Theo báo Phòng không-Không quân, Quân chủng PK-KQ vừa tổ chức Diễn tập thành công chiến thuật Phân đội Kỹ thuật Tên lửa Phòng không C-125M.
Phòng không Việt Nam- 'Rồng lửa' từ mặt đất: độc nhất vô nhị S-400 Triumph
- Cập nhật : 12/10/2016
S-400 Triumph – niềm tự hào của nền công nghiệp quốc phòng Nga, lãnh sứ mệnh đầu tiên: bảo vệ an toàn cho Thế vận hội mùa Đông tại Sochi năm 2014.
S-400 Triumph (SA-21 Growler) được coi là nền tảng của phòng không Nga trong những năm tới, thay thế các loại S-200, S-300V, S-300PMU1, S-300PMU2. Mới “lộ sáng” từ năm 1999, S-400 ngay lập tức đã trở thành “thanh gươm bén” canh giữ bầu trời nước Nga với tính năng độc nhất vô nhị trên thế giới: có thể tương thích với 4 loại tên lửa khác nhau, và cấu thành hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tính năng hoàn hảo
S-400 có khả năng bắn hạ tất cả các mục tiêu trên không, như máy bay chiến lược, chiến thuật, trinh sát…, đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, chiến thuật… từ khoảng cách 400 km, độ cao 30 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây. Đáng chú ý, S-400 có thể “hạ gục” những tên lửa chiến lược có tầm bắn 3.500 km, gấp 3,5 lần so với tên lửa Patriot của Mỹ.
Sau một loạt các cuộc thử nghiệm thành công, năm 2007, S-400 chính thức được đưa vào trực chiến đấu trong phiên chế quân đội Nga. Hiện có 4 tiểu đoàn S-400 đang hoạt động, và theo kế hoạch trước năm 2015, quân đội Nga sẽ nhận hơn 20 tiểu đoàn. Nhiệm vụ đầu tiên rất vinh dự, nhưng cũng nặng nề của “con cưng” S-400 là đảm bảo sự an toàn cho Thế vận hội mùa Đông Sochi năm 2014.
Hệ thống S-400. |
Khi nghiên cứu và phát triển S-400, người ta đưa ra một số tiêu chí vượt trội như cấu trúc mở, đa năng để có thể thiết lập các thê đội phòng không khác nhau, có khả năng bố trí trên tầu chiến, sử dụng các loại đạn tên lửa phòng không hiện hành, phát huy hiệu quả trong tác chiến điện tử, tính cơ động cao...
Vươn dài khả năng đánh chặn
Cơ cấu chuẩn của hệ thống tên lửa phòng không cơ động tầm xa S-400 Triumph gồm có tổ hợp điều khiển 30K6E, tên lửa 98Z6E, tên lửa 48H6E/48H6E3 và tổ hợp đảm bảo kỹ thuật 30S6E. Tất cả được bố trí trên các xe bánh lốp có khả năng di chuyển dễ dàng, cơ động, có hệ thống cung cấp điện, thông tin liên lạc, định hướng và bảo đảm sinh hoạt độc lập. Nhằm tăng khả năng tác chiến trong bán kính 100 km và địa hình bị chia cắt, S-400 Triumph được trang bị các máy tiếp phát truyền dữ liệu và liên lạc, với tháp 40V6M để nâng cao dàn ăng ten radar đa năng 92N6E.
Ngoài ra, S-400 Triumph còn “bỏ xa” một số hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên thế giới về khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 600 km, gấp 6 lần Patriot. Cùng một lúc, S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu, gấp 3 lần so với Patriot; bắn hạ đồng thời… 32 mục tiêu, gấp 5 lần so với Patriot; và dẫn đường cho 72 tên lửa, gấp 12 lần so với Patriot.
