Tin Biển Đông

 
 
 

Ngày tàn của xe tăng đã điểm? ( 3)

  • Cập nhật : 12/10/2016

Các xu hướng, giải pháp nâng cao khả năng bảo vệ, sức cơ động và khả năng chỉ huy-điều khiển của tăng chủ lực
 

 

Khả năng bảo vệ

Nếu như vài chục năm trước về mặt bảo đảm khả năng bảo vệ cao cho xe tăng, người ta đã xem xét các phương án bảo vệ chống vũ khí hủy diệt lớn, pháo tăng và pháo chống tăng, tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu chống tăng cá nhân mang đầu đạn xuyên lõm đơn giản, thì hiện nay và trong tương lai, cần bổ sung vào các mối đe dọa này nhiều nguy cơ khác xuất hiện do sự ra đời của các vũ khí chống tăng hiện đại. Tuy nhiên, cần nhắc lại là không thể chế tạo được một loại xe tăng được bảo vệ tuyệt đối. Tất cả các nỗ lực như thế đều đã kết thúc thất bại.

Các quan điểm hiện đại đối với việc nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng được vận dụng theo những hướng sau đây: giảm xác suất phát hiện xe tăng, giảm xác suất xe tăng bị bắn trúng và nâng cao độ vững chắc của nó trước tác động của đạn pháo và các vũ khí khác bắn vào.

 

T-90MS của Nga.

Các hướng này này đang và sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng kết cấu hợp lý, tạo dáng thấp, vỏ giáp khác biệt hợp lý có sử dụng các kết cấu giáp nhiều lớp dùng gốm và các vật liệu mới, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ tích cực, các hệ thống và phương tiện giảm độ bộc lộ ở tất cả các dải tần, các hệ thống phòng vệ tập thể hiệu quả cao, tác động nhanh và các hệ thống dập lửa.

Do xu hướng giảm xác suất sử dụng vũ khí hủy diệt lớn trong các cuộc xung đột vũ trang, trong những năm gần đây, người ta rất chú ý nâng cao khả năng bảo vệ cho xe tăng chủ lực về mặt đối phó với các vũ khí thông thường.

Nếu như xem xét các hướng nâng cao khả năng bảo vệ xe tăng kể trên, thì trong những năm gần đây, người ta không làm được gì nhiều về giảm khả năng phát hiện xe tăng trên chiến trường. Nguyên là là do sự phát triển và ra đời của các khí tài phát hiện xe tăng mới. Về mặt này, đóng vai trò quan trọng là việc ứng dụng tổ hợp các phương tiện ngụy trang, bởi lẽ cần làm giảm độ bộc lộ ở toàn bộ dải bức xạ (quang học, nhiệt, âm thanh, radar…).

Để làm việc đó, người ta sử dụng các loại sơn ngụy trang đặc biệt, các lớp phủ hấp thụ radar, các lớp phủ cách nhiệt… Các công trình sư Nga đạt được những tựu lớn nhất trên hướng này khi phát triển được bộ ngụy trang đặc chủng Nakidka, cho phép giảm hàng chục lần xác suất phát hiện xe tăng ở dải sóng radar. Xác suất phát hiện xe tăng ở các dải hồng ngoại và quang học cũng giảm đi nhiều lần. Có lẽ, ở nước ngoài, người ta cũng đang nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu tương tự. Từ Mỹ đã có những đề xuất với Nga bán công nghệ sản xuất loại vật liệu này và tất cả quyền sản xuất vật liệu.

Việc giảm xác suất đạn bắn trúng xe tăng sẽ được bảo đảm bằng cách hoàn thiện kết cấu xe tăng với việc hạ thấp dáng xe, sử dụng các hệ thống hay tổ hợp phòng vệ tích cực, các hệ thống phát hiện bức xạ laser và tạo màn xon khí, sơn ngụy trang làm biến dạng xe.

Để nâng cao độ vững chắc của xe tăng trước tác động của đạn pháo và vũ khí chống tăng khác bắn trúng, người ta sẽ hoàn thiện vỏ giáp và giáp phản ứng nổ của xe tăng, lựa chọn kết cấu tối ưu cho xe, hoàn thiện các hệ thống phòng vệ tập thể và các hệ thống dập lửa.

Vỏ giáp bảo vệ trước hết được hoàn thiện theo hướng tăng cường phần hình chiếu đầu xe của xe tăng. Trong tương lai sắp tới, phần hình chiếu đầu xe tăng có thể có khả năng bảo vệ tin cậy chống sự xuyên phá đạn xuyên giáp dưới của pháo tăng và pháo chống tăng cỡ 140 mm hay lớn hơn một chút, cũng như của các tên lửa chống tăng có điều khiển uy lực mạnh tối tân nhất. Điều đó sẽ đạt được bằng cách tăng góc nghiêng của các phần tử giáp, tăng đôi chút độ dày của chúng, sử dụng các loại thép vỏ giáp mới và các vật liệu độn mới kết hợp với sử dụng giáp phản ứng nổ thế hệ mới hoạt động theo các nguyên lý khác.

