Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc mang tên lửa đến Hải Nam đối phó tàu chiến Mỹ?
- Cập nhật : 10/05/2017
Những hình ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Căn cứ hải quân Du Lâm trên đảo Hải Nam xuất hiện nhiều trang bị mới mà theo giới quan sát có thể là bệ phóng tên lửa đối hạm, theo Defense News.
Nhiều bệ phóng hướng ra biển trong ảnh chụp ngày 8.5 (phải) so với ảnh cơ sở trống trải vào ngày 15.3 ISI
“Phương hướng đặt các bệ phóng khiến chúng tôi liên tưởng đến các tên lửa đất đối hạm”, nhà phân tích hình ảnh Amit Gur của tổ chức ImageSat International (ISI) nói trong một cuộc họp báo được Defense News đưa tin vào ngày 9.5.
Căn cứ hải quân Du Lâm là nơi đặt căn cứ tàu ngầm then chốt của Hạm đội Nam Hải, chứa các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Đây cũng là nơi tập trung số lượng lớn tàu hải quân. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã và đang tăng cường củng cố nơi này để phục vụ cho tham vọng của chính quyền Bắc Kinh tại Biển Đông.
Các hệ thống tương tự đã được phát hiện trong các hình ảnh vệ tinh cách đây 2 năm, nhưng lại biến mất từ vài tháng trước và mới đây lại xuất hiện ở phía tây căn cứ.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh từ ngày 15.3 cho thấy cái bãi phóng trống vắng, nhưng ảnh chụp ngày 8.5 lại cho thấy hình dạng của các bệ phóng tên lửa đất đối hạm.
ISI không thể xác định đây là những bệ phóng cũ hoặc là hệ thống mới được đưa đến, nhưng ở rìa đông của căn cứ, họ cũng phát hiện thêm “cơ sở hạ tầng mới toanh, dường như để chuẩn bị đón các hệ thống tên lửa đối hạm, giống như ở phần phía tây”, theo phát ngôn viên ISI là Gil Or. Việc bổ sung các hệ thống tên lửa đối hạm mới có thể nâng cao năng lực chống tiếp cận – chống xâm nhập (A2/AD) mà Trung Quốc đang triển khai.
Việc công bố những hình ảnh vệ tinh mới đã diễn ra đúng thời điểm Tư lệnh Scott Swift của Hạm đội Thái Bình Dương vào ngày 8.5 tuyên bố rằng Hải quân Mỹ vẫn giữ ý định thách thức Trung Quốc ở những vùng biển mà Bắc Kinh đang cố kiểm soát bằng vũ lực, dù hạm đội Mỹ vẫn chưa thực hiện các cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải nào tại khu vực kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Đô đốc Swift cho rằng sự thay đổi bộ máy lãnh đạo tại Nhà Trắng là nguyên nhân hoạt động hải quân chưa được triển khai, chứ ông Trump không hề thay đổi chính sách về vấn đề này, theo Bloomberg.
Hiện nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang hoàn tất các khâu chuẩn bị để có thể thay thế nhóm tàu USS Carl Vinson tại Thái Bình Dương.
Phi Yến
Theo Thanhnien.vn