Tin Biển Đông

 
 
 

Vũ khí Hàn Quốc - lựa chọn mới của Việt Nam

  • Cập nhật : 11/02/2017

Xếp trong top 10 về công nghệ quốc phòng trên thế giới, sản phẩm của Hàn Quốc xâm nhập thị trường quốc tế ngày càng nhiều, trong đó có Việt Nam.

Đáp ứng mọi nhu cầu

Những năm gần đây, Hàn Quốc đã đạt được một số hợp đồng xuất khẩu vũ khí đáng chú ý. Hiện nay, Ấn Độ đang cân nhắc nhập khẩu 100 khẩu pháo tự hành K-9 155 mm của Hàn Quốc với đơn giá khoảng 7,5 triệu USD, sẽ được Hàn Quốc cấp giấy phép sản xuất.

Trước đó, năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết mua pháo K-9 Hàn Quốc, trị giá 1 tỷ USD, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của loại pháo này. Thổ Nhĩ Kỳ được cấp giấy phép sản xuất.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã đặt mua 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc. Hợp đồng được ký kết vào năm 2013 tổng trị giá hơn 402 triệu USD. Cuối tháng 11/2015, Philippines mới nhận được lô 2 máy bay FA-50 đầu tiên; hợp đồng sẽ hoàn thành trong năm 2017.

vu khi han quoc - lua chon moi cua viet nam may bay fa-50 cua philippines.

Vu khi Han Quoc - lua chon moi cua Viet Nam Máy bay FA-50 của Philippines.

Một loại vũ khí đầy tiềm năng xuất khẩu của Hàn Quốc chính là tàu ngầm thông thường lớp Chang Bogo, một biến thể của tàu ngầm Type 209/1200 Đức (Hàn Quốc mua bản quyền sản xuất), lượng giãn nước 1.200 – 1.400 tấn.

Hàn Quốc cũng đã chế tạo tàu ngầm Type 214 hiện đại hơn theo giấy phép của Đức, gọi là lớp Chang Bogo 2, tải trọng 1.800 tấn. Loại tàu này được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Daewoo, chiếc đầu tiên bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc vào năm 2006. Chang Bogo 2 được lắp hệ thống AIP, có thể hoạt động liên tục 50 ngày trên biển.

Hàn Quốc có kế hoạch chế tạo nhiều phiên bản tàu ngầm tiên tiến hơn, thậm chí có nguồn tin cho rằng, họ có thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Seoul đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được một hạm đội tàu ngầm mạnh.

Tháng 12/2011, Indonesia đã ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm của tập đoàn DSME, tổng trị giá 1,07 tỷ USD. Những tàu ngầm này sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2018, 100% do DSME thiết kế và sản xuất. DSME cũng sẽ cung cấp thiết kế và vật liệu chế tạo tàu ngầm.

Ngoài ra, tàu hộ vệ tên lửa tàng hình KDX-1 là tàu hộ vệ tên lửa đa năng của tập đoàn DSME Hàn Quốc, có thể thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra, chống hạm, săn ngầm, đối không. Đây cũng là một trang bị hải quân có tiềm năng xuất khẩu.

Vũ khí Việt Nam sẽ mua

Với sự đa dạng về chủng loại Hàn Quốc đã tạo cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Hàn Quốc ngay từ năm 2012 để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.

Theo thông tin này, nội dung chính trong các buổi làm việc giữa hai bên là việc thảo luận mua máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50, sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI). Tuy nhiên từ đó đến nay, thông tin này hầu như không được báo chí Hàn Quốc nhắc đến.

FA-50 là biến thể dùng cho mục đích chiến đấu của dòng máy bay huấn luyện chiến đấu siêu âm T-50 Golden Eagle. Chương trình phát triển FA-50 có sự phối hợp chặt chẽ giữa KAI và Lockheed Martin (Mỹ), máy bay dùng một số thiết kế từ tiêm kích nổi tiếng của Mỹ F-16.

FA-50 được trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực tiên tiến EL/M-2032 (Israel sản xuất) có tầm hoạt động xa tới 150km. FA-50 trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy General Electric F404 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.400-1.500km/h, bán kính chiến đấu hơn 900km, trần bay hơn 16.000m.

FA-50 được thiết kế với một pháo 3 nòng 20mm trong thân và 7 giá treo trên cánh và thân mang được: tên lửa đối không AIM-9, AIM-120; tên lửa đối đất AGM-65; bom thông thường MK-82/83/84; bom có điều khiển.

Với sự đa năng của mình, FA-50 hoàn toàn xứng đáng là kẻ thay thế cho dàn MiG-21 huyền thoại của Không quân Việt Nam đã nghỉ hưu.


Đan Nguyên
Theo Báo Đất Việt

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục