Hệ thống Afghanit trên xe tăng T-14 Armata Nga có thể là khắc tinh của các dòng tên lửa diệt tăng đang được NATO sử dụng phổ biến.
New York Times: Những điều cần biết về cuộc chiến khủng bố ở Philippines
- Cập nhật : 26/05/2017
Hôm thứ 5 (25/5), quân đội Philippines cho xe tăng và máy bay trực thăng vào thành phố Marawi miền nam nước này để tấn công nhóm chiến binh liên quan đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Dưới đây là một cái nhìn tổng quát về những gì đang xảy ra và các bên có liên quan:
Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 23/5, lực lượng an ninh tại Marawi chiến đấu với ít nhất 100 chiến binh, một số người mang vũ khí tinh vi nhưng không bắt được Isnilon Hapilon, một chiến binh Hồi giáo trong danh sách những kẻ khủng bố đang bị FBI truy nã. Nhiều người trong số này là thành viên của băng đảng có tên Maute và sau đó đã gia nhập lực lượng với các môn đồ của Hapilon.
Xe tăng của quân đội Philippines tiến vào Marawi hôm 25/5
Cả Maute và tổ chức của Hapilon có tên Abu Sayyaf đều từng cam kết trung thành với IS, và các chiến binh treo cả biểu ngữ đen của nhóm lên một số tòa nhà ở Marawi, bao gồm cả bệnh viện chính của thành phố. Nhóm khủng bố cũng bắt giữ một linh mục và những người đi nhà thờ làm con tin và đốt cháy tòa nhà. Hàng ngàn thường dân bỏ chạy và ít nhất 30 người thiệt mạng.
Hôm thứ 3, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte áp đặt thiết quân luật trên đảo miền nam Mindanao, bao gồm Marawi. Mindanao với dân số 20 triệu người, là trung tâm của cuộc nổi dậy của phiến quân Hồi giáo.
Các bên liên quan?
1.Abu Sayyaf và Isnilon Hapilon
Abu Sayyaf là một nhóm theo chủ nghĩa khủng bố đã đe doạ miền nam Philippines trong nhiều thập niên, tham gia vào các vụ cướp biển, bắt cóc, tống tiền và đánh bom. Nhóm này từng chặt đầu một con tin Đức vào năm nay và sát hại 2 người Canada vào năm 2016.
Khói bốc ra từ trung tâm của Marawi hôm thứ 5 (25/5)
Nhóm này cho biết muốn thành lập một vương triều Hồi giáo ở miền nam Philippines. Năm ngoái, nhà truyền giáo Hồi giáo Hapilon từng cam kết trung thành với IS và lãnh đạo của nhóm này là Abu Bakr al-Baghdadi, trong một video đăng trực tuyến. Mỹ đưa ra khoản thưởng 5 triệu USD cho người bắt được Hapilon. Hồi tháng 1, quân đội Philippines từng cố gắng tiêu diệt tên này trong một cuộc không kích, nhưng không thành công.
Hapilon từng cố gắng thu nạp một số nhóm Hồi giáo nhỏ hơn trong khu vực, bao gồm Maute, những người chủ yếu ở Marawi.
Maute
Maute là một trong 4 nhóm Hồi giáo tại khu vực và có liên kết với IS. Nhóm được thành lập bởi anh em Abdullah và Omar Maute, khi bắt đầu chỉ là một nhóm tội phạm nhỏ. Năm ngoái, các thành viên của Maute từng bị bắt trong vụ đánh bom tại một chợ đêm ở thành phố Davao, quê hương của ông Duterte.
Cư dân bỏ trốn khỏi Marawi hôm thứ 4 (24/4)
Các nhà chức trách cũng tuyên bố họ từng ngăn chặn được một âm mưu vào tháng 11, trong đó nhóm này cố gắng đánh bom Đại sứ quán Mỹ tại Manila.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte
Ông Duterte vừa phải rút ngắn chuyến thăm Nga trong tuần này để quay về giám sát hoạt động quân sự và tuyên bố thiết quân luật ở Mindanao. Vị tổng thống theo chủ nghĩa dân túy này đưa ra một đường lối cực đoan về tội phạm, đáng chú ý nhất là cuộc chiến ma túy đầy tranh cãi từng khiến hàng nghìn người trên khắp nước này thiệt mạng. Cách làm của ông cũng bị lên án bởi các nhóm quyền và nhiều chính phủ phương Tây.
Cuộc chiến ma túy của ông Duterte từng gây khá nhiều tranh cãi
Hôm thứ 4 (24/5), ông Duterte cảnh báo rằng mình có thể áp đặt lệnh cai trị quân sự lên toàn bộ đất nước vì có khả năng những kẻ khủng bố có thể bắt đầu hoạt động ở miền bắc Philippines.
Thiết quân luật là gì?
Tuyên bố thiết quân luật hôm thứ 3 sẽ thay thế các chính phủ dân sự ở Mindanao bằng các lực lượng vũ trang. Theo đó, binh lính có thể tăng phạm vi thực hiện các vụ bắt giữ. Trong 2 tháng, quyền tự do dân sự sẽ bị hạn chế. Dân thường có thể bị giam giữ chỉ vì nghi ngờ có phạm tội và có thể bị toà án quân sự xét xử.
Cựu tổng thống nước này, ông Ferdinand Marcos (1965 -1986) tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972 và sử dụng nó để duy trì quyền lực của mình trong nhiều năm.
Trang Hồ/ Theo New York Times/NDH.VN