng Huy kể lại: “Ban đầu khi đánh chiếm biên giới Vị Xuyên (tháng 4.1984), Trung Quốc huy động lực lượng của 5 sư đoàn gồm 3 sư đoàn phía trước và 2 sư đoàn phía sau (mỗi sư đoàn biên chế từ 10.000 - 20.000 quân), khoảng 400 khẩu pháo hạng nặng chưa kể vũ khí khác”.

Trong ký ức của vị tướng già, từ tháng 4.1984 đến tháng 5.1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu, tiến công toàn diện biên giới Vị Xuyên. Việt Nam có 9 sư đoàn chủ lực tham chiến thay nhau đóng giữ, chưa kể các trung đoàn, tiểu đoàn các quân khu, quân của Bộ Quốc phòng và các địa phương.

Sau chiến dịch MB84, quân Trung Quốc lấn sâu nhiều điểm cao biên giới. Chúng ta đưa lực lượng lên thực hiện chiến thuật bao vây, đánh lấn, chuyển từ tiến công nhanh sang phòng ngự trực tiếp, chặn đứng thế tiến của Trung Quốc để khôi phục lại trận địa và giành lại điểm cao. Từ đầu năm 1985, chiến sự diễn ra cực kỳ ác liệt. Ban đầu bộ đội ta lấy lại điểm cao khó khăn do địa hình bất lợi. Có những điểm ta phản kích lấy lại nhưng không giữ được vì hỏa lực đối phương mạnh. Đỉnh điểm đầu năm 1985, một ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đạn đại bác vào Vị Xuyên ở chiều rộng khoảng 5km, chiều sâu 3km.

Nhiều vị trí, hai bên đóng quân chỉ cách nhau 20-30m nhưng giành giật từng tấc đất, mỏm đá hàng tháng trời. Để giải quyết tinh thần, tư tưởng cho chiến sĩ, Thượng tướng Nguyễn Hữu An lúc đó là Tham mưu trưởng Quân khu 2, trực tiếp lên chỉ huy trận địa. Tướng An có chủ trương không tấn công đồng loạt mà chọn một điểm để đánh với mục tiêu chiếm được chốt và giữ vững bằng bất cứ giá nào. Tướng An trực tiếp chỉ cho các chiến sĩ từng động tác leo trèo, đi đứng, cách đánh địa hình núi đá ra sao...

Tướng Huy kể, quân ta rút ra kinh nghiệm và chiếm lại được một số chốt nhưng không giữ được là vì tiếp tế quân số và vũ khí không kịp. Phương án đưa ra là ngay sau khi chiếm được chốt, ta tập trung lực lượng đưa vũ khí, đạn dược, bao cát làm hầm lên ngay. Hai lữ đoàn công binh được phân công chuyên đúc những thanh bê tông làm hầm, củng cố công sự, giảm thương vong cho chiến sĩ.

Đừng quên có một Vị Xuyên 

thieu tuong nguyen duc huy

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy

Cả buổi chiều chúng tôi ở bên Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, ông kể không biết mệt mỏi về những trận đánh trên “lò lửa thế kỷ” Vị Xuyên. Ông luôn nhắc lại điệp khúc “Đừng quên có một Vị Xuyên như thế”. Theo Tướng Huy, thắng lợi to lớn của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Giang rất oanh liệt, nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn họ mới trên dưới 20 tuổi, cùng hàng ngàn người bị thương.

Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt; nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách; nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang...

Tướng Huy nhấn mạnh: Cuộc chiến đã lùi xa vài thập kỷ nhưng đến bây giờ những người lính trên mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang năm nào mới được gặp mặt nhau, người còn, người mất. Trong thâm tâm, ai cũng tâm niệm một điều, còn nhiều việc chưa làm được cho xứng đáng với tầm vóc của một cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận này. Đó là chưa có một nghĩa trang tầm quốc gia; một tượng đài chiến thắng Vị Xuyên; tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, tìm và trả lại tên cho các liệt sĩ mà phần mộ ở nghĩa trang chưa có tên...

Người tướng già nhấn mạnh thêm về bài học bảo vệ Tổ quốc: Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Như tôi đã nói rõ khi ra mắt Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, dù đất nước độc lập, thống nhất nhưng thế hệ ngồi đây và con cháu phải luôn hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực bành trướng phương Bắc đối với chủ quyền, lãnh thổ nước ta.

“Chúng ta không kích động hằn thù dân tộc và vẫn giữ vững nền hữu nghị giữa hai nước. Ghi nhớ những sự giúp đỡ tốt đẹp trong các cuộc kháng chiến trước kia, nhưng càng không được phép quên những lần Trung Quốc động binh xâm phạm chủ quyền. Những sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, chiến tranh biên giới 1979 là bài học xương máu nhắc nhở hàng ngày, hàng giờ. Cũng cần nói rõ cho nhân dân và thế hệ sau biết rõ, đây là một cuộc chiến tranh xâm phạm biên giới Việt Nam của Trung Quốc” - Tướng Huy mong mỏi. 

 

Gia Tưởng
Theo Danviet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục