Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Mỹ loại Trung Quốc khỏi RIMPAC 2018 do 'quân sự hóa biển Đông'
- Cập nhật : 24/05/2018
Mỹ vừa rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới – Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Christopher Logan, hôm 23-5 nhấn mạnh: "Hành vi quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực. (…) Chúng tôi có chứng cứ vững chắc về việc Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và hệ thống gây nhiễu điện tử đến quần đảo Trường Sa ở biển Đông".
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các hệ thống quân sự ngay lập tức. (…) Chúng tôi tin rằng những triển khai gần đây và hành động tiếp tục quân sự hóa đã đi ngược lại lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình với Mỹ và toàn thế giới".
"Hành vi của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC" – ông Logan nói thêm.
Theo một quan chức Mỹ, quyết định hủy lời mời do chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Nhà Trắng phối hợp đưa ra, sau khi Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa và lần đầu tiên cho máy bay ném bom hạ cánh ở biển Đông gần đây.
RIMPAC do hải quân Mỹ tiến hành 2 năm một lần tại vùng biển quanh Hawaii. Cuộc tập trận năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 6, với hơn 20 nước tham gia. Năm 2016 có 45 tàu, 200 máy bay và hơn 25.000 người đến từ 26 quốc gia tham gia RIMPAC. Trung Quốc được mời tập trận RIMPAC từ năm 2014.
Không lâu sau tuyên bố của Lầu Năm Góc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cuộc họp báo chung ở Washington.
Ông Pompeo cho hay: "Chúng tôi bày tỏ mối lo ngại về hành động quân sự hóa biển Đông" và nói thêm trách nhiệm về vấn đề này trước hết do Lầu Năm Góc đảm trách.
Đáp lại, ông Vương gọi quyết định loại Trung Quốc khỏi RIMPAC là "thiếu xây dựng", đồng thời lưu ý Mỹ có nhiều tiền đồn quân sự ở Thái Bình Dương, như Guam và Hawaii, trong khi những triển khai của Trung Quốc (ở biển Đông) "có quy mô nhỏ hơn nhiều" so với quân đội Mỹ.
Tham gia RIMPAC là dấu hiệu chứng tỏ sự chính danh trong mắt cộng đồng quốc tế. Ông Harry Kazianis, giám đốc về nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ), đánh giá việc Lầu Năm Góc hủy lời mời Trung Quốc cho thấy Mỹ đã nhận ra các chiến dịch tự do hàng hải mà họ tiến hành lâu nay ở biển Đông "chưa đủ để ngăn chặn Trung Quốc".
"Trung Quốc không bao giờ nên được mời tham gia RIMPAC. Đó là quyết định phù hợp nếu xem xét lối hành xử hung hăng của họ nhằm thống trị châu Á – Thái Bình Dương, biến biển Đông thành ao nhà cũng như thu hẹp vị thế của Mỹ trong khu vực" – ông Kazianis nhấn mạnh.
Hải Ngọc (Theo CNN, SCMP)