Tin Biển Đông

 
 
 

'Viên đạn bạc' - vũ khí giúp xe tăng Mỹ thống trị chiến trường

  • Cập nhật : 02/04/2017

Việc sử dụng đạn urani nghèo đã mang mại nhiều ưu thế sức mạnh cho dòng tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ, có thể tiêu diệt mọi xe tăng khác của đối thủ.

xe tang  m1a2 abrams cua my. anh: us army

Xe tăng  M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: US Army

 

Ngay từ những năm 1980, quân đội Mỹ đã có bước đột phá trong việc nâng cấp sức mạnh cho dòng xe tăng chủ lực M1 Abrams để có thể tiêu diệt bất cứ xe tăng nào bằng việc trang bị loại đạn sát thủ được chế tạo từ urani, nguyên tố nặng nhất trên Trái Đất, theo National Interest.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams lần đầu ra mắt vào năm 1980, được trang bị pháo 105 mm M68 và chỉ có thể mang được 55 viên đạn. Chiếc xe tăng sau đó được nâng cấp lên pháo M256 120mm do Rheinmetall của Đức thiết kế để có thể phá hủy những lớp giáp được gia cố ngày càng dày của xe tăng đối phương. Tuy nhiên, với khẩu pháo lớn này, tăng M1 Abrams chỉ có thể mang theo được khoảng 40 viên đạn.

Dù có hệ thống kiểm soát hỏa lực rất tốt có thể bắn trúng các mục tiêu đang di chuyển từ khoảng cách 2.000 mét, cơ số đạn mang theo hạn chế buộc các kíp xe tăng M1 Abrams phải đảm bảo những viên đạn bắn ra đủ sức xuyên thủng giáp xe tăng đối phương và tiêu diệt mục tiêu.

Đúng lúc đó, các kỹ sư Mỹ cũng đang nghiên cứu sử dụng urani nghèo để chế tạo đạn xuyên giáp. Tuy là một phế phẩm trong ngành năng lượng hạt nhân, urani nghèo giúp đạn xe tăng cứng hơn, xuyên giáp tốt hơn so với loại đạn phủ vonfram truyền thống.

Với khả năng tăng gia tốc cực nhanh, đạn urani nghèo có thể xuyên thủng lớp giáp dày lên đến 420 mm, dày hơn lớp giáp bảo vệ phía trước của dòng tăng T-72 của Liên Xô, ở góc tiếp xúc 60 độ. Tính dẫn lửa của loại vật liệu này khiến đạn dễ dàng gây cháy khi xuyên vào trong lớp giáp, gây ra những thiệt hại lớn bên trong xe tăng.

Do e ngại loại đạn này của Mỹ, Liên Xô khi đó buộc phải khởi động dự án phát triển xe tăng T-80 trang bị lớp giáp bằng vật liệu tổng hợp và gốm dày đến 450 mm.

Biệt danh "Viên đạn bạc" của đạn urani nghèo xuất hiện trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, khi tăng M1A1 cải tiến của Mỹ sử dụng đạn urani M230A1 xuyên thủng được lớp giáp dày 570 mm từ khoảng cách 2.000 m.

Thế hệ mới nhất của seri đạn M829 là M829E4, được thiết kể để có thể xuyên giáp ở cự ly xa hơn so với phiên bản trước đó.

Việc sử dụng urani nghèo để xuyên giáp mang lại cho các xe tăng của Mỹ những lợi thế nhất định trong các cuộc đối đầu trên bộ. Tuy nhiên, loại đạn này lại gây ra nguy cơ nhiễm xạ trên chiến trường, có thể  gây bệnh ung thư và dị tật bào thai cho người dân và các binh sĩ.

Người dân Iraq đã vô cùng bất bình sau khi quân đội Mỹ sử dụng hàng trăm nghìn viên đạn urani nghèo khi tham chiến tại đây năm 2003. Trước phản ứng của dư luận, Mỹ đã cam kết không tiếp tục sử dụng đạn urani nghèo. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc mới đây thừa nhận đã sử dụng loại đạn độc hại này trong các cuộc không kích nhằm vào các xe tải chở dầu tại khu vực do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.

Truyền thông Nga hồi năm ngoái tuyên bố hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của nước này có thể đánh chặn hiệu quả đạn xuyên giáp lõi urani nghèo hành trình ở vận tốc 1,5-2 km/s của Mỹ. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia quân sự tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của thông tin này.

Hiện chưa thể biết được pháo M256 kết hợp với đạn bằng urani nghèo có thể phá hủy lớp giáp của dòng tăng hiện đại nhất của Nga Armata hay không, nhưng với những ưu thế hiện có, chắc chắn nó sẽ được trang bị cho các xe tăng thế hệ tiếp theo của Mỹ.


Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục