Tin Biển Đông

 
 
 

Mỹ bán vũ khí tối tân cho Ấn Độ, Trung Quốc lo bị bao vây

  • Cập nhật : 27/06/2017

Trung Quốc hiện đang theo dõi rất sát chuyến đi thăm Mỹ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đặc biệt là những hợp đồng về quân sự giữa hai nước, trong đó có hợp đồng cung cấp máy bay không người lái của Mỹ cho Ấn Độ.

may bay khong nguoi lai mq-9b

Máy bay không người lái MQ-9B

Ngày 26/6, thủ tướng Modi lần đầu tiên gặp tổng thống Donald Trump trong bối cảnh Ấn Độ và Mỹ đã thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược kể từ khi ông Modi lên cầm quyền, mặc dù hai nước chưa phải là đồng minh. Ông Modi hy vọng là quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục nồng ấm giống như dưới thời tổng thống Obama, nhưng trước mắt ông sẽ cố thiết lập một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Donald Trump.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn chắc cũng sẽ bàn về hợp đồng bán và chuyển giao công nghệ chiến đấu cơ phản lực của Mỹ cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo một chiến lược gia Trung Quốc tại Bắc Kinh được tờ Hindustan Times ngày 26/7 trích dẫn, Trung Quốc không mấy lo lắng về việc Washington chuyển giao công nghệ sản xuất chiến đấu cơ F-16, vì đây cũng chiến đấu cơ đời cũ.

Vấn đề khiến Trung Quốc quan ngại nhất là khả năng Mỹ cung cấp các máy bay không người lái tối tân cho Ấn Độ. Theo chiến lược gia này, hợp đồng đó mang tính biểu tượng hơn là hợp đồng F-16 và sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát của New Delhi ở vùng Ấn Độ Dương và như vậy Ấn Độ sẽ theo dõi sát hơn mọi di chuyển của tàu bè Trung Quốc tại vùng biển này.

Một số tờ báo đưa tin chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho hợp đồng bán 22 chiếc máy bay không người lái Guardian MQ-9B, trị giá tổng cộng 2 tỷ USD, mà Ấn Độ muốn trang bị cho lực lượng hải quân của họ. Hãng tin Reuters trước đó cho biết New Delhi xem hợp đồng này là một trắc nghiệm quan trọng cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.

Theo dự kiến, hợp đồng bán máy bay không người lái cho Ấn Độ sẽ được công bố trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa tổng thống Trump và thủ tướng Modi, nếu có sự chấp thuận chính thức của quốc hội.

Trung Quốc ngày càng quan ngại về quan hệ Mỹ-Ấn kể từ khi hai nước ký hiệp định về hạt nhân dân sự năm 2005, mở đường cho New Dehli nhập khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn chống lại việc Ấn Độ muốn gia nhập nhóm 48 quốc gia cung cấp năng lượng hạt nhân, kiểm soát việc mua bán công nghệ hạt nhân trên thế giới.

Hơn nữa, Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang muốn dùng Ấn Độ để kềm chế, «bao vây» Trung Quốc. Ngày 23/6, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Washington và New Delhi «không làm ảnh hưởng đến hòa bình ở khu vực Biển Đông», yêu cầu hai nước này nên đóng vai trò xây dựng trong những tranh chấp chủ quyền hơn là làm cho các tranh chấp đó trầm trọng. Trung Quốc đã ra tuyên bố như trên vì biết chắc vấn đề này sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp gỡ giữa hai ông Trump và Modi.


Phú Lộc
Theo Viettimes.vn

Trở về

Xem thêm

    Bài cùng chuyên mục