Các hình chiếu bên sườn sẽ có khả năng chịu được tên lửa chống tăng mang vác hạng nhẹ, đạn rocket của súng phóng lựu chống tăng các nhân bắn vào. Điều đó đang và sẽ được thực hiện trong tương lai bằng cách sử dụng giáp phản ứng nổ, các tấm chắn sườn xe chống đạn lõm dạng vải cao su, dạng lưới và các loại tấm chắn khác.

Ví dụ, trên các xe tăng T-72BА và Т-90А đang sử dụng các tấm chắn sườn xe bằng vải cao su với các phần tử giáp phản ứng nổ treo bên trên.

Trên xe tăng M1A2 SEP của Mỹ và Leclerc của Pháp cũng đang sử dụng các tấm giáp chắn ở sườn xe. Ngoài ra, trên các xe tăng Leclerc, các bộ phận phía trước của các tấm chắn có 2 lớp giáp dày gần 20 mm lắp cách nhau khoảng 100 mm. Trên các xe tăng Mỹ, độ dày các tấm chắn sườn xe như vậy cũng trong khoảng 20 mm, nhưng kinh nghiệm chiến tranh ở Iraq cho thấy, các tấm chắn do Mỹ sản xuất không có khả năng bảo vệ xe chống đạn RPG-7 (B-41) sản xuất cách đây 30-40 năm bắn vào.

Nóc tháp xe và mặt trên thân các xe tăng tiên tiến phải chống được các đạn xuyên lõm và đạn con có lõi tạo hình của các hệ thống vũ khí chính xác cao, đạn xuyên giáp của pháo hàng không tự động cỡ đến 30 mm. Hiện nay, trên tất cả các xe tăng Nga và Ukraine (cũng như trên tăng của Trung Quốc và Pakistan), nóc tháp pháo có khả năng bảo vệ đó. Khác với các xe tăng vốn có vỏ giáp quá nặng của phương Tây nên không còn khả năng tăng độ dày vỏ giáp nóc tháp xe quá 30 mm, trên các xe tăng Nga (T-72B, Т-90А, T-80U) và Ukraine (T-80UD, Т-84), độ dày vỏ giáp tháp xe là 65 mm, ngoài ra trên đó còn được lắp các phần tử giáp phản ứng nổ có khả năng đối phó rất hiệu quả với tác động của lõi xuyên tạo hình.

Một trong các hướng nâng cao khả năng bảo vệ xe tăng là trang bị cho chúng các hệ thống hay tổ hợp phòng vệ tích cực. Các hệ thống đó cho phép tiêu diệt đạn chống tăng đang trên đường bay tiếp cận xe tăng. Hiện nay, các hệ thống phòng vệ tích cực có ở Nga (Drozd và Arena) và Israel (Trophy và Bright Arrows). Trong tương lai, các hệ thống này sẽ được hoàn thiện theo hướng tăng chủng loại đạn có thể đánh chặn, giảm “vùng chết” (hệ thống Trophy có khả năng đánh chặn đạn rocket chống tăng bắn từ cự ly không dưới 200 m), tăng khả năng tác động nhanh và giảm các tham số kích thước/trọng lượng.

Để nâng cao khả năng bảo vệ của các mẫu tăng đã sản xuất trước đây, trong quá trình hiện đại hóa chúng, người ta lắp thêm các tấm giáp bổ sung. Trong một số trường hợp, giữa vỏ giáp chính và vỏ giáp bổ sung, người ta để một khoảng cách đáng kể hoặc bố trí chất độn đặc biệt. Sơ đồ này được áp dụng trên các xe tăng Leopard 2A5, 2A6, 2A7+, trên xe tăng M60 do công ty Teledyne tự đầu tư hiện đại hóa. Thực ra, giải pháp này làm cho phần mũi xe tăng nặng thêm, dẫn tới trọng tâm của xe tăng bị dịch chuyển về phía mũi và hậu quả là làm giảm tốc độ trung bình trên địa hình chia hắt và làm hư hỏng các bộ phận treo phía trước.