Tên lửa của S-300 rời ống phóng. |
Niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Nga còn được thể hiện ở khả năng tiêu diệt mục tiêu khí động bay “là là” chỉ cách mặt đất 10 m cho đến độ cao nhất 27.000 m. Còn mục tiêu tên lửa đường đạn sẽ bị bắn hạ trong phạm vi 2.000-27.000 m. Thời gian để triển khai tổ hợp chỉ mất 5 phút, ngắn nhất so với các hệ thống khác cùng chức năng trên thế giới.
“Trái tim” của S-400 là tổ hợp điều khiển 30K6E, trong đó có đài chỉ huy 55K6E với những thiết bị rất hiện đại như máy tính số, phương tiện truyền dữ liệu, hệ thống trắc địa… Toàn bộ hoạt động tác chiến được tự động hoá, từ phát lệnh đến các phương tiện sẵn sàng chiến đấu, điều khiển radar 91N6E, tiếp nhận và xử lý tất cả thông tin từ sở chỉ huy cấp trên, các đài lân cận, cho đến xác định cự ly và mục tiêu cần tiêu diệt.
Cung cấp dữ liệu cho đài chỉ huy 55K6E chính là tổ hợp radar 91N6E có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu khí động và đường đạn, quốc tịch của mục tiêu, phương vị những phương tiện gây nhiễu tích cực.
Tự thiết lập “lá chắn”
Trong biên chế của S-400 Triumph có thể được bố trí đến 6 tổ hợp tên lửa 98Z6E. Trong mỗi tổ hợp có một radar định vị đa chức năng 92N6E cùng với 12 xe vận chuyển – phóng 5P85SE2/5P85TE2. Trên mỗi xe được trang bị 4 tên lửa 48N6E2/48N6E3. Đây là nơi khai hoả tên lửa khi nhận lệnh từ tổ hợp điều khiển 30K6E. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm, bám sát mục tiêu kể cả trong trường hợp có nhiễu tích cực, tiêu cực, radar 92N6E còn phải xác định quốc tịch mục tiêu, lựa chọn “con mồi”, tự động kích hoạt các tổ hợp tên lửa sẵn sàng chiến đấu, phóng và dẫn hướng các tên lửa, kích nổ các đầu đạn với tính tự động hoá cao.
Các tên lửa có điều khiển trong tổ hợp 98Z6E có 2 dạng cấu trúc với đầu đạn tự dẫn bán chủ động khác nhau. Tên lửa 48N6E3 có tầm bắn 250 km với tốc độ 4.800 m/giây, còn tên lửa 48N6E2 có tầm bắn ngắn hơn, chỉ 200 km, với tốc độ 2.800 m/giây, nhưng vẫn xa hơn so với S-300, chứ chưa nói gì đến Patriot (PAC1/2). Tên lửa đều sử dụng nhiên liệu rắn một tầng, phóng lạnh thẳng đứng từ các thùng chứa trên xe chuyên dụng.
Với tính năng ưu việt của S-400 Triumph, Quân đội Nga có thể tự thiết lập “lá chắn” phòng thủ nhiều tầng với độ tin cậy rất cao. Sau những căng thẳng về kế hoạch triển khai “lá chắn” tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, thì S-400 Triumph được xem là “cứu tinh” cho hệ thống phòng thủ Nga ít nhất trong một thập niên tới. Trở thành “của độc” trong lĩnh vực tên lửa phòng không, S-400 đang được nhiều nước, như Trung Quốc hay Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất, “dòm ngó”, mặc dù phía Nga vẫn có vẻ dửng dưng với ý định xuất khẩu.
Theo một số chuyên gia, việc xuất khẩu tổ hợp này chỉ có thể bắt đầu khi nó được trang bị đầy đủ cho quân đội Nga. Hơn thế nữa, Nga cũng cần hoàn thiện hệ thống tên lửa S-500 để “phủ nhận” chính S-400. Lúc đó, Moskva mới yên tâm xuất khẩu S-400, và thời điểm này khó có thể trước năm 2020.
---------------
Thu Hữu
( Theo Báo Đất Việt)