Hoàn thiện kết cấu xe tăng cũng được coi là một hướng có triển vọng nhằm nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng. Người ta đang có những nỗ lực bố trí những hệ thống và tổng thành quan trọng sống còn của xe tăng sao cho giảm được xác suất cả xe bị loại khỏi vòng chiến thậm chí khi chỉ bị đạn xuyên thủng vỏ giáp xe. Chẳng hạn, một phần cơ số đạn được cách ly bằng các vách giáp ngăn, còn nhiên liệu được chứa trong các thùng được bảo vệ, ở bên rìa không gian bên trong. Đôi khi trái lại, như trên tăng Merkava của Israel, nhiên liệu được bố trí giữa các tấm giáp đầu xe nhằm giảm hiệu quả của luồng xuyên lõm. Trong tương lai, có thể có các phương án chế tạo xe tăng với động cơ bố trí ở phía đầu xe, kíp xe bố trí trong cáp-xun bọc giáp, sử dụng tháp biên dạng thấp, không có người ngồi… Người ta cũng rất chú ý làm hạ thấp dáng xe tăng.

 

 

Hiện nay, đa số xe tăng hiện đại được trang bị các hệ thống phát hiện bức xạ laser và tự động tạo màn xon khí. Ở Nga và Ukraine, ngoài các hệ thống này, các xe tăng (Т-90, Т-90А, Т-84, T-80UК) còn được trang bị hệ thống chế áp quang-điện tử Shtora-1 để đối phó tích cực với các vũ khí chống tăng hiện đại nhất.

Hệ thống chế áp quang-điện tử cho phép bảo vệ xe tăng khỏi bị tiêu diệt bởi tên lửa chống tăng có điều khiển và gây nhiễu đối với các vũ khí chống tăng có trang bị máy đo xa laser và hệ dẫn đạn bằng laser.

Trong tương lai, các hệ thống này sẽ được hoàn thiện theo hướng mở rộng chủng loại các hệ thống điều khiển đạn chống tăng có thể đối phó, thời gian đối phó và khả năng tác động nhanh của hệ thống.

Các hệ thống phòng vệ tập thể và dập lửa sẽ được hoàn thiện theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng tác động nhanh và giảm thể tích chiếm dụng trong không gian bọc giáp của xe tăng.

Đồng thời, các biện pháp nâng cao khả năng bảo vệ của xe tăng mà không thay đổi lớn kết cấu xe thường tất yếu làm tăng trọng lượng chiến đấu của xe. Bởi vậy, các vấn đề nâng cao khả năng bảo vệ thường liên quan không thể tách rời với việc thực hiện các yêu cầu về khả năng cơ động của xe tăng.

Khả năng cơ động

Trong ngành chế tạo xe tăng hiện đại, có thể thấy xu hướng vững chắc nâng cao tốc độ trung bình của xe tăng trong các điều kiện đường sá khác nhau, cải thiện các phẩm chất động học và cơ động của chúng. Đó là hệ quả của việc tăng công suất riêng bằng cách sử dụng các động cơ hoàn thiện hơn. Nếu phân tích tình hình, có thể nói rằng, công suất động cơ của các xe tăng hiện đại hiện trong khoảng từ 1.000-1.500 mã lực. Đa số các xe tăng hiện đại sử dụng động cơ diesel 4 kỳ có bộ tăng áp kiểu turbine, ở mức độ ít hơn là động cơ turbine khí (Abrams của Mỹ và Т-80 của Nga) và động cơ diesel tăng áp 2 kỳ (T-80UD và Т-84 của Ukraine).

Trong tương lai gần, các xe tăng vẫn sử dụng động cơ diesel và turbine khí. Việc hoàn thiện các bộ phận động lực sẽ đi theo hướng nâng cao công suất và moment quay của chúng. Điều đó trước hết là vì cần bù đắp cho trọng lượng chiến đấu tăng lên của xe và nhu cầu điện năng lớn hơn để bảo đảm hoạt động của tất cả các hệ thống.

Trọng lượng của đa số các mẫu tăng chủ lực phương Tây là trên 60 tấn, ví dụ Abrams M1A2 SEP có trọng lượng chiến đấu 69,4 tấn, Leopard 2A6 - 62,4 tấn. Nhu cầu điện năng của xe tăng hiện đại hiện đã là 35 kW, trong tương lai gần, con số này sẽ lên đến 50 kW. Lối thoái khỏi tình trạng này là sử dụng các động cơ bổ trợ.

Trong tương lai, người ta có thể sử dụng các loại động cơ lai (hybrid) cho xe tăng. Những nghiên cứu về loại động cơ này cho khung gầm xích hiện đang được tiến hành ở Anh trong khuôn khổ chương trình FRES.

Việc nâng cao khả năng cơ động sẽ còn được thực hiện bằng cách lắp bộ truyền lực tự động và hoàn thiện chúng. Trên các xe tăng của nhiều nước như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc đã lắp các bộ truyền động thủy lực tự động. Ở Nga, Ukraine và Trung Quốc, xe tăng vẫn dùng bộ truyền động cơ khí bánh răng hành tinh điều khiển bằng thủy lực.

Trong tương lai gần, các bộ truyền động thủy lực tự động có thể cũng sẽ xuất hiện trên các xe tăng Nga và Ukraine. Chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều khiển xe, giảm mệt nhọc cho lái xe khi thực hiện các hành quân xa, tăng tốc độ trung bình của các đoàn xe, nhưng chi phí sản xuất và khai thác cao, giảm các đặc tính động học của xe, nhất là trên địa hình chia cắt. 

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để nâng cao sức cơ động của xe tăng là hoàn thiện hệ thống treo. Đa số các xe tăng chủ lực hiện đại có hệ thống treo xoắn độc lập, nhưng ở một số mẫu đã sử dụng hệ thống treo thủy khí (tăng Arjun của Ấn Độ) hoặc thủy khí có thể điều khiển (K2 Black Panther của Hàn Quốc và Type 10 của Nhật). Chắc chắn, trong tương lai, đa số các nước sẽ sử dụng hệ treo thủy khí có thể điều khiển trong kết cấu tăng chủ lực của mình. Chúng nhỏ gọn hơn, cho phép kết hợp trong một cụm bộ phận đàn hồi và bộ phận giảm chấn, bảo đảm sự tiện lợi về kết cấu và độ êm thuận hành trình cao trên mọi loại địa hình.

Khả năng chỉ huy-điều khiển

Khả năng chỉ huy-điều khiển được đưa vào số những đặc tính chiến đấu chính của xe tăng chỉ mới đây. Nó được đặc trưng bởi khả năng của kíp xe tăng nhận hoặc phát đi thông tin cần thiết cho hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này. Việc nâng cao khả năng chỉ huy-điều khiển chiến đấu của xe tăng được bảo đảm nhờ có các khí tài thông tin được bảo vệ hiện đại, các phương tiện định vị, còn trong những năm gần đây là nhờ cả các hệ thống thông tin-điều khiển chiến đấu và chỉ huy bộ đội tự động hóa ở cấp chỉ huy của mình.

Rõ ràng là trong những năm tới, đa số các xe tăng hiện đại hóa và tất cả các xe tăng mới sẽ được trang bị thông tin-điều khiển chiến đấu được liên kết hay tích hợp vào hệ thống chỉ huy bộ đội tự động hóa. Hiện nay, các hệ thống như vậy đã được lắp cho các tăng chủ lực Abrams M1A2, Leclerc Tropic và Leclerc S21, đang thử nghiệm trên các xe tăng Leopard Revolution và Leopard 2A7+.

 

Vị trí làm việc của pháo thủ và trưởng xe trên xe tăng hiện đại.

Các hệ thống đạo hàng sẽ sử dụng cả hệ định vị vệ tinh GPS hay GLONASS, cũng như vẫn duy trì hệ đạo hàng dự phòng kiểu quán tính, sử dụng con quay phòng khi các vệ tinh bị ngắt.

Các khí tài thông tin liên lạc sẽ là loại số hóa, có khả năng hoạt động ở chế độ bảo mật và chế độ truyền dữ liệu.

Các phương tiện bảo đảm khả năng chỉ huy-điều khiển của xe tăng sẽ được phát triển theo hướng bảo đảm thông tin hiệu quả, hiển thị thông tin tình huống chiến dịch, vị trí, tình trạng của xe tăng (tình trạng cơ số đạn, nhiên liệu, những hỏng hóc phát sinnh và cách thức khắc phục…), các thông tin chỉ thị mục tiêu một cách dễ hiểu, thuận lợi. Các nghiên cứu do các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nga tiến hành cho thấy, chỉ cần giảm 10-15% chu trình chỉ huy huy là có thể giảm 20-25% tổn thất trong trận đánh tiến công và 10-15% trong tác chiến phòng ngự.

Đó là các triển vọng phát triển có thể trông đợi trong lĩnh vực chế tạo xe tăng thế giới. Xe tăng sẽ vẫn trụ vững trên chiến trường một thời gian dài nữa bởi lẽ trong tương lai gần ta không thấy cái gì có thể thay thế cho chúng. Một điều nữa cũng không còn phải nghi ngờ là dù các công trình sư có chế tạo xe tăng hoàn thiện đến mấy thì thành công của nó trên chiến trường sẽ phụ thuộc vào những hành động đúng đắn của người chỉ huy, vào sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng và trình độ chuyên nghiệp của kíp xe. Không có cái đó thì bất kỳ xe tăng hoàn thiện nhất nào cũng chỉ là đống sắt vụn.

 

Nam Xương (theo National Defense, Đất Việt)


 

